Theo đó, người cao tuổi sống một mình được khuyến khích đăng ký tham gia chương trình theo hình thức đến cửa hàng tiện lợi mua hoặc được đưa đến tận nhà, hằng ngày. Người thực hiện việc giao hàng (sữa tươi) sẽ đưa trực tiếp cho người nhận (với trường hợp đăng ký mua tại cửa hàng tiện lợi) hoặc cho vào túi vải treo trước cửa (với trường hợp đăng ký nhận tại nhà). Không chỉ giao hàng, người đưa sữa còn có nhiệm vụ chú ý xem sản phẩm có được sử dụng hay không. Nếu sản phẩm không được sử dụng thì nhiều khả năng người cao tuổi sống tại đó có vấn đề về sức khỏe, và cần đến sự hỗ trợ của cộng đồng. Bên cạnh mục đích chính là tạo kênh chăm sóc xã hội, việc đưa sữa cũng nhằm mục đích tăng thêm nguồn dinh dưỡng cho người cao tuổi. Chương trình được thực hiện với nguồn ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, và đang mang lại những tác động tích cực, đáng kể.
Việt Nam đang nằm trong số quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, với số lượng người già từ 60 tuổi trở lên là 14,2 triệu người (theo con số Tổng cục Thống kê ghi nhận, năm 2024). Tốc độ hội nhập và tiến trình toàn cầu hóa gây tác động lớn đến cơ cấu gia đình hạt nhân và bắt đầu cho thấy những hệ lụy tiêu cực, thách thức đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe cả về thể chất và tinh thần của người cao tuổi.
Cùng với hệ thống chính sách vĩ mô để chủ động “thích ứng với quá trình già hóa dân số, dân số già” đang được Đảng, Chính phủ xúc tiến xây dựng, việc hình thành những sáng kiến có ý nghĩa cộng đồng như chương trình “Hỏi thăm sữa” kể trên có thể là một thí dụ đáng để tìm hiểu.