Bất ngờ thay, vào cuối tháng 5 khi đang ở vương quốc Bỉ, tôi lại trải nghiệm cảm giác làm người tí hon khi dự Lễ diễu hành người khổng lồ ở thành phố Leuven, thành phố đại học, một thành phố tri thức bậc cao nhất trên thế giới. Trong các truyền thuyết, truyện cổ dân gian, chúng ta dựng nên hình tượng người khổng lồ, và thích thú với hình tượng ấy, nhưng trong trường hợp người khổng lồ xuất hiện thật sự, khi ấy ta sẽ là người tí hon, ta cần ứng xử với người khổng lồ ra sao? Cảm giác thật sự của người tí hon sẽ thế nào?
Và tôi rơi vào một trò chơi ngược so thời thơ ấu. Nếu như tôi từng là người khổng lồ, thì hôm nay, tôi bỗng hóa người tí hon giữa những người khổng lồ cao từ 3 mét tới hơn 10 mét. Những người khổng lồ ở khắp châu Âu đã “thức dậy” và cùng tập trung về đây. Đi giữa họ, tôi không hề có cảm giác nhỏ bé, bởi hóa ra họ đều rất thân thiện. Mỗi người như bước ra từ một câu chuyện cổ dân gian thuộc vùng đất quê hương họ. Họ được người châu Âu tưởng tượng ra và dựng ở các nơi công cộng từ thời Trung cổ nhằm xua đuổi tà ma, kẻ cướp, và lũ giặc để bảo vệ dân thường. Những người khổng lồ từng bị phá đi vào thời Khai sáng. Và họ xuất hiện trở lại chỉ từ ba năm nay trong Lễ diễu hành tại Leuven.
Một trong ba người khổng lồ của thành phố Leuven tham gia Lễ diễu hành này chính là Margaret kiêu hãnh. Trong truyền thuyết Bỉ, Margaret từng là một cô gái yếu ớt bị một nhóm người tiến công, giết hại và vứt xác xuống sông Dijle. Nhưng ngay lúc cô bị giết, điều kỳ diệu đã xảy ra và cô được phong chân phước, trở thành người khổng lồ kiêu hãnh, có sức mạnh phi thường và có thể ngăn chặn tai ương, bảo vệ cuộc sống an lành cho mọi người.
Và ai cũng có thể trở thành khổng lồ, đó có lẽ là ý nghĩa sâu xa nhất của Lễ diễu hành ở Leuven.