Tuyển thủ điền kinh Hoàng Nguyên Thanh

Khi đường chạy chính là đường đời

Ba năm liên tiếp Hoàng Nguyên Thanh vô địch giải điền kinh có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam là Tiền Phong Marathon. Sự trở lại ngọt ngào của chàng trai Bình Phước đã phải đánh đổi bằng nhiều thứ và hứa hẹn sẽ giúp anh đổi màu huy chương ở SEA Games 31 trên sân nhà.

Tuyển thủ điền kinh Hoàng Nguyên Thanh.
Tuyển thủ điền kinh Hoàng Nguyên Thanh.

Chiến thắng chính mình sau 2 năm “mất tích”

Sinh ra tại Bình Phước, Hoàng Nguyên Thanh từ nhỏ đã bộc lộ tố chất thể thao. Không có đối thủ trong các cuộc thi ở trường học, Nguyên Thanh được cử đi thi hội khỏe Phù Đổng cấp huyện, cấp tỉnh và đạt nhiều thành tích cao. Sự khởi đầu với nghiệp chạy của Nguyên Thanh là đam mê, thích thú và chinh phục những thử thách. VĐV sinh năm 1995 có 6 lần liên tiếp đăng quang giải vô địch quốc gia việt dã leo núi “Chinh phục đỉnh cao Bà Rá” trên sân nhà Bình Phước kể từ năm 2014. Anh thật sự là đối thủ khó nhằn ở bất cứ giải chạy đường dài nào tại Việt Nam trong gần 10 năm trở lại đây.

Dù vậy, con đường thể thao của Hoàng Nguyên Thanh không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Nói như Nguyên Thanh, ông trời luôn muốn thử thách sự quyết tâm theo đuổi nghiệp chạy của anh. Năm 2017, Nguyên Thanh gặp phải một chấn thương nặng và suốt 2 năm sau đó, chàng trai quê Bình Phước vật lộn với những bài tập hồi phục, áp lực tâm lý và cả sự chán chường.

“Tôi nghỉ thi đấu từ năm 2017 do gặp phải chấn thương dây chằng dai dẳng. Tôi đã nghỉ hoàn toàn suốt 2 năm. Có lúc tôi đã nghĩ tới việc bỏ chạy, dù đây là môn thể thao mà mình đam mê từ bé. Tôi muốn kiếm một công việc nào đó để làm lại từ đầu. Chấn thương kéo dài nên mất rất nhiều sức bền và tinh thần không còn đam mê như lúc đầu, tôi đã nghĩ đến việc đi học hay kiếm việc làm khác...”, Nguyên Thanh tâm sự.

Với các VĐV chuyên nghiệp, việc phải nghỉ thi đấu 2 năm thật sự là một cơn ác mộng. Tuy nhiên, khi chứng kiến các cuộc thi, Nguyên Thanh cảm thấy... ngứa ngáy chân tay và anh quyết định tập luyện trở lại.

“Năm 2019 tôi được bạn bè rủ tham gia các giải chạy bộ phong trào, mới đầu tôi đăng ký chạy 10 km cho vui khỏe và kết hợp đi du lịch. Sau đó tôi thấy phong trào chạy bộ đang dần phát triển, mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Tôi quyết định bỏ công việc hiện tại để sống với đam mê một lần nữa.

Nhưng khi quay lại thì thật sự rất khó khăn đối với tôi, vì thể lực, cơ bắp, tinh thần chỉ còn là con số 0. Khi bắt đầu quay lại tập luyện với cường độ cao, nền tảng thể lực của tôi chưa đủ để đáp ứng được giáo án của huấn luyện viên và thường xuyên gặp những chấn thương làm ảnh hưởng đến chu kỳ tập luyện”, Nguyên Thanh bùi ngùi kể về những khó khăn trong thời gian anh tập luyện trở lại.

“Marathon là một bộ môn tập luyện gian khổ, khó khăn nhất là vượt qua được sự mệt mỏi giới hạn của cơ thể. Các VĐV phải chạy dài liên tục và phải có ý chí thật bền bỉ mới có thể hoàn thành các giáo án. Tôi thường thức dậy lúc 4 giờ và chạy hàng chục km mỗi ngày, cùng với đó là tuân thủ chế độ ăn uống, dinh dưỡng nghiêm ngặt. Tôi dành khoảng 5 tiếng cho một ngày, tập 7 ngày trong tuần. Nói chung là rất vất vả vì chạy dài thường xuyên và phải dậy sớm để chuẩn bị. Việc chạy sớm cũng để ít xe đi lại mới bảo đảm an toàn.

Khi vượt qua được áp lực tâm lý của bản thân để đứng dậy và tiếp tục cuộc hành trình, tôi không cho phép bản thân lùi bước hay vấp ngã thêm bất cứ một lần nào nữa”, chân chạy sinh năm 1995 chia sẻ.

Không chỉ gian khổ trên đường chạy, việc theo đuổi marathon cũng ảnh hưởng tới cuộc sống của Nguyên Thanh: “Vì việc tập luyện liên tục nên ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình, thời gian tôi ở nhà trong một năm là rất ít, thường chỉ tranh thủ những ngày được nghỉ phép về nhà với người thân và giải quyết công việc. Nhưng tôi vẫn hài lòng với cuộc sống hiện tại vì gia đình luôn ủng hộ động viên nhiệt tình và là hậu phương vững chắc cho tôi. 

Lúc kiệt sức hay mệt mỏi tôi thường nghĩ về gia đình. Họ luôn động viên tôi, tạo động lực để tôi tiếp tục những mục tiêu của mình đã đạt ra. Tôi luôn phải tự nhủ bản thân nếu bỏ cuộc là sẽ phá vỡ mục tiêu của chính mình. Thể thao mang lại cho tôi sức khỏe, cuộc sống lành mạnh và sự kỷ luật. Cuộc sống này với tôi như một đường chạy marathon, khi bạn thành công trên đường chạy thì sẽ thành công trong cuộc sống”, Nguyên Thanh nhấn mạnh.

Ba lần vô địch và câu chuyện trò vượt thầy trên đường chạy

“Từ 2012 đến 2017 tôi chưa một lần vô địch giải marathon Tiền Phong, luôn thất bại trước các đàn anh dù cho đã cố gắng hết mình trong tập luyện cũng như thi đấu. Nhưng sau 2 năm trở lại, tôi mạnh mẽ hơn và đã vô địch giải Tiền Phong đầu tiên tại Lý Sơn 2020”, Nguyên Thanh chia sẻ.

Tinh thần và ý chí thép, cùng niềm đam mê mãnh liệt với điền kinh đã tiếp thêm cho Thanh sức mạnh để trở lại mạnh mẽ. Sau hai lần vô địch liên tiếp năm 2020 và 2021 tại giải marathon Tiền Phong - giải chạy có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam, Nguyên Thanh tiếp tục không có đối thủ ở giải đấu vừa tổ chức ở Côn Đảo hồi tháng 3. Trong ba lần lên ngôi, thành tích 2 giờ 26 phút 56 tốt nhất của Thanh tại Gia Lai năm 2021 đã tiệm cận với thành tích giành HCV SEA Games 30 của VĐV người Indonesia Prayogo Agus là 2 giờ 26 phút.

Còn ở marathon Tiền Phong Côn Đảo 2022, Nguyên Thanh có những kỷ niệm rất đáng nhớ trên đường đua. VĐV người Bình Phước bắt gặp HLV Trần Văn Sỹ và vượt qua người thầy của mình ở đội tuyển quốc gia ở những km cuối. Nguyên Thanh khá bất ngờ khi gặp thầy trên đường chạy. Đây là động lực cổ vũ bởi thầy cũng chạy đồng hành cùng các học trò.

Cũng trên đường chạy Côn Đảo đầy nắng, gió và những con dốc thử thách, Nguyên Thanh gặp phải sự cố... tuột dây giày, khiến anh mất ít phút để buộc lại. “Tôi đã phải ngồi lại bên đường để chỉnh lại mới có thể tiếp tục cuộc đua, nhưng không vì vậy mà làm ảnh hưởng tới tinh thần hay thể lực chiến đấu. Tôi lấy lại sự cân bằng một cách nhanh chóng”, Nguyên Thanh nói.

Vượt qua nhiều thử thách và đặc biệt là chiến thắng được bản thân, ba chức vô địch liên tiếp tại giải marathon lâu đời nhất Việt Nam chính là trái ngọt với Nguyên Thanh. Ở thời điểm này, anh là chân chạy xuất sắc nhất ở cự ly 42 km. Dù vậy, Nguyên Thanh khẳng định trong mọi cuộc thi luôn có những đối thủ rất mạnh và trẻ mà họ đang tích cực tập luyện với quyết tâm soán ngôi. Nhưng có lẽ với anh, đối thủ lớn nhất lại là chính mình, bởi giành được vị trí số 1 đã khó, giữ được càng khó hơn.

Quyết đổi màu huy chương SEA Games

Tại SEA Games 2015 tổ chức tại Singapore, Nguyên Thanh chính là VĐV mang về cho Việt Nam tấm HCĐ marathon lịch sử sau 12 năm “trắng tay”. 

“2015 quả thật là một năm nhiều cảm xúc nhất với tôi khi chỉ mới 20 tuổi được tham dự SEA Games và mang về tấm HCĐ danh giá cho đoàn thể thao Việt Nam. Một cậu thanh niên mới chỉ bước chân vào marathon hơn 2 năm ra chiến đấu tại đấu trường khu vực với các đối thủ lão làng, thật sự rất vinh dự và tự hào”, Nguyên Thanh tâm sự.

Tuy nhiên, sau kỳ tích đó, chàng trai người Bình Phước “biến mất” khỏi làng điền kinh, trước khi có sự trở lại ngoạn mục. Không dừng lại ở việc là chân chạy marathon nhanh nhất Việt Nam hiện nay, Nguyên Thanh đang rất tự tin đặt mục tiêu đạt thành tích cao, để sẵn sàng tranh chấp tấm HCV SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà vào tháng 5 tới: “Cuối tháng 4 tôi sẽ ra Hà Nội để làm quen cung đường và thời tiết. Tôi không thể chủ quan vì các đối thủ của tôi rất mạnh. Các VĐV của Thái Lan và Indonesia có chỉ số hơn hẳn so với trình độ của tôi, nhưng tôi vẫn có niềm tin chiến thắng khi SEA Games được tổ chức tại sân nhà. Đây cũng là cơ hội để tôi học hỏi và nâng tầm bản thân”.

3_1-1651044798002.jpg
Ảnh trong bài: QUYẾT NGUYỄN

Thu nhập không đủ... mua giày

Nguyên Thanh cho biết chi phí để tập marathon là tương đối cao, phần lớn là dinh dưỡng cần thiết, ăn uống và thực phẩm bổ sung, tiếp đến là giày chuyên dụng có giá rất cao so với mặt bằng chung thu nhập của các VĐV. Ngoài ra, các VĐV cũng phải tính toán chi phí di chuyển, ăn ở mỗi khi tham dự các giải đấu trong và ngoài nước.