Lối thoát của nước Anh

Các thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã nhất trí để Anh gia nhập khối này. Quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng của Nhóm làm việc về gia nhập CPTPP ngày 31/3, đánh dấu đợt mở rộng đầu tiên của hiệp định và giúp tăng sự đóng góp của khối trong GDP toàn cầu từ 12% lên 15%, đặc biệt khi có sự góp mặt của nền kinh tế “xứ sương mù”.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: TANG TENGFEI
Biếm họa: TANG TENGFEI

Theo CNN, quyết định của Nhóm làm việc sẽ được trình lên Hội nghị cấp bộ trưởng của CPTPP để phê chuẩn vào tháng 7 tới. Tuyên bố sau cuộc họp cho hay, Nhóm làm việc, do Nhật Bản chủ trì, sẽ phối hợp với Anh để hoàn tất tiến trình gia nhập đúng lúc. Anh sẽ trở thành thành viên mới đầu tiên kể từ khi hiệp định được ký kết năm 2018 và là quốc gia châu Âu đầu tiên trong khối này.

Bộ trưởng Tái thiết kinh tế của Nhật Bản, ông Shigeyuki Goto hoan nghênh việc Anh sẽ gia nhập CPTPP, khẳng định đây là sự kiện “rất có ý nghĩa” trong việc thúc đẩy các giá trị như tự do thương mại và tạo ra thị trường mở và cạnh tranh ở trong và ngoài khu vực Thái Bình Dương.

Trong một tuyên bố, Thủ tướng Anh Rishi Sunak khẳng định: “Gia nhập CPTPP sẽ đưa Anh vào vị trí trung tâm của một nhóm các nền kinh tế năng động và đang phát triển mạnh tại Thái Bình Dương, trong vai trò thành viên mới đầu tiên và là nước châu Âu đầu tiên gia nhập khối”. Ông Sunak nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp Anh giờ đây sẽ được hưởng sự tiếp cận chưa từng có vào các thị trường từ châu Âu đến nam Thái Bình Dương”.

CPTPP được thành lập vào năm 2018, hiện gồm 11 thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand, Singapore và Việt Nam. Sau khi Anh trở thành thành viên, CPTPP sẽ trở thành thị trường của hơn 500 triệu dân với tổng GDP ước tính hơn 13,6 nghìn tỷ USD. CPTPP là hiệp định thương mại tự do với các điều khoản loại bỏ thuế quan giữa các nước thành viên, đồng thời đặt ra các quy tắc về những vấn đề như đầu tư xuyên biên giới, thương mại điện tử, sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước và lao động.

Chính phủ Anh cho biết, hiệp định này sẽ giúp họ giảm thuế nhập khẩu ô-tô, rượu và sản phẩm từ sữa. GDP của Anh sẽ tăng thêm 1,8 tỷ bảng (tương đương 2,2 tỷ USD) mỗi năm trong dài hạn. Con số này có thể tăng thêm nếu nhiều nước gia nhập hơn nữa.

Kể từ khi rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, Anh đã tìm cách thúc đẩy giao thương với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm tìm kiếm các đối tác mới ngoài EU. Giới chuyên gia dự báo rằng, khu vực này sẽ đóng góp phần lớn trong tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2050.

Sau 21 tháng “đàm phán căng thẳng”, Anh sẽ là “trung tâm của một nhóm gồm các nền kinh tế năng động” và là bằng chứng của việc “nắm bắt cơ hội của tự do thương mại mới hậu Brexit”. Động thái trên giúp Anh thực hiện một cam kết quan trọng với những người đã ủng hộ Brexit, rằng sau khi rời EU, Anh có thể tham gia các khối thương mại khác với các nền kinh tế đang phát triển nhanh hơn những nền kinh tế gần về địa lý.

Thông báo về thỏa thuận trên, Thủ tướng Sunak khẳng định: “Anh là một quốc gia tự do thương mại và mở cửa và thỏa thuận này cho thấy các lợi ích kinh tế thật sự của sự tự do hậu Brexit”. Ông nhấn mạnh: “Là một phần của CPTPP, Anh giờ đây ở một vị trí quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu để nắm bắt các cơ hội tăng trưởng, đổi mới và tạo việc làm”.

Theo nhận định của giới chuyên gia, trở thành thành viên của CPTPP được xem là lối thoát cho nền kinh tế Anh, trong bối cảnh tác động của thời kỳ hậu Brexit vẫn đang chi phối tương lai “xứ sương mù” sau khi Anh từng bước giảm sự phụ thuộc vào các đối tác hợp tác thương mại truyền thống ở “lục địa già”. Việc gia nhập CPTPP còn giúp Anh định hình các quy tắc thương mại toàn cầu với các quốc gia có cùng chí hướng, đồng thời cùng các quốc gia hợp tác chặt chẽ hơn nữa vì các ưu tiên chung về sự thịnh vượng, an ninh và thương mại tự do và công bằng.