Nghĩ đến vẫn còn nguyên cảm giác kinh hoàng khi nhớ lại đêm lũ tràn về. Mưa to ròng rã cả đợt dài, đất ngậm no nước, rồi đêm xuống, mưa xối xả, lũ dữ ào ạt dâng lên. Những thông tin nước tràn vào nhà dân bắt đầu xuất hiện. Những dòng trạng thái kêu cứu thảng thốt trên mạng xã hội Zalo, Facebook trong đêm càng nhiều hơn. Bụng cồn cào lửa đốt, không thể khoanh tay đợi sáng, Sỹ cùng mấy thanh niên khu phố lao vào đêm tham gia cùng chính quyền đi cứu hộ...
Đó là những ngày điện thoại liên tục kết nối những tấm lòng thảo thơm khắp trong nam ngoài bắc. Trực tiếp đến với với bà con những điểm bị ngập lụt nặng nề trong thời điểm cấp bách khó khăn nhất, vừa tham gia hỗ trợ, vừa nắm bắt tình hình thực tế, người dân cần gì trong lúc khẩn cấp đó, anh kịp thời tư vấn, “đặt” cho các đầu mối thiện nguyện những mặt hàng thiết thực, hiệu quả cho bà con. Ở thôn Thế Lộc, Tân Ninh (huyện Quảng Ninh), ông bà Nguyễn Văn Quơ con cái đi làm ăn xa, lũ ào ạt tràn về trong đêm nhanh đến nỗi không kịp trở tay. Nhà ở nơi cách biệt xa thôn xóm, giữa đêm bịt bùng không cách gì gọi được cứu hộ, đôi vợ chồng già lần mò dỡ ngói, lấy dây thừng buộc chân vào cột nhà, nước dâng đến đâu người nổi theo đến đó, cứ thế chờ trời sáng ca-nô cứu hộ nhìn thấy đón về nơi sơ tán. Còn nhiều hoàn cảnh sống một mình neo đơn thì muôn phần gian nan. Những bếp ăn dã chiến mọc lên bất cứ nơi nào có thể. Hàng nghìn suất cơm nóng sốt được đóng gói, theo ca-nô lực lượng vũ trang và các đoàn thể, nhanh chóng được phân bổ về những vùng bị nước chia cắt. Chăn ấm, quần áo, thuốc men thông dụng, nước uống đóng chai... danh mục những thứ cần hỗ trợ được các nhóm bàn bạc thảo luận nhanh chóng, những đề xuất nêu lên để kêu gọi, tư vấn cho các đầu mối thiện nguyện. Tất cả đều từ sự sát sao tỉ mỉ, chân thành của các tình nguyện viên như anh Sỹ đối với bà con. Những sinh mệnh trong cơn lũ dữ cứ ám ảnh người thầy giáo. Lo lắng cho người dân, đặc biệt nóng ruột khi nghĩ đến những gương mặt học trò mình đang cùng gia đình chống chọi nơi rốn lũ, thầy Trần Đức Sỹ không nề hà bất cứ việc gì. Lái xe vận chuyển hàng hóa chia phát cho bà con, chèo đò mang đồ ăn, áo phao, chăn màn nhu yếu phẩm đến các điểm phát cho đồng bào, nửa đêm ra đường canh đón, bốc dỡ hàng hóa cứu trợ của bà con cả nước gửi về. Nhận hàng chục tấn gạo từ các nơi gửi về, để hạn chế tối đa chi phí, cả nhóm mượn máy khâu tự đóng gói thành những túi nhỏ tiện phân phát. Ngày chia nhau đến tận thôn bản xa xôi hẻo lánh phân phát những phần quà cho bà con, tối về tập trung nhau đóng gói, mệt đấy nhưng san sẻ mỗi người một tay, công việc cũng nhẹ đi bội phần.
Tuổi nghề xấp xỉ 15 năm thì 10 năm thầy giáo Trần Đức Sỹ đảm nhận cương vị Bí thư Đoàn trường. Hoạt động đoàn thể tuy bận rộn, chiếm mất nhiều thời gian nhưng bù lại, anh đã quy tụ được những người trẻ đồng lòng đồng sức tạo nên một môi trường sống tích cực và giàu năng lượng. Thầy giáo Trần Đức Sỹ vẫn hay nói với học trò của mình, kiến thức có trong sách vở, thực hành trong phòng thí nghiệm là một chuyện, vận dụng nó như thế nào để phục vụ đắc lực cho đời sống mới là đáng nói. Điều này phụ thuộc vào sự linh hoạt, ứng xử của mỗi cá nhân. Vốn là giáo viên giảng dạy bộ môn Hóa, những ngày cả nước đồng lòng trong cuộc chiến chống dịch Covid- 19 vừa rồi, với mong muốn góp một phần nhỏ nhằm đẩy lùi sự lây lan của dịch, các giáo viên bộ môn Hóa học với sự tham gia của sinh viên Trường đại học Quảng Bình đã điều chế được một lượng lớn dung dịch rửa tay khô phát miễn phí cho người dân trên địa bàn tỉnh. Kêu gọi được sự đồng hành hỗ trợ, phát huy nguồn lực xã hội, từ mẻ sản xuất đầu tiên khoảng 2.000 lọ được lấy mẫu gửi đi kiểm nghiệm chất lượng, được cấp phép lưu hành, những lọ nước rửa tay khô xuất xứ từ Trường đại học Quảng Bình được sản xuất có mặt ở hầu hết các nơi trên địa bàn, từ những khu cách ly, bệnh viện, cơ quan, lực lượng vũ trang, đến trường học, cửa khẩu, đến từng hộ gia đình... Những điểm cấp phát miễn phí nước rửa tay khô hoạt động, cũng là cách để tạo cho cộng đồng thói quen ý thức phòng, chống dịch bệnh. Thầy giáo Trần Đức Sỹ tự hào: Trong thời gian gấp rút chạy đua chống dịch, việc hoàn tất các thủ tục để được Bộ Y tế cấp phép lưu hành rộng rãi là nỗ lực lớn của anh em chúng tôi. Sản phẩm đến tay người dân, nhận được phản hồi tốt, một số đơn vị đặt hàng nhưng chúng tôi đều từ chối, chỉ cung cấp công thức, cách pha chế và sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn. Dung dịch rửa tay khô với mã QR được dán trên thân vỏ, có thể quét mã kiểm tra thành phần. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân tại các điểm cấp phát, nước rửa tay khô chỉ sử dụng khi đến nơi đông người hoặc phương tiện công cộng. Còn về nguyên tắc vẫn phải rửa tay bằng xà phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế”.
Trở lại với Quảng Bình trong những ngày này, thầy giáo Trần Đức Sỹ vẫn đang cùng các đồng nghiệp tiếp tục với dự án xử lý nước cũng như tìm kiếm những phương thức hỗ trợ sinh kế cho bà con. Ngay khi lũ tràn vào nhà dân, anh đã canh cánh mối lo ô nhiễm nguồn nước, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Anh phổ biến đến người dân cách xử lý nước sinh hoạt. Theo đó, anh kêu gọi các đoàn thiện nguyện hỗ trợ thêm hóa chất như phèn chua, Cloramin B, Cloramin T dạng viên để xử lý nước tạm thời. Hướng dẫn cách làm tỉ mỉ, đồng thời anh quay kèm clip thực hành chi tiết, hết sức dễ hiểu để tất cả bà con đều làm theo được, cùng những lưu ý chi tiết, nước sau khi khử khuẩn sử dụng để nấu ăn chỉ trong khoảng thời gian bao lâu... Chủ động ứng phó kịp thời, các giảng viên, tình nguyện viên bộ môn Môi trường Đại học Quảng Bình cũng nhanh chóng vào cuộc, khảo sát thực địa về tình hình nguồn nước, từ đó lên phương án hỗ trợ bà con khử phèn, làm giếng cũng như các mô hình sinh kế gắn với phát triển bền vững cho cộng đồng. Nhận thức rõ ý nghĩa thiết thực của công việc này, lời kêu gọi hỗ trợ của các nhà chuyên môn được các công ty dược phẩm, hóa chất, các doanh nghiệp hưởng ứng, chung tay đóng góp, bà con vợi bớt nhọc nhằn.
Dải đất miền trung những ngày này vẫn đang oằn mình chống chọi thiên tai và những bộn bề dọn dẹp hậu bão lũ để lại. Nhiều câu chuyện đẹp, nhiều nghĩa cử thấm đẫm tình người hiện hữu lan tỏa khắp nơi. Đó chính là nguồn năng lượng mạnh mẽ đồng bào cả nước tiếp dẫn, đồng hành giúp người dân miền trung vượt qua hoạn nạn. Và ngay chính mỗi con người đang sống ở đó, như thầy giáo Trần Đức Sỹ, lặng thầm sống và cống hiến để mảnh đất đó luôn mạnh mẽ hồi sinh, bằng sức mạnh nội tại...