Lệ đá

Nắng chiều xuyên qua giàn lan chậu to, chậu nhỏ, có hoa hoặc không hoa.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN VĂN ĐỨC
Minh họa: NGUYỄN VĂN ĐỨC

Ông chủ nhà cáo lỗi sẽ “uống ít ít” vì tối nay phải đi núi.

Thằng bé con 12 tuổi của tôi hồ hởi:

- Gì ba? Dượng Út đi núi đêm chơi hả? Trời ơi gió núi mát lắm, cho Bo đi với dượng út nha ba?

- Đi làm chứ không phải đi chơi Bo ơi! Muốn đi cũng được, uống hết ly này, ấm ruột rồi đi!

Thằng bé của tôi lè lưỡi rụt vai chạy đi.

Thằng Tựu lại rót đầy bốn ly chuối hột. Rượu này lạ lắm, trong bình đầy chuối, phải gạt chuối mới thấy được rượu nên rất thơm ngọt. Tựu hít hà khen rượu thơm, chuối vầy mới chính hiệu “rượu chuối hột nhà làm”. Mà bật mí, đây là chuối hột núi Bà chứ không phải chuối hột rừng như ngoài đường hay rao nhen anh Hai!

Tựu là em rể, tôi là anh vợ.

Rất buồn cười là hai thằng từng đi làm chung vài công trình, Tựu làm hồ, tôi làm điện - nước, từng nhậu chung mấy lần nhưng không ai nghĩ sẽ trở thành người một nhà.

Nhớ hồi bốn năm trước, theo thông lệ của dân thợ hồ là chiều thứ bảy phải nhậu một trận rồi mới thanh toán tiền công, ai về nhà nấy. Vậy mà Tựu bảo “Hôm nay không nhậu nha anh em! Đây, lương tuần này. Ngày mai tao đi coi mắt vợ nên bà già không cho nhậu chiều nay”.

Tôi cũng chúc mừng Tựu sắp có vợ rồi nhanh chóng nhận lương của phần mình, không nhậu càng tốt, vì tôi cũng phải về phụ gia đình dọn dẹp nhà cửa. Ngày mai em gái tôi có người mai mối tới “coi mắt”. Dù sao nó cũng hai tám tuổi rồi, con gái có thì…

*

Trái đất tròn là vậy. Ai ngờ chú rể được người mai mối dắt tới “coi mắt” em tôi lại chính là Tựu.

Ngoài công việc của một thợ hồ thì Tựu còn bám núi để sống. Mà không, hình như Tựu đã bám núi trước khi làm thợ hồ nữa chứ!

“Bảy tuổi em đã theo chú Út, chú Tư, dượng Chín hàng xóm đi núi rồi anh. Mấy ổng vác chuối xiêm, chuối hột cho người ta, còn em thì kiếm vài con thằn lằn, ốc núi, chim chóc, về cho mẹ bồi dưỡng. Hoàn cảnh em khác người lắm. Mỗi lần mẹ em sinh con là ba em… bỏ đi. Chừng đứa bé biết ăn, biết nói thì ổng trở về… “làm đứa nữa” rồi lại bỏ đi. Hồi đó chị Hai em bốn tuổi ổng mới trở về, năn nỉ ỉ ôi mẹ em vài ngày thì… sau đó chín tháng sinh ra em.

Ông lại bỏ đi. Bà này, bà nọ dữ lắm nhưng mẹ em bảo, tiếng đời “con không cha” sẽ bị người ta ăn hiếp nên bà phải chấp nhận. Rồi em lên sáu, ông lại trở về và mẹ em có thêm thằng út. Lần này thì ổng đi biệt nha anh!

Vậy nên lên bảy là em phải theo mấy chú trong xóm bám núi mà kiếm cái ăn đem về nuôi mẹ và em bé. Nói chung thì đường thương đau đày ải nhân gian lắm anh Hai ơi, nhưng rồi cực cực chút chứ cũng qua hết hà! Bây giờ em gần bốn chục, mà đã có hơn ba mươi năm bám núi đó, anh “bể” em chưa?

*

Núi Bà nói lớn không lớn, nói nhỏ không nhỏ. Vì quần thể núi liền kề nhau, trông xa xa cứ như chiếc nón lá tròn ủm nằm úp im lìm xanh mướt. Núi Bà không thành dãy dài dằng dặc trùng điệp đồi và cây như bao núi khác.

Vậy là núi Bà nhỏ ư? Nhỏ sao mà gần 40 năm làm cư dân của xứ núi này, tôi vẫn chưa một lần đi giáp hết vành đai núi?

Vì tôi “nhát gan”, mỗi ngày trèo lên tuột xuống mấy tầng lầu, rồi khoan, đục, cắt, xẻ bao mảnh tường, sân gạch. Hoặc chui xuống tầng hầm để hoàn thành công trình điện - nước đã lấy hết sức lực của tôi rồi. Nên ban đêm tôi không thể cùng chiếc đèn ló bé xíu với quầng sáng chỉ bằng một vòng tay mà nhảy, mà bước từng mỏm đá này đến hốc thạch kia để tìm từng con ốc, câu từng chú thằn lằn dù biết rằng đó là “đặc sản”, giá đến vài trăm nghìn một kg.

Vậy nên hôm kia thằng Khiết đã bị “đá chém” rồi.

Chiếc đèn ló quen thuộc tối nay vẫn nằm im trên trán Khiết. Mỗi khi đôi giày vải giẫm lên vật gì cồm cộm là cùng lúc não truyền tín hiệu thật rì-mít cho cái đầu ngó xuống. Quầng sáng lờ nhờ bằng một vòng tay trong không gian mênh mông này đã nhanh chóng phát hiện dưới chân là một chú ốc núi đi ăn đêm.

Một chú ốc lộ diện, nghĩa là quanh đây sẽ có vài chú ốc nữa, hoặc cả đại gia đình ốc cũng nên.

Mỏm đá trước mặt cao tầm

80 cm, nó cách vòng sáng của chiếc đèn ló tầm 2 m. Nhưng chắc chắn phía sau mỏm đá ấy sẽ là một đại gia đình ốc núi đang trú ngụ. Vì mỏm đá cao, có nghĩa là bóng ngã sẽ dài, sẽ che được cái nắng gay gắt của ban ngày cho cả gia tộc ốc tránh nóng. Ban đêm chúng cũng sẽ lợi dụng chiều cao của mỏm đá ấy mà ra kiếm ăn. Vì đơn giản, mỏm đá cao, người săn ốc sẽ khó thấy được chúng so với mỏm đá thấp.

Mà người đi săn đặc sản núi thì nhiều như đi du lịch đấy. Cứ khoảng vài mét là một bóng đèn ló. Khiết sợ rằng, trong một phút ba mươi giây nữa thôi, bạn đồng nghiệp sẽ phát hiện ra cái mỏm đá cao nơi bọn ốc núi đang đặt “đại bản doanh” này.

Nếu bước vòng qua thì cũng mất sáu bước chân, còn nhảy đại lên mỏm đá thì chỉ cần co cái giò cao lên một chút là sẽ hốt được cả rổ ốc!

Xoạc!

Thằng Khiết đã nhảy qua mỏm đá bằng đôi chân khỏe khoắn tuổi đôi mươi nhưng thần núi đã không cho cú nhảy hoàn hảo rồi. Vì bỗng nhiên đáy quần nó bị rách, chỗ rách đó vướng vào đỉnh mỏm đá, kéo cái chân nó trượt dài theo phương… tuột xuống.

Thì ra, dưới mỏm đá ấy là một hốc đá rất to, đã được ngụy trang bằng cành lá um tùm mà ánh sáng của đèn ló không nhận ra được.

Lệ đá đã rơi khi cái chân của thằng Khiết bị đá chém từ lớp da, xuyên luôn qua lớp thịt kéo dài từ bẹn đến qua gối! Tiếng kêu rú thảm thiết của Khiết và hình ảnh một chân vướng trên mỏm đá, một chân thòng xuống hốc đá đã khiến mấy chiếc đèn ló gần đó vây lại. Không đầy mười phút, cả chục chiếc đèn đã chụm lại, tạo nên luồng ánh sáng đủ cho người nhiều kinh nghiệm bám núi giải cứu người mới vào nghề như Khiết.

Già nửa đêm. Một chiếc ta-xi đã chờ sẵn khi đoàn người vừa đi hết những lổn nhổn đá núi.

Ta-xi lao nhanh về hướng bệnh viện tỉnh. Nạn nhân đã bất tỉnh. Hai người đàn ông đi cùng nạn nhân bàn nhau rằng, sẽ lấy máu mình cho Khiết. “Chứ mua máu mắc lắm. Bà già nó tai biến nằm nhà, hông có tiền đâu”.

*

Thằng Tựu lại rót đầy ly chuối hột, nói rằng rượu này càng uống càng êm chứ không nhức đầu đâu mà anh em lo. Để em kể tiếp chuyện đời em cho anh Hai nghe nhé!

Thật tình bị nạn như thằng Khiết thì em chưa bị. Nhưng gãy giò, lát da, trật khớp thậm chí là hổ mang “hỏi thăm” em cũng bị rồi.

Đây nè, cái bàn chân bị gãy xương mà em ỷ y không điều trị cho hết, thành ra đi hơi ne ne một bên nè!

Đây, cái tay bị rắn cắn nè! May em có mang theo dây để ga-rô và thuốc gia truyền nên cứu được mạng, chỉ là phải tháo một khớp của ngón tay trỏ thôi nè! Cùng bữa đó là anh Thành trong xóm em cũng bị hổ mang cắn, nhưng anh ấy đã… mười cái giỗ rồi anh Hai!

Đây đây… lớp da bị đá cắt ngang, sâu tới gân luôn, lúc đó nghèo quá, cũng không có tiền đi may vá vết thương, mấy chú trong xóm bó thuốc phương ngoại gì đó, lành thì lành mà còn cái thẹo như con đỉa vắt ngang thấy ghê nè anh Hai!

Rượu vào, cái nóng bốc lên nên em rể tôi cởi dần dần những áo thun, áo khoác, quần dài để lộ những phần cơ thể đầy sẹo lồi sẹo lõm trông thật đáng thương.

Người ngoài cuộc sẽ nói rằng, ở đời cái ăn qua miệng rồi sẽ hết. Không ăn cái này thì ăn cái khác, tội gì phải bám núi để bị đầy rẫy những thương tích, thậm chí đánh cược cả tính mạng như thế?!

Là người ta chưa trong hoàn cảnh của người khác nên tự nói suôn thôi. Chứ cảnh nhà như Tựu với mẹ yếu bệnh, cần bồi dưỡng thuốc thang, em thơ cần sữa uống, cần bột ăn, cần tã lót, cần dầu nóng… Mà công trình thợ hồ thì đang chưa có việc, chạy đôn chạy đáo bốc vác, xe ôm thì không ai thuê. Nội ngoại ai cũng nghèo, không giúp gì cho nhau được.

Tựu chỉ vào chỗ bụng có thẹo, đây không phải thẹo mổ ruột thừa nha anh Hai! Lần đó thấy cành cây trên núi có tổ ong to lắm, em leo lên. Mà gãy cành, gãy sao mà nhắm ngay bụng em cắm vào. 16 tuổi gan lắm anh ơi, ong đánh đầy người không sợ, mà vừa rút cành cây ra, vừa bụm cái bụng đầy máu, vừa chạy trên mấy cục đá kêu cứu.

Mấy chú, mấy anh trong xóm nói lần đó em thử tài bác sĩ dữ quá. Vì vừa cấp cứu thủng ruột, thủng gan, vừa bị đông máu do ong mặt quỷ đánh. Mà vẫn còn sống, thật là kỳ cục kẹo luôn!

Cả bàn lặng người vì thăng trầm cuộc đời của Tựu. Tôi thấy em rể thật vĩ đại, em đã làm được những điều tôi chưa từng làm. Bao nhiêu lần em thương tích, chắc cũng là bấy nhiêu lần đá núi cùng rơi lệ vì cảm thương.

Phần Khiết, “Tạm thời xem như nó tàn phế võ công anh ơi! Da đùi bị đá chém nhiều quá, phải nuôi da để cấy lại. Hai hòn đàn ông bị cắt nát hết một. May có nhóm mạnh thường quân tài trợ tiền viện phí, thuốc men, an dưỡng…”.

Bữa rượu tàn sớm hơn dự định. Tôi bảo thôi nghỉ sớm cho khỏe, mai bốn giờ sáng anh phải đi công trình xa. “Còn em 10 giờ thì lên núi, người ta đặt hai ký thằn lằn. Chậc… hai ký thằn lằn là bằng hộp sữa một ký cho con của em đó”.

Lệ đá có lúc rịn chảy, lúc không. Riêng tôi, đã phải quẹt ngang mi mắt khi nghe em rể nói câu kết tiệc.