Khởi đầu thuận lợi

Một số căng thẳng giữa các nước dần được gỡ bỏ. Những thỏa thuận lịch sử được thiết lập. Tất cả đang được kỳ vọng sẽ mở ra chương mới hợp tác và thịnh vượng tại nhiều khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Các quốc gia công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm tạo ra Con đường Gia vị nối liền châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ.
Các quốc gia công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm tạo ra Con đường Gia vị nối liền châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ.

1. Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Israel, ông Tzachi Hanegbi, cho biết Israel và Chính quyền Palestine (PA) đã tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp, như một phần trong nỗ lực của Tel Aviv nhằm đạt được thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia. Lần đầu trong một thập niên qua, các đại diện của Israel và Palestine có các cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở về mong muốn của cả hai phía.

Mỹ đang thúc đẩy việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia sau những thành công của Hiệp định Abraham - sáng kiến do cựu Tổng thống Donald Trump đưa ra nhằm thuyết phục các nước Arab công nhận Nhà nước Do Thái. Cả Mỹ và Saudi Arabia trong những tháng gần đây đều nhấn mạnh: Một thỏa thuận do Washington làm trung gian giữa Tel Aviv và Riyadh sẽ không thể đạt được, nếu không có những diễn biến tích cực hướng tới một giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Washington đã thúc đẩy thành công các thỏa thuận tương tự giữa Israel và Maroc, Sudan, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

2. Tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã có bài phát biểu trước Quốc hội nước này, với cam kết: Chính phủ liên minh do đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) lãnh đạo sẽ cải thiện kinh tế đất nước. Thủ tướng Srettha nhấn mạnh chính phủ sẽ tập trung vào các biện pháp kích thích kinh tế và thúc đẩy chi tiêu trong ngắn hạn, trong khi về trung và dài hạn sẽ nhằm hỗ trợ xây dựng năng lực, tạo thu nhập, cắt giảm chi phí và cải thiện đời sống nhân dân.

Trong số các biện pháp sẽ được thực hiện sớm, có việc tặng 10.000 baht (280 USD) tiền số cho mỗi công dân (ví kỹ thuật số 10.000 baht), nhằm giúp bơm thêm tiền vào hệ thống kinh tế của đất nước, thúc đẩy chi tiêu, đầu tư, mở rộng kinh doanh và tạo công ăn việc làm, cũng như thúc đẩy doanh thu từ thuế. Tiếp đó, chính phủ sẽ giải quyết vấn đề nợ với mục tiêu vừa giảm gánh nặng nợ của nông dân, các hộ gia đình và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vừa bảo đảm các biện pháp giãn nợ sẽ không phá hỏng nguyên tắc tài chính. Bên cạnh đó, chính phủ của Thủ tướng Srettha cũng sẽ tìm giải pháp giảm chi phí sản xuất, giảm giá năng lượng và thu hút khách du lịch quốc tế.

3. Trước thềm cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến diễn ra tại thành phố Marrakesh của Morocco trong tháng 10, Mỹ tìm cách tăng cường nguồn tài chính cho IMF bằng cách gia tăng hạn ngạch đóng góp của các nước thành viên. Thứ trưởng Tài chính Mỹ phụ trách các vấn đề quốc tế Jay Shambaugh nhấn mạnh việc Washington thúc đẩy IMF và WB đóng vai trò lớn hơn trong tài trợ cho khả năng thích ứng và giảm biến đổi khí hậu. Theo ông, việc tăng hạn ngạch đóng góp trên diện rộng sẽ làm giảm sự phụ thuộc các nguồn lực vay mượn, và cung cấp cho IMF nguồn lực ổn định.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính Mỹ cũng xem xét mở rộng ảnh hưởng của các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển trong ban lãnh đạo IMF. Một đề xuất được Thứ trưởng Shambaugh đưa ra: IMF nên bổ sung vị trí Phó Tổng giám đốc thứ 5 để tăng cường tiếng nói của các nước đang phát triển trong tổ chức này. Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ cũng đề xuất bổ sung một ghế nữa trong ban điều hành IMF dành cho các nước châu Phi cận Sahara, nhóm nước hiện chỉ nắm giữ 2/24 vị trí trong ban điều hành IMF.

4. Một liên minh gồm Mỹ, Ấn Độ, Saudi Arabia, Liên minh châu Âu (EU), UAE và nhiều quốc gia khác đã công bố kế hoạch đầy tham vọng nhằm tạo ra Con đường Gia vị nối liền châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ, thúc đẩy quan hệ thương mại với những tác động địa chính trị trên phạm vi rộng.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, Liên minh trên đã đưa ra sáng kiến liên kết đường sắt, bến cảng, mạng lưới điện và dữ liệu cũng như đường ống dẫn khí hydro. Dự án trên sẽ kết nối các hạ tầng cơ sở đường sắt và cảng biển trên khắp Trung Đông - bao gồm UAE, Saudi Arabia, Jordan và Israel - có khả năng tăng tốc trao đổi thương mại giữa Ấn Độ và châu Âu lên tới 40%.

Các bên ký kết hy vọng kế hoạch này sẽ giúp hội nhập thị trường rộng lớn 1,4 tỷ dân của Ấn Độ với các quốc gia phía tây, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế Trung Đông. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen đánh giá hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu không chỉ là đường sắt hay cáp nối, mà sẽ trở thành "cây cầu xanh và kỹ thuật số xuyên qua các châu lục và các nền văn minh"