Đất thiêng Côn Đảo(★)

Kỳ II: Những người bất khuất

Suốt 114 năm, cả Côn Đảo là một ngục tù. Có biết bao câu chuyện đau thương dồn nén suốt những tháng năm đằng đẵng giữa trùng dương thăm thẳm. Lớp lớp thịt xương của hàng chục nghìn người Việt Nam yêu nước đã hòa trong đất đai, cây cỏ và nước biển mặn.
0:00 / 0:00
0:00
Các cựu tù nhân Côn Đảo vỡ òa hạnh phúc khi được giải phóng, trở về với đất liền, với quê hương (tháng 6/1975).
Các cựu tù nhân Côn Đảo vỡ òa hạnh phúc khi được giải phóng, trở về với đất liền, với quê hương (tháng 6/1975).

CHỈ trong một vài ngày trải nghiệm Côn Đảo, tôi đã được lưu vào trong tim mình cả nỗi đau lẫn niềm tự hào về những bậc tiền nhân, về chí khí ngút trời của những con người coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Ở nơi này, họ đã chiến đấu và hy sinh cho những người còn sống, cho một ngày đất nước đón ánh hào quang của độc lập, tự do, của non sông thống nhất. Nhà văn gốc Tiệp Khắc (nay là CH Czech) Milan Kundera từng nói: "Tinh thần nặng hơn ngàn lần thể xác"; nếu từng có mặt ở địa ngục trần gian Côn Đảo, ông sẽ cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa từ câu nói của mình. Trong cơn thức ngủ chập chờn, tôi hình dung giọng nói ấm trầm của Nguyễn Văn Hải, hướng dẫn viên của Bảo tàng Côn Đảo:

Ngày 28/11/1861, Pháp đánh chiếm Côn Đảo và xây dựng cơ sở tạm thời giam giữ tù nhân người Việt. Ngày 1/2/1862, Thủy sư đô đốc Bonard đã ký quyết định thành lập nhà tù. Dưới mắt bọn thực dân, Côn Đảo là nơi cách xa đất liền, lý tưởng cho khả năng đáp ứng tốt nhất những yêu cầu đối với một nhà tù. Chẳng bao lâu sau, nó đã trở thành một "thương hiệu" nổi tiếng về tù đày và tra tấn. Ngay từ những ngày đầu tiên trở thành chốn ngục tù, Côn Đảo đã phải đau lòng chứng kiến một tội ác man rợ: Ngày 28/6/1862, 50 tù nhân kết hợp với hơn một trăm quan lính triều Nguyễn làm cuộc nổi dậy đốt phá trại giam, đánh đuổi khoảng một chục tên cai ngục người Pháp. Sau cuộc nổi dậy, số nghĩa binh này không tìm được phương tiện để về đất liền nên hai tuần lễ sau, thực dân Pháp đã phái tuần dương hạm bao vây đảo, chúng giết hơn 100 người và bắt sống 20 người. Chúng buộc 20 tù nhân này mang hơn 100 xác người chôn chung và chôn sống luôn những tù nhân đó…

★★★

Thăm di tích nhà tù, chúng tôi được hiểu sâu sắc thêm về những năm tháng kẻ thù đày đọa các nhà yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế… cùng hàng chục thân sĩ bị kết án chính trị. Đặc biệt năm 1908, sau vụ chống sưu thuế ở Trung Kỳ, chí sĩ Phan Châu Trinh bị chính quyền thực dân bắt giam và đày ra Côn Đảo với án khổ sai chung thân. Gần thế kỷ qua, bao thế hệ người Việt đều thuộc bài thơ "Đập đá ở Côn Lôn" của nhà hoạt động chính trị Phan Tây Hồ thể hiện khí phách hiên ngang, bất khuất không lụy tù đày. Ngày hôm nay, trước phòng đập đá của trại Phú Hưng, chúng tôi lại được đọc lại bài thơ ngập tràn tinh thần gang thép ấy. Nhà tù Côn Đảo cũng là nơi địch đọa đày các chiến sĩ cách mạng như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh… và nhiều cán bộ cao cấp khác của Đảng.

Kỳ II: Những người bất khuất ảnh 1
Hình ảnh Bác Hồ kính yêu được các chiến sĩ cách mạng vẽ bằng trí tưởng tượng trong ngục tù Côn Đảo.

Qua hai thời kỳ Pháp-Mỹ, kẻ thù đã cho xây dựng ở Côn Đảo 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 chuồng cọp, chuồng bò, hầm xay lúa, khu đập đá, phòng phơi nắng và phòng tra tấn. Với sự dẫn dắt của hướng dẫn viên, chúng tôi đã thăm tất cả những di tích từng là nơi giam cầm đày đọa tù nhân, từ các trại Phú Thọ, Phú Hải, Phú Sơn, Phú An, Phú Bình, Phú Hưng, Lò Vôi, cầu Ma Thiên Lãnh. Nhưng có lẽ, ám ảnh nhất trong cuộc trải nghiệm là di tích Chuồng Cọp và Chuồng Bò mà những câu chuyện người tù bị đọa đày ở những nơi này đã thể hiện sâu sắc nhất cái ác mà kẻ thù đã dành cho những người yêu nước. Chuồng Cọp do Pháp xây dựng năm 1940 và Chuồng Cọp do Việt Nam Cộng hòa xây dựng năm 1971. Địa điểm này là nơi giặc giam giữ những tù nhân chính trị cao cấp. Hai thời kỳ lịch sử khác nhau nhưng độ tàn độc của bọn lang sói thì đều không có giới hạn giống nhau.

Chuồng Cọp là nơi biệt giam khắc nghiệt nhất. Tù nhân bị giam trong những căn phòng chỉ rộng khoảng 5m2. Người tù bị cùm chân và nằm dưới nền xi-măng ẩm thấp, điều kiện vệ sinh, ăn uống vô cùng khổ sở mà liên tục bị tra tấn, hỏi cung. Để tránh bị dư luận phản đối, khu Chuồng Cọp được Mỹ và Việt Nam Cộng hòa xây dựng biệt lập và giữ bí mật. Bởi vậy, trong một thời gian rất dài không ai biết đến sự tồn tại của phương thức giam cầm đặc biệt này. Tháng 5/1970, sự thật kẻ thù che giấu đã bị phanh phui, gây một làn sóng căm phẫn trong nước và quốc tế. Người đầu tiên công bố sự thật đó trước công chúng Mỹ là nhà báo Don Luce khi ông cùng Tom Harkin - Trợ lý của đoàn Quốc hội Mỹ đã thuyết phục hai nghị sĩ trong đoàn điều tra hoạt động tra tấn tù nhân tại Côn Đảo. Sử dụng bản đồ được Cao Nguyên Lợi-một cựu tù nhân bị giam trong Chuồng Cọp vẽ, Don Luce và Tom Harkin đã bí mật chuyển hướng khỏi các lộ trình được lên kế hoạch từ trước, vội vã đi xuống một con hẻm giữa hai dãy phòng giam; họ tìm thấy cánh cửa nhỏ dẫn đến các lồng sắt giữa các bức tường nhà tù. Sau này Don Luce kể lại: "Tại đây hình ảnh các tù nhân trong lồng đã khắc sâu trong tâm trí tôi, không thể tẩy xóa nổi. Người đàn ông với ba ngón tay bị cắt rời; một người khác đã chết có hộp sọ đã vỡ toác…Tôi nhớ rõ mùi hôi thối khủng khiếp do tiêu chảy và các vết thương lở loét ở mắt cá chân các tù nhân do xiềng xích cắt vào". Các bức ảnh do hai ông Luce và Harkin chụp ở Nhà tù Côn Đảo được đăng trên tạp chí Life ngày 17/7/1970 đã tố cáo tội ác vô cùng man rợ, cảnh giam giữ tồi tệ và sự tra tấn tù nhân thảm khốc. Dưới áp lực của dư luận, 180 tù nhân đàn ông và 300 tù nhân phụ nữ đã được chuyển khỏi các Chuồng Cọp. Nhiều người được đưa đến bệnh viện tâm thần do sang chấn tâm lý quá nặng.

Khu biệt lập Chuồng Bò cũng là một lát cắt đau thương không thể nào quên của đất trời Côn Đảo. Chuồng Bò được hình thành vào năm 1876 nhằm phục vụ nhu cầu cung cấp thực phẩm cho bọn cai ngục. Năm 1930, thực dân Pháp cho xây dựng thêm 9 phòng giam, sử dụng chuồng bò làm trại giam tù nhân. Ngoài ra, chúng còn sử dụng các hầm phân bò để ngâm người tù như một hình thức tra tấn. Thời Việt Nam Cộng hòa, Chuồng Bò vẫn giữ công năng cũ và mở rộng thêm 33 phòng biệt giam. Hướng dẫn viên Hải, kể: "Ngày giải phóng Côn Đảo, các tù nhân phá trại giam để giải cứu đồng đội. Họ tìm khắp mọi ngóc ngách đảo, hai người cuối cùng được tìm thấy đang bị giặc ngâm ngập thân trong hầm phân bò. Khi các bác bế được họ lên, hai người đã bị hoại tử hết phần dưới cơ thể!…".

Suốt hành trình viếng thăm các di tích Nhà tù Côn Đảo, tôi nhớ lại tập hồi ký "Bất khuất" của đồng chí Nguyễn Đức Thuận-nguyên Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IV và V, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ông bị đày đi Côn Đảo lần thứ nhất năm 1943 và lần thứ hai năm 1956. Tập tự truyện của Nguyễn Đức Thuận mô tả sức chịu đựng kỳ diệu của một chiến sĩ suốt tám năm bị địch giam cầm, tra tấn nhưng vẫn không chịu khuất phục, từ bỏ lý tưởng cách mạng đã gây tiếng vang lớn. "Bất khuất" dẫn người đọc đi trên con đường đầy đau thương trong ba ngàn ngày trải qua những lò giết người cực kỳ man rợ, man rợ hơn cả bọn đao phủ ở thời trung cổ, hơn cả phát-xít. Côn Đảo trong hơn 400 trang "Bất khuất" hiện lên như là địa ngục trần gian, đầy rẫy ác ôn quỷ dữ mổ bụng, ăn gan, uống máu người không tanh. Trong lao tù, Nguyễn Đức Thuận cùng bao chiến sĩ cộng sản đối mặt đấu tranh với quân thù từng phút, từng giây. Từng trang sách thấm đẫm máu và nước mắt nhưng cũng tràn đầy sức sống mãnh liệt, vang lên tiếng hát yêu đời, yêu cuộc sống và một bài ca chiến thắng không bao giờ tắt…

Ở Bảo tàng Côn Đảo, tôi được xem bức ảnh miêu tả niềm vui vô bờ của các tù nhân được trở về với bầu trời tự do trong ngày non sông thống nhất. Trước đoàn diễu hành của những người tù chính trị là bức khẩu hiệu: "Đời đời nhớ ơn Đảng và Nhân dân cả nước đã cứu sống chúng tôi! ". Tôi cay mắt và muốn được nghĩ ngược lại: Họ mới chính là những người mà nhân dân cả nước cảm phục và biết ơn, những người không tiếc máu xương "cứu sống" Tổ quốc và nhân dân, hy sinh bản thân mình vì lý tưởng cao quý mà họ đã chọn!...

(Còn nữa)

(★) Xem Báo Nhân Dân cuối tuần từ số 43, xuất bản ngày 22/10/2023 hoặc truy cập link:

Kỳ I: Trang sử bi hùng viết giữa biển khơi