Khi hạnh phúc lấp lánh trong ánh mắt

Tại Mỹ, rất ít bệnh nhân ung thư tuyến tụy được phát hiện sớm. Phần lớn các trường hợp được chẩn đoán nằm ở giai đoạn 4, và đã có di căn xa. Ngay trước ngày sinh nhật thứ 16, Jack Andraka (trong ảnh) đã khám phá ra hướng đi đầy hứa hẹn để nhanh chóng tìm thấy mầm mống của căn bệnh quái ác này.
0:00 / 0:00
0:00
Khi hạnh phúc lấp lánh trong ánh mắt

"Edison thời đại mới"

2 giờ 30 phút sáng chủ nhật, bà Jane bất chợt bị đánh thức khi đang gật gù chờ con trai ở bãi đậu xe. "Nó mở cửa", người mẹ nhớ lại, "và tôi biết vì sao nụ cười rạng rỡ ấy lại xuất hiện. Đôi mắt của Jack như đang lấp lánh".

Ở tuổi 13, Jack bắt đầu tìm hiểu về ung thư tuyến tụy, sau khi người bạn thân của gia đình mất vì căn bệnh này. Cậu nhóc đã bị sốc khi biết rằng 85% số trường hợp được chẩn đoán muộn và bệnh nhân thường chỉ có ít hơn 2% cơ hội sống sót.

Ý tưởng của Jack hướng đến việc loại bỏ sự cần thiết của thử nghiệm xâm lấn, đồng thời tạo ra phương pháp chẩn đoán mới với chi phí rẻ và dễ dàng thực hiện hơn. Liên tục trong gần ba năm, cậu bé đã nghiên cứu danh sách 8.000 protein liên quan. Và sau hơn 4.000 lần thử, Jack đã tìm thấy mesothelin - chất có nồng độ cao trong máu của bệnh nhân ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu.

Theo dõi mesothelin "không giống như mò kim đáy bể", Jack hé lộ. "Nó giống như việc tìm một cây kim trong bó kim gần tương tự nhau". Bởi vậy, khi phòng thí nghiệm nhỏ dưới tầng hầm căn nhà không đáp ứng đủ điều kiện, Jack đã xây dựng quy trình, danh sách vật liệu, ước lượng ngân sách cùng thời gian tiến hành, để rồi gửi yêu cầu hỗ trợ tới 200 nhà nghiên cứu. Sau 199 lần bị từ chối, Trường đại học Y Johns Hopkins đã đồng ý.

Rốt cuộc, thiết bị đã được tạo thành bằng cách sử dụng các dải giấy lọc rẻ tiền, ống nano carbon mỏng dài (có độ dày bằng một nguyên tử và đường kính bằng 1/500 sợi tóc) và các kháng thể nhạy cảm với mesothelin. Thử nghiệm bước đầu đã xác định chính xác mesothelin trong máu của những con chuột mang khối u tuyến tụy như của người. Sau tất cả, xét nghiệm mới chỉ tốn ba cent, nhưng lại có độ nhạy gấp 100 lần so các chẩn đoán thông thường. Thành công này giúp cậu nhóc học sinh trung học nhận được hàng loạt giải thưởng quốc tế, được Tòa thánh Vatican vinh danh...

Bác sĩ Anirban Maitra, người từng đồng ý để Jack "vẫy vùng" trong phòng thí nghiệm của mình, chia sẻ: "Tôi thường không nhận được những e-mail như thế từ các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, chứ đừng nói đến sinh viên năm nhất hay học sinh trung học. Đứa trẻ này là Edison của thời đại chúng ta, và sẽ có nhiều bóng đèn phát sáng nếu chúng ta trao cho cậu ấy cơ hội".

Con đường không bằng phẳng

Tại sao một thiếu niên lại có thể tạo nên kỳ tích này? Như Jack giải thích, "sự lạc quan tuổi trẻ" đóng vai trò then chốt. Trong hơn hai năm thực hiện thí nghiệm dưới tầng hầm, anh em nhà Andraka không chỉ nỗ lực hoàn thành những mục tiêu khoa học mơ ước mà còn phải cố gắng đáp ứng yêu cầu "đặc biệt quan trọng": "Đừng đốt nhà".

Khi nhận được sự hỗ trợ của bác sĩ Anirban Maitra, chàng trai trẻ đều đặn đến phòng thí nghiệm mỗi ngày sau giờ học và ở lì nguyên ngày thứ bảy cho đến tờ mờ sáng hôm sau. Suốt quãng thời gian ấy, cậu "làm bạn" với món trứng luộc và những thanh chocolate Twix, còn người mẹ thường xuyên phải ngủ gật trên xe hơi trong lúc chờ đón con trai mình. Jack đã miệt mài nghiên cứu suốt dịp Lễ Tạ ơn, Giáng sinh, cũng như trải qua sinh nhật thứ 15 của mình bên các ống nghiệm.

Khi hạnh phúc lấp lánh trong ánh mắt ảnh 1

Bố mẹ luôn ủng hộ Jack Andraka thực hiện thí nghiệm tại nhà.

Dù luôn khẳng định được thỏa sức vẫy vùng nghiên cứu là "điều thú vị nhất từ trước đến nay", chàng trai sinh năm 1997 cũng trải qua vô số thất bại khi chứng kiến các mẫu nuôi cấy tế bào - thứ tốn công sức thực hiện suốt một tháng trời - phát nổ. "Bạn phải luôn tin tưởng vào bản thân và ý tưởng của mình. Vấp ngã là điều khó tránh khỏi, nhưng bạn phải tự vực dậy và tiếp tục cố gắng", Jack Andraka nhấn mạnh.

Không những vậy, trong suốt thời gian đi học, Jack còn phải vượt qua căn bệnh trầm cảm và tình trạng bạo hành ở trường, bởi sự khác biệt so những thiếu niên đồng trang lứa. Thậm chí, bà Jane cũng hoàn toàn bất ngờ trước sự cô đơn của người con trai: "Bạn cho con đi học và bạn không biết rằng con đã ăn trưa trong phòng tắm, hay các giáo viên quả quyết rằng con sẽ thất bại".

Tuy nhiên, điều thú vị là khi Jack nhận được những phản hồi tích cực từ những người cùng hoàn cảnh. Việc này cũng giúp cậu cảm thấy tốt hơn nhiều khi chia sẻ câu chuyện của mình.

Gia đình nhỏ nuôi dưỡng đam mê

Không chỉ với riêng chàng trai trẻ, câu chuyện của Jack còn được xem như niềm cảm hứng với những gia đình có con em theo đuổi STEM - các lĩnh vực khoa học (Science), công nghệ (Technology), kỹ thuật (Engineer), toán học (Math). Có bố là kỹ sư xây dựng, mẹ là y tá gây mê và anh trai là kỹ sư điện, cậu được vun đắp niềm đam mê khoa học khi các thành viên trong gia đình thực hiện các thí nghiệm cơ bản ở sân sau nhà.

Bà Jane Andraka cũng nuôi dạy hai cậu con trai theo cách không thể tuyệt vời hơn. Người anh cả Luke đã tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện tại Virginia Tech, trong khi Jack trải qua quãng thời gian tuyệt vời tại Trường đại học Stanford. Ít ai biết, thành công của các con rốt cuộc xuất phát từ những sự quan tâm giản đơn, kiểu: "Sắp tới sẽ có cuộc thi khoa học quốc tế tuyệt vời này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về nó nhé!".

"Tôi luôn muốn các con phát huy hết tiềm năng của bản thân, chứ không hướng chúng đi học để hoàn thành những bài kiểm tra định kỳ. Nhưng, khi bạn không thể làm cho các trường học thay đổi, phụ huynh cần cố gắng hướng con cái đến nơi mà chúng có khả năng tỏa sáng và nỗ lực tìm tòi hướng đi để vươn tới thành công", bà Jane đúc kết.