Kiểm soát quyền lực trong các cơ quan phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện hơn, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ và ngày càng phát huy hiệu quả. Hai quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được kỳ vọng là “thanh bảo kiếm” tạo thêm nhiều chuyển biến tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ “chuyến bay giải cứu”. Ảnh | PHẠM KIÊN
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ “chuyến bay giải cứu”. Ảnh | PHẠM KIÊN

Phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt, triệt để

Tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp, phát sinh nhiều vụ việc có tổ chức, mang tính lợi ích nhóm, có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc dư luận. Đáng buồn là vẫn xảy ra tham nhũng, tiêu cực ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực, gây dư luận không tốt.

Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý sai phạm đã bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự. Điển hình là các vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, Công ty Việt Á, Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC; vụ án chuyến bay giải cứu... Một số cán bộ không cưỡng nổi cám dỗ của đồng tiền nên sa ngã, nhúng chàm, vi phạm trong hoạt động thực thi công vụ; can thiệp, làm cản trở hoặc tác động trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động tố tụng, thi hành án, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán.

Điển hình như Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an lừa đảo “chạy án” chiếm đoạt 800 nghìn USD trong vụ chuyến bay giải cứu; Lê Đắc Thanh, Kiểm sát viên Viện KSND tỉnh Quảng Bình; Võ Đình Sớm, Thẩm phán Tòa án tỉnh Gia Lai; Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng; Nguyễn Thanh Trì, Chánh Thanh tra tỉnh Lai Châu; 7 cán bộ Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Nghệ An... bị khởi tố về tội nhận hối lộ; Phan Thị Anh, Thủ kho Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Đông Hà (Quảng Trị) hợp thức chứng từ, chiếm đoạt hơn 2,5 tỷ đồng. Đặc biệt, trong vụ án Vạn Thịnh Phát, SCB, Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ tới 5,2 triệu USD. Trong số hơn 900 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, phải kể đến 3 cán bộ Công an thị trấn Đại Nghĩa, Mỹ Đức (Hà Nội) “bắn nhầm dê” của dân, Nguyễn Đức Trung, cán bộ Phòng Cảnh sát Giao thông Vĩnh Phúc “bắt cóc trẻ em” bị truy cứu trách nhiệm hình sự...

Các cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được trao nhiều quyền lực, quá trình thực thi quyền lực có tính độc lập cao. Nếu không kiểm soát chặt chẽ thì nguy cơ lạm quyền, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực rất lớn và thực tế đã xảy ra không ít vụ việc gây bức xúc trong xã hội, làm cho quyền lực tư pháp bị lệch lạc, ảnh hưởng đến mục đích cao nhất là bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, quyền con người. Có thể nhận thấy một số căn nguyên như công tác quản lý cán bộ còn lỏng lẻo; ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành luật còn bất cập, nhiều kẽ hở bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật còn hạn chế... Bên cạnh đó, còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm.

Cùng với Nghị định số 73 của Chính phủ (quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung), Bộ Chính trị mới ban hành Quy định số 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, điều chỉnh một cách toàn diện, cụ thể hóa về nguyên tắc, nội dung, phương thức, trách nhiệm, hành vi được làm, hành vi bị nghiêm cấm của người đứng đầu, thành viên, cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, cơ quan, người có thẩm quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan; xử lý vi phạm. Qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên tự kiểm tra, tự soi, tự sửa, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn đạo đức, lối sống, đưa ra chuẩn mực hành động, biết xấu hổ, biết “sợ” khi làm điều sai trái; mọi hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực sẽ bị xử lý nghiêm minh và xử lý cả trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, khẳng định quyết tâm phòng ngừa, đấu tranh triệt để, ngăn chặn ngay từ các cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Xử lý nghiêm vi phạm, tăng cường thực hành liêm chính

Đòi hỏi đặt ra là cần phát huy vai trò nêu gương, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu; chủ động phát hiện từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, có tình tiết tăng nặng đối với những cán bộ sa ngã, lợi dụng hiểu biết pháp luật để tham ô, trục lợi. Tăng cường giám sát, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ, giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức, trách nhiệm để đội ngũ cán bộ đề kháng trước cám dỗ, thật sự liêm chính; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật, bịt kín các “khoảng trống” để “không dám và không thể” tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực chú trọng tuyển chọn những cán bộ đủ đức tài, chí công vô tư, có bản lĩnh, không chịu bất kỳ sức ép không trong sáng nào của tổ chức, cá nhân; bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của bất kỳ ai.

Để xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà nhấn mạnh: cần tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức tham gia vào quá trình tố tụng tư pháp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từng nhấn mạnh yêu cầu kiểm soát quyền lực, thực hành liêm chính trước hết và ngay trong các cơ quan làm công tác phòng chống tham nhũng. Một số chuyên gia cho rằng, phải quy định và thực hiện hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực bên ngoài (giữa lập pháp với tư pháp, tư pháp và hành pháp...); bên trong hệ thống tư pháp (giữa các cơ quan hoạt động tư pháp với nhau); kiểm soát nội bộ bên trong mỗi cơ quan hoạt động tư pháp nhằm phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiệu quả...

Một trong những kiến nghị của các đại biểu Quốc hội tại nghị trường kỳ họp Quốc hội vừa qua là quan tâm đầu tư nguồn lực, chăm lo, đãi ngộ đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Theo ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương), công việc của cán bộ, công chức và các cơ quan tư pháp rất đặc thù, quyết định đến quyền con người, sinh mệnh, danh dự, phẩm giá của con người và bảo vệ công lý, đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian, công sức, do đó cần có cơ chế, chính sách hợp lý; chế độ đãi ngộ tương xứng, phù hợp; đổi mới chính sách, chế độ tiền lương, thời hạn bổ nhiệm và cơ chế bảo đảm để đội ngũ cán bộ tư pháp yên tâm công tác, liêm chính, công tâm, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, Thanh tra Chính phủ sẽ cùng các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhằm từng bước hoàn thiện cơ chế phòng, ngừa không thể tham nhũng; đồng thời, triển khai tổ chức thực hiện nghiêm Quy định 131 và Quy định 132 của Bộ Chính trị nhằm phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan có chức năng này.