“Kỳ lân” nước Pháp

Ngày 10/12, công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo (AI) Mistral của Pháp thông báo đã huy động được số vốn 385 triệu euro (tương đương 414 triệu USD), qua đó trở thành một trong hai công ty hàng đầu về AI ở châu Âu.
0:00 / 0:00
0:00
Đội ngũ nhân viên và nhà sáng lập của Mistral AI. Ảnh: MISTRAL
Đội ngũ nhân viên và nhà sáng lập của Mistral AI. Ảnh: MISTRAL

Mistral AI có trụ sở tại Thủ đô Paris (Pháp), là công ty công nghệ non trẻ mới được thành lập vào tháng 5/2023. Tuy nhiên, Mistral đã gây ấn tượng khi huy động được 105 triệu euro trong vòng gọi vốn một tháng sau đó. Vào thời điểm vòng tài trợ đầu tiên, công ty được định giá 240 triệu euro, bao gồm cả số tiền huy động được. Đến nay, giá trị của công ty khởi nghiệp này đã tăng hơn bảy lần chỉ sau sáu tháng.

Vòng tài trợ thứ 2 vừa qua đã định giá Mistral lên tới 2 tỷ euro (khoảng 2,1 tỷ USD) với hơn 414 triệu USD vốn huy động, đưa công ty này trở thành “kỳ lân” công nghệ (các doanh nghiệp được định giá hơn 1 tỷ USD). Trong số những công ty AI ở châu Âu, chỉ có Aleph Alpha của Đức đã huy động được số vốn gần 500 triệu euro hồi đầu tháng 11/2023.

Theo France24, Mistral do ba nhà nghiên cứu AI có kinh nghiệm từng làm việc tại các công ty công nghệ lớn thành lập với 22 nhân viên. Đến nay, “kỳ lân” này đang lên kế hoạch tạo ra “mô hình ngôn ngữ lớn” mới, có thể hiểu và tạo ra ngôn ngữ tự nhiên tương tự ứng dụng AI “đình đám” ChatGPT của OpenAI. Ba nhà sáng lập Mistral là các chuyên gia “nặng ký” trong ngành: Timothée Lacroix và Guillaume Lample, những người trước đây từng làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm AI ở Paris của Meta - công ty mẹ của Facebook và Instagram; Arthur Mensch, từng là nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm AI DeepMind do Tập đoàn công nghệ Google mua lại vào năm 2014.

Mistral đang xây dựng công nghệ nền tảng để các doanh nghiệp khác có thể sử dụng triển khai chatbot, công cụ tìm kiếm, trợ lý trực tuyến và các sản phẩm dựa trên AI khác. Đây là một trong số ít công ty - bao gồm những “gã khổng lồ” trong ngành công nghệ và một số công ty khởi nghiệp - đang xây dựng AI có thể cạnh tranh với công nghệ của OpenAI. Mistral cũng tạo khác biệt khi nhấn mạnh việc chia sẻ công nghệ này dưới dạng phần mềm mã nguồn mở, cho phép người dùng sửa đổi và tái sử dụng miễn phí.

Người đồng sáng lập kiêm Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Mistral, ông Arthur Mensch cho biết, việc trở thành “kỳ lân” công nghệ đánh dấu bước tiến lớn trong quá trình tăng tốc của công ty. “Chúng tôi là những người tiên phong về công nghệ”, ông Mensch cho rằng, mức định giá tăng vọt của các công ty AI đã phản ánh “đây là một cuộc cách mạng chắc chắn có thể so sánh được với internet”. Theo Financial Times, trong số các nhà đầu tư của Mistral có một số công ty công nghệ lớn của Mỹ, hãng chế tạo phần mềm dựa trên điện toán đám mây Salesforce.

Sự nổi lên của Mistral càng gây chú ý hơn ở châu Âu, nơi các công ty trị giá hơn 1 tỷ USD hiếm gặp hơn ở thị trường Mỹ. Sự xuất hiện của những “kỳ lân” châu Âu hứa hẹn đem lại không khí sôi nổi và cạnh tranh hơn trong cuộc đua phát triển AI toàn cầu. Tuy nhiên, cũng như các công ty công nghệ khác trong lĩnh vực AI, Mistral đang đứng trước các quy định kiểm soát ngày càng gắt gao liên quan công nghệ còn mới mẻ và đang phát triển nhanh chóng này. Gần đây nhất, các nhà hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý ban hành luật mới sâu rộng để quản lý AI.

Dù vòng gọi vốn vừa qua được đánh giá sẽ tạo đà bứt phá cho Mistral, song công ty này cũng đối mặt áp lực từ các đối thủ lớn như OpenAI, Microsoft và Google đang dẫn đầu cuộc đua AI, đã chi hàng trăm tỷ USD cho công nghệ này. Sau một thời gian nghiên cứu và phát triển, mô hình AI của những “gã khổng lồ” đã có thể tự học cách tạo văn bản, trả lời các câu hỏi với ngôn ngữ tự nhiên, trôi chảy, làm thơ, viết văn và thậm chí tự viết mã lập trình ứng dụng khác.