Bốn năm kể từ ngày bài viết về ông Dũng xuất hiện trên Báo Nhân Dân, tôi mới gặp lại ông và thực tế là tôi vẫn theo dõi những gì ông đã làm được cho cộng đồng và cho giới báo chí thời gian qua.
Những số báo Nhân Dân đặc biệt
Đầu tháng 11 vừa qua, ông Dũng tiếp một phóng viên từ kênh Truyền hình Quốc hội Việt Nam đến thăm kho báo giấy của mình trên đường Trường Chinh, TP Nam Định, tỉnh Nam Định. Lý do là nhận được thông tin Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena đang tìm số báo Nhân Dân ngày 3/4/1963 nên ông đã nhờ phóng viên này trao tặng tờ báo tới ông Sommad Pholsena. Đây là số báo có bài viết trên trang nhất về lời chia buồn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng liên quan sự kiện đau lòng khi bố của ông Sommad Pholsena, ông Kinim Pholsena, Bộ trưởng Ngoại giao Vương quốc Lào, bị thế lực thù địch sát hại ngày 2/4/1963. Mất mát này không chỉ là nỗi đau của gia đình ông Pholsena, mà còn ảnh hưởng lớn đến nhân dân Lào và Việt Nam, bởi ông Kinim là người luôn góp sức vun đắp tình hữu nghị Việt Nam - Lào.
Trước đó, vào ngày 7/5/1962, ông Kinim Pholsena đã có chuyến thăm Việt Nam và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón. Chuyến thăm lịch sử ấy, cùng với tình cảm gắn bó giữa hai quốc gia, cũng đã được Báo Nhân Dân ghi lại và đăng tải trên số báo ra ngày 8/5/1962.
Khi được trao tận tay tờ báo Nhân Dân với thông điệp lịch sử, ông Sommad Pholsena đã không kìm được xúc động. Những trang báo cũ như tái hiện lại ký ức của ông về cha mình, một người hết lòng vì hòa bình và tình hữu nghị của hai nước.
Theo ông Dũng, việc trao tặng tờ báo Nhân Dân lịch sử thể hiện lòng tri ân từ một công dân Việt Nam dành cho tình cảm đặc biệt mà cha con ông Kinim và Sommad Pholsena đã dành cho nhân dân Việt Nam. Món quà tuy nhỏ nhưng chất chứa tình cảm sâu sắc, tượng trưng cho tình hữu nghị bền chặt giữa hai nước Việt Nam-Lào, đồng thời ghi dấu một câu chuyện ý nghĩa trong dòng chảy lịch sử hai dân tộc.
Ông Dũng kể lại chuyện tìm được người công nhân Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định có trong bức ảnh được đăng trên tờ Nhân Dân số ra ngày 11/11/1970. Câu chuyện bắt đầu từ ngày 29/7/2022 khi ông Dũng đăng thông tin trên mạng xã hội và nhờ cộng đồng người Nam Định tìm bốn nữ công nhân Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định có hình được đăng trên trang nhất của tờ Nhân Dân hoặc con cháu, người thân của họ. Vào thời điểm năm 1970 đó, các nữ công nhân Vũ Thị Lưu, Trần Thị Nga, Vũ Thị Bích Liên và Trần Thị Thanh đã vượt mức kế hoạch gần 24 nghìn m vải trong chín tháng đầu năm. Thành tích này giúp họ được tặng danh hiệu “Những con thoi nhanh nhất” và hình ảnh của họ được đăng trên trang nhất Báo Nhân Dân.
Thật bất ngờ là chỉ sau một ngày, ông Dũng đã nhận được thông tin về bà Vũ Thị Bích Liên và đến nhà bà ngay ở đường Phan Bội Châu, TP Nam Định để trao tặng số Báo Nhân Dân đặc biệt đó. Nhà sưu tập sinh năm 1961 kể lại, trước khi trao, ông có hỏi bà Liên có biết việc bà được đăng ảnh trên Báo Nhân Dân khi đó hay không? Bà Liên trả lời, thời kỳ đấy là giai đoạn chiến tranh nên để được cầm một tờ báo thật sự khó khăn.
Ông Dũng tặng tờ Báo Nhân Dân cho bà Vũ Thị Bích Liên tại TP Nam Định. |
Khi ông Dũng đưa tờ báo ra, chỉ vào ảnh và hỏi bà Liên có nhận ra ai trong ảnh không, thật bất ngờ là người phụ nữ chỉ ngay người thứ hai từ phải qua trái và nói “Tôi đây” cùng nụ cười rạng rỡ. Theo ông Dũng, qua trò chuyện với bà Liên, ông được biết bức ảnh đó chụp khi bà mới 29 tuổi, trước đợt thi thợ giỏi miền bắc năm 1971. Điều đáng nói là ông cũng được biết bà Liên đã có vinh dự 3 lần được gặp Bác Hồ. Tiếc nuối duy nhất là bà Liên đã không có thông tin gì về ba người công nhân kia bây giờ ở đâu.
Thật khó để nhớ ông Dũng đã trao tặng bao nhiêu số Báo Nhân Dân có ngày phát hành trùng với ngày sinh của người được tặng hay chỉ đơn giản là có hình đăng trên báo như thế. Dĩ nhiên, những tờ báo được trao đi phần lớn là số báo dư thừa qua nhiều lần tìm kiếm, hoàn thiện bộ sưu tập nhưng cũng có những tờ báo có giá trị lưu giữ được ông trao đi mà không cần suy nghĩ.
Ông Dũng cũng mong muốn sưu tầm, lưu trữ các di sản văn hóa khác. Là người con của quê hương Nam Định nên nói đến Nam Định, không thể không nghĩ đến đời Trần và ngược lại. Chính vì vậy, ông Dũng có ý định lấy tên bảo tàng là Bảo tàng Báo chí và Di sản văn hóa Đông A. Ông mong, nếu được ra đời, bảo tàng sẽ góp một phần nhỏ đồng hành cùng các bảo tàng, trung tâm lưu trữ, phòng sưu tầm của các tổ chức, cá nhân khác trong cả nước. Và báo chí, tư liệu và các hiện vật di sản văn hóa là kênh phong phú nhất để có thể xem lại quá khứ, lịch sử của con người Việt Nam đã sống, làm việc, chiến đấu để xây dựng và bảo vệ đất nước như thế nào.
Ước mơ về một bảo tàng báo chí và di sản văn hóa Đông A
Khởi nguồn cho con đường sưu tầm báo chí là cha của ông Dũng - ông Nguyễn Phi Hùng mà dịp tháng 6/2024, ông Dũng đã có dịp chia sẻ trên Thời Nay. Tám năm qua, bộ sưu tập báo, tạp chí của ông lên đến hơn 400 nghìn tờ báo giấy, trong đó có hơn 100 đầu báo phát hành tại Việt Nam trước năm 1954. Chẳng hạn trong bộ sưu tập của ông có rất nhiều các tờ báo đặc biệt như tờ Le Courrier d’Haiphong (Thư tín Hải Phòng) phát hành năm 1886 hay những tờ báo ra số đầu tiên (số 1) như: Tờ Số 1, Cờ Giải Phóng (Cơ quan tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương) phát hành ngày 10/10/1942; tờ báo Cứu Quốc, số Xuân năm Quý Mùi, xuất bản ngày 5/1/1943; tờ Gia Định báo (xuất bản số đầu tiên năm 1865 ở Sài Gòn); Phụ nữ tân văn (xuất bản số đầu năm 1929 ở Sài Gòn)... Tuy vậy, chiếm số lượng lớn trong bộ sưu tập là các báo: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Tiền phong, Thanh niên…
Ông Dũng kể, việc ông bước vào quá trình sưu tầm báo, tạp chí một phần là để cho đam mê của người cha, của chính ông không bao giờ tắt; một phần ông muốn những hiện vật mà hai cha con dày công tìm kiếm sẽ được bảo quản, lưu giữ tốt hơn và có ích cho cộng đồng cũng như cho các thế hệ mai sau. Đây là lý do ông muốn thành lập bảo tàng báo chí tư nhân đầu tiên ở Việt Nam và năm 2024 được ông xem là thời điểm chín muồi cho sự chuẩn bị, khi ông đã sở hữu hơn 20 tấn báo, tạp chí có tuổi đời từ một năm đến vài chục năm, thậm chí hơn 100 năm và vừa được Tổ chức kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục là người sưu tập báo giấy phát hành tại Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến nay với số lượng nhiều nhất.
Một lý do nữa khiến ông Dũng quyết tâm theo đuổi ý tưởng về bảo tàng báo chí tư nhân là vì năm 2025 sẽ kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Việc thành lập bảo tàng không chỉ để chào mừng ngày kỷ niệm mà ông mong muốn lấy dấu mốc đó để làm thời điểm khởi đầu mới: Tiếp tục sưu tầm nhiều hơn nữa để phục vụ cộng đồng và lưu giữ cho các thế hệ sau được nhiều hiện vật hơn.