Thích ứng nhanh
Năm nào cũng vậy, cứ vào những tháng cuối năm, các làng hoa lại tất bật chuẩn bị hàng bán dịp Tết. Năm nay, do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên người trồng hoa vừa sản xuất, vừa "nghe ngóng" thị trường. Không ít hộ đã chuyển sang trồng hoa chậu, hoa thế để có thể "ém" hàng lâu hơn so với hoa cắt cành. Ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng xóm Chợ làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, chia sẻ: "Tháng 4/2020, làng hoa bị phong tỏa do xuất hiện bốn ca nhiễm Covid-19, nhiều diện tích hoa phải phá bỏ. Từ đó không ít người dân chúng tôi đã chuyển sang trồng hồng, ly trên chậu. Cách làm này đỡ gặp rủi ro nếu dịch phức tạp. Trồng trên chậu nếu đợt này không bán được thì hãm để vụ sau. Hoa hồng càng để lâu trên chậu, thế càng đẹp. Chứ hoa cắt cành thì chỉ… bỏ đi".
Anh Nguyễn Quang Mạnh, người dân xóm Chợ thuê 1,5 mẫu ruộng ở xã Thanh Lâm để sản xuất cũng đã chuyển một phần diện tích sang trồng hồng trong chậu. Anh Mạnh bật mí: "Giá hoa hồng chậu nhỏ chỉ từ 100 đến 200 nghìn đồng/chậu, như thế là vừa phải. Hơn nữa, cây hoa có thể sử dụng ở nhiều không gian khác nhau, lại rất bền. Nhiều gia đình tập trung trồng với hàng vạn chậu hoa hồng các loại. Không ít khách đặt mua mang đi một số tỉnh, thành phố để bán dịp Tết Nhâm Dần 2022".
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mê Linh cho biết: Toàn xã có 242 ha, riêng hoa hồng chiếm tới hơn 95% diện tích với 213 ha; trong đó hoa hồng cảnh, hoa hồng thế là 12 ha. Còn lại là hoa cúc cùng các loại hoa khác. Một số hộ chuyển sang trồng rau sạch để đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn. Người dân đã thích ứng, chuyển đổi rất nhanh trong bối cảnh dịch bệnh.
Cố gắng bám nghề
Làng hoa Tây Tựu, nay là phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) là vựa hoa lớn nhất Hà Nội. Chục năm trở lại đây, người dân Tây Tựu không ngừng "vươn tay" đi thuê đất tại các xã lân cận, thậm chí sang huyện Hoài Đức, Đan Phượng thuê đất, mở rộng diện tích trồng hoa. Bà Nguyễn Thị Hạnh, người có thâm niên hơn 40 năm trồng hoa ở Phố Thượng (Tây Tựu) cho biết, trước đây, gia đình bà chỉ trồng ly, hồng phục vụ Tết. Năm nay, giống hoa ly đắt, bà chuyển sang trồng nhiều loại cúc, chăm sóc dễ, có thể phục vụ nhiều đối tượng khách khác nhau, đồng thời giống vốn cũng vừa phải. Bà Hạnh còn chia sẻ, người làm nông nghiệp, nhất là trồng hoa phải luôn tính toán, trông về thời tiết, thị trường, năm nay còn phải "trông dịch". "Thế nhưng, không người trồng hoa nào của chúng tôi bỏ vụ hoa Tết đâu. Mỗi hộ đều cố gắng bám nghề, bám ruộng để hoa luôn khoe sắc, làm đẹp cho người".
Làng hoa Xuân Quan (Hưng Yên) cũng nắm bắt nhu cầu thị trường rất nhanh khi hai năm qua tập trung sản xuất hoa chậu mi-ni, hoa trải thảm như: dạ yến thảo, cẩm chướng, trúc Nhật, trúc quân tử, trạng nguyên, hải đường, cúc ngũ sắc, cẩm tú mai… Nhiều chủ vườn vươn lên làm giàu, biến vườn hoa của mình thành địa chỉ thu hút khách tham quan và nhận được những đơn hàng lớn. Chị Nguyễn Thị Gấm, chủ vườn hoa Hiếu Gấm chia sẻ: Hoa Xuân Quan đã mở rộng được thị trường rất lớn, ở cả ba vùng bắc, trung, nam. Mấy năm nay, nhờ dịch vụ ship hàng thuận tiện nên hoa xuân có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân, kể cả trong vùng dịch thì vẫn có thể chuyển hoa vào được. Không ít chủ vườn ở Xuân Quan đã tiếp cận công nghệ, lập và quảng bá sản phẩm trên facebook, website và tiếp cận thị trường sâu trong các huyện, xã ở các vùng nông thôn.
Từ đầu năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đã triển khai mô hình trồng hoa ly giống mới tại một số hộ dân, nếu mô hình thành công sẽ được nhân rộng vào năm 2022 trở đi. Điều đáng nói, trong những năm qua, dù vẫn tập trung sản xuất hướng vào dịp Tết Nguyên đán, song các làng hoa cũng đã chủ động rải vụ, trồng và chăm sóc hướng đến cả ngày rằm tháng Giêng và ngày lễ Tình nhân 14/2.
Các làng hoa đang hối hả vào mùa. Nhiều chủ vườn bỏ công chăm sóc, lo toan để có những đóa hoa đẹp cung cấp cho thị trường. "Dù vất vả nhưng người trồng hoa luôn muốn mang ra thị trường những sắc mầu tuyệt nhất", chị Nguyễn Thị Gấm, chủ vườn hoa Hiếu Gấm trải lòng.