Khi người dân chấm điểm công chức

Thước đo công việc được định lượng rõ hơn, nhất là việc trở thành đối tượng được người dân chấm điểm,… là những áp lực mới và ngày một gia tăng đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên các cơ quan Nhà nước. Thực tế ghi nhận có không ít cán bộ, viên chức chọn rời khỏi nhiệm sở bởi chính những áp lực này. Tuy nhiên, đổi mới, cải cách trong khối hành chính sự nghiệp, quản lý Nhà nước là yêu cầu tất yếu, không thể trì hoãn.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội)Nguyễn Tuấn Chinh hướng dẫn người dân giải quyết các thủ tục hành chính trên máy tính. Ảnh: Mỹ Hà
Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội)Nguyễn Tuấn Chinh hướng dẫn người dân giải quyết các thủ tục hành chính trên máy tính. Ảnh: Mỹ Hà

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ

Hà Nội là một trong những địa phương đang tích cực nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Hơn ba năm qua, việc hằng tháng, cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước đều được chấm điểm với thước đo là hiệu quả công việc... tạo nên lực đẩy nâng cao năng suất, chất lượng, tạo bước chuyển mạnh về kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm của đội ngũ.

Giữa năm 2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU về "Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo". Nghị quyết nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác cán bộ, cũng như các khâu còn hạn chế. Cùng đó, TP Hà Nội cũng thực hiện cải cách hành chính, thông qua Chỉ số Hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) giai đoạn 2021-2025. Theo đó, thành phố quy định rõ chuẩn mực ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức với nhân dân tại ba địa điểm: công sở, khu dân cư và nơi công cộng để người dân đánh giá. Điều đó cho thấy sự rốt ráo trong công tác chỉ đạo, thực hiện, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo của nền hành chính. Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu chia sẻ: "Để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, chúng tôi thường xuyên rà soát chức năng, nhiệm vụ của các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc; quy chế làm việc, cơ cấu vị trí việc làm để bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, tránh chồng chéo về chức năng, trách nhiệm. Từ đó có thể hoạt động hiệu quả, giải quyết tốt vấn đề có tính chất liên ngành".

Những năm trước đây, ở các cấp của thành phố, việc luân chuyển cán bộ cũng được tiến hành thường xuyên. Thực tế cho thấy đây là việc làm cần thiết và phải thực hiện rốt ráo hơn nữa, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quy định số 07-QÐ/TU ngày 17/11/2021 về "Luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố". Trong đó, thành phố luân chuyển cán bộ trẻ trong quy hoạch, có năng lực, triển vọng phát triển giữa các ban, ngành, sở, cơ quan, đơn vị; các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố; giữa các xã, phường, thị trấn thuộc cùng quận, huyện, thị xã và mục tiêu đặt ra đến năm 2025, 50% số bí thư, chủ tịch xã không phải là người địa phương. Việc tổ chức thực hiện công tác luân chuyển cán bộ bài bản, công khai, minh bạch với tinh thần vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lâu dài; đồng thời thay thế, điều chuyển người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, đến tuổi nghỉ hưu. Ðến nay, hầu hết các huyện của Hà Nội đã thực hiện luân chuyển, có nơi đạt tỷ lệ 70% số bí thư, chủ tịch xã không phải là người địa phương.

Ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) chia sẻ: "Chấp hành sự điều động, từ giữa năm 2022, tôi đang giữ chức Chủ tịch UBND xã Ninh Sở, chuyển về xã Hồng Vân. Đây là nhiệm vụ, cũng là thử thách để anh em chúng tôi nỗ lực hơn nữa, làm tốt nhiệm vụ". Còn Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh chia sẻ: "Huyện xác định phải lấy tiêu chí chất lượng, hiệu quả công việc là hàng đầu cho công tác luân chuyển cán bộ, để tăng cường người có năng lực cho những địa bàn trọng điểm, phức tạp".

Đồng quan điểm ấy, bà Đồng Thị Nga, Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Hoài Đức cho biết: "Khi áp tiêu chí đánh giá cán bộ từ sự hài lòng của người dân, từ cán bộ cấp xã đến cấp huyện, đều phải gắng sức, đi sớm về muộn, có khi căng mình ra làm cả ngày nghỉ, nói chung là khá áp lực".

Chuyển từ "định tính" sang "định lượng"

Tại Hải Dương, trong công tác xây dựng Đảng, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã xác định tập trung vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng; xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá trong giai đoạn tới. Trên cơ sở đó đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số điểm mới trong công tác tổ chức xây dựng đảng như: Chỉ đạo xây dựng và ban hành Đề án 02 về "Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển, giai đoạn 2021-2030". Trong đó thị xã Kinh Môn, TP Hải Dương… là những địa phương đầu thực hiện Đề án này. Bí thư Thị ủy Kinh Môn Sái Thị Yến cho biết: Thực hiện tốt xây dựng chương trình hành động góp phần quan trọng cụ thể hóa tinh thần "năm rõ", "sáu dám" trong công tác cán bộ. Chương trình hành động vừa là mục tiêu vừa là động lực để cán bộ toàn tâm, toàn ý thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra tỉnh Hải Dương cũng triển khai thực hiện quy định mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp phó trưởng phòng trở lên phải đăng ký công việc đột phá, sáng tạo trong năm. Kết quả thực hiện công việc đã đăng ký là một trong những căn cứ để cuối năm đánh giá, xếp loại. Từ đó có phương án bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý; đồng thời gợi ý kiểm điểm đối với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ đã đăng ký.

Thực tế, việc đánh giá cán bộ, nhất là hiệu suất, năng suất lao động của mỗi cán bộ, công chức hành chính là việc chẳng hề dễ dàng. Nhiều địa phương đã chuyển cách đánh giá từ "định tính" sang "định lượng", thực hiện đánh giá đa chiều, bằng sản phẩm cụ thể, gắn đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể với cá nhân và với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, chú trọng thực chất, không chạy theo thành tích. Những chương trình, hành động cụ thể này cũng được các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Bắc Giang, Đà Nẵng, Quảng Nam… thực hiện rốt ráo, trở thành bài học kinh nghiệm quý báu để nhân rộng ở nhiều tỉnh, thành phố. Hơn lúc nào hết, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố hiểu rằng, để vươn lên trong thu hút đầu tư và xây dựng đời sống kinh tế- xã hội tốt hơn cho người dân, mỗi công chức, viên chức không thể đứng ngoài công cuộc nâng cao năng suất lao động. Đã chọn ở lại, làm việc đồng nghĩa với việc cố gắng nhiều hơn, ý thức rõ hơn về trách nhiệm của mình để đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ người dân, nhiều cán bộ đã chia sẻ như vậy cùng chúng tôi.