Khi “bóng hồng” hết mình với nghệ thuật

Nhiều nữ nghệ sĩ đã và đang nỗ lực cống hiến cho nghệ thuật bằng những sáng tạo, đam mê bất tận. Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Thời Nay đã có cuộc trò chuyện cùng một số gương mặt có những thành quả được chú ý thời gian qua.
0:00 / 0:00
0:00
Khi “bóng hồng” hết mình với nghệ thuật

NSƯT Khánh Hòa (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long):

“Chừng nào còn cống hiến thì cuộc đời còn ý nghĩa”

Bên cạnh công việc trên cương vị Phó trưởng phòng Nghệ thuật của nhà hát, tôi vẫn chắt chiu thời gian để có những chuyến biểu diễn ở biên cương, hải đảo cũng như tham gia biểu diễn phục vụ bệnh nhân với chủ đề “Mang âm nhạc đến bệnh viện”. Với mong muốn truyền tải kiến thức sau nhiều năm làm nghề cho các bạn trẻ, hiện nay tôi còn tham gia giảng dạy, đào tạo cho nhiều thí sinh ôn thi vào các trường nghệ thuật chuyên nghiệp hay đơn thuần là hướng dẫn những ai có nhu cầu học hát để tạo niềm vui trong cuộc sống. Đặc biệt, gần đây tôi còn đến nhiều trường học mời đến để truyền cảm hứng cũng như nhân lên tình yêu biển đảo trong các em học sinh.

Làm nhiều công việc một lúc nhưng phải nói tất cả những việc ấy đều xoay quanh âm nhạc. Với tôi âm nhạc là cuộc sống, là phương tiện hữu hiệu để giãi bày tâm tư, tình cảm và cũng để kết nối những trái tim đồng điệu để hướng đến những điều tốt đẹp, nhân văn trong cuộc sống. Sau hơn 20 năm theo đuổi con đường âm nhạc chuyên nghiệp, tôi chiêm nghiệm rằng, điều quan trọng với người ca sĩ là phải hát thật với cảm xúc của mình, như việc làm phim ca nhạc về Trường Sa, tôi phải yêu Trường Sa thật sự, phải đến và thấu cảm với những hy sinh của người chiến sĩ. Với tôi, cuộc sống là dòng chảy không ngừng, chừng nào còn làm việc, còn cống hiến, còn tham gia các hoạt động xã hội thì cuộc đời sẽ còn ý nghĩa biết bao.

Khi “bóng hồng” hết mình với nghệ thuật ảnh 1

Nhạc sĩ Thúy My (Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam):

“Không cho phép bản thân ngừng sáng tạo”

Bản thân tôi luôn cố gắng cân bằng thời gian, tâm huyết để có thể hoàn thành ba công việc cùng lúc, đó là biểu diễn, thu thanh và sáng tác. Ba công việc này có quan hệ mật thiết với nhau, giúp tôi được sống ngập tràn trong thế giới sáng tạo, được thỏa sức với những đam mê. Trong năm 2022, tôi đã kết hợp với Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long tham gia Liên hoan Âm nhạc ASEAN tại Đà Nẵng và tham gia rất nhiều chương trình lớn của Đài cũng như của các đơn vị khác. Năm 2022 với tôi cũng là năm thành công trong lĩnh vực sáng tác khi giành giải C giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam với tác phẩm “Tình biển”.

Dù ít nhiều đã có những thành tích được ghi nhận nhưng tôi luôn đau đáu làm sao để âm nhạc dân tộc nói chung và các tác phẩm cho nhạc cụ dân tộc nói riêng được phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Điều quan trọng nữa là không bao giờ cho phép bản thân ngừng sáng tạo. Cứ quyết tâm mỗi ngày viết được một chút, mỗi tháng viết và tìm tòi nhiều hơn rồi mỗi năm lại có những tác phẩm mới. Trong thời gian tới, tôi muốn sáng tác các tác phẩm khai thác nhiều làn điệu âm nhạc dân gian cổ truyền kết hợp cùng dàn nhạc dân tộc hiện đại để công chúng, nhất là giới trẻ hiểu thêm về các làn điệu cổ nhiều hơn. Cùng với đó, tôi mong rằng sẽ in được tuyển tập các tác phẩm của mình để giới thiệu rộng rãi đến người yêu nhạc.

Khi “bóng hồng” hết mình với nghệ thuật ảnh 2

Thượng úy, diễn viên Lưu Huyền Trang (Nhà hát Kịch Công an nhân dân):

“Quyết tâm để có sáng tạo riêng biệt”

Là một diễn viên kịch nhưng tôi nghĩ rằng mình không chỉ hoàn thành vai diễn trên sân khấu mà phải “lấn sân” sang lĩnh vực truyền hình. Đó chính cách đi bằng “hai chân” bền vững và cũng là cách mang đến cho khán giả những cảm nhận mới mẻ, thú vị. Hiện nay, ngoài thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà hát, tôi vẫn được lãnh đạo nhà hát tạo điều kiện để tham gia một số bộ phim truyền hình mà gần đây là vai Mộng Mơ trong “Thương ngày nắng về”, Mai trong “Thông gia ngõ hẹp” hay vai Ngân trong bộ phim đang phát sóng trên “khung giờ vàng” kênh VTV3 là “Gia đình đại chiến” mùa 2.

Tôi luôn khao khát xây dựng hình tượng một nhân vật biến hóa với nhiều màu sắc diễn xuất. Khi thì “sang xịn”, lúc thì lại xấu xí, quê mùa. Tôi là kiểu người không ngại làm xấu hình ảnh của mình. Xấu mà diễn được ra chất, cống hiến hết mình cho khán giả thì tôi sẵn sàng xấu. Dẫu vào nhiều vai, nhiều dạng nhân vật nhưng với trách nhiệm, sứ mệnh của một chiến sĩ Công an nhân dân, tôi luôn cố gắng để khán giả có cách hiểu đúng, hiểu đủ về người chiến sĩ công an. Hình tượng hóa người chiến sĩ công an trên sân khấu hay truyền hình là công việc không dễ, đòi hỏi chúng tôi phải luôn nỗ lực, quyết tâm tìm tòi, cách điệu và có những sáng tạo riêng biệt.

Khi “bóng hồng” hết mình với nghệ thuật ảnh 3

Trung úy, ca sĩ Nguyễn Thị Thủy (nghệ danh Hellen Thủy, Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng):

“Phải đam mê thì công việc mới hiệu quả”

Bản thân tôi là người luôn luôn lắng nghe, học hỏi, thích làm những gì khó, thích được trải nghiệm, tìm tòi và một khi đã làm hoặc nhận nhiệm vụ gì thì luôn muốn hoàn thành một cách tốt nhất. Với tôi, phải có đam mê thì mình làm việc mới xuất phát từ tâm và công việc mới hiệu quả. Vừa là người nghệ sĩ lại là người chiến sĩ mang quân hàm xanh, tôi cảm thấy trân trọng, tự hào khi được đem lời ca tiếng hát đi khắp dọc miền biên giới, hải đảo. Mỗi nơi đặt chân đến, được gặp gỡ, được trải nghiệm văn hóa vùng đất nơi đó càng khiến tôi trưởng thành hơn trong cách hát, trong suy nghĩ.

Cùng với nhiệm vụ chính trị của đoàn, tôi cũng rất tâm huyết, đầu tư kỳ công, tỉ mỉ cho ra những sản phẩm âm nhạc trên kênh YouTube. Tôi cho rằng đó là cách nhanh nhất đưa hình ảnh, giọng hát của ca sĩ đến với khán giả. Nhiều MV ca nhạc của tôi như: “Nhà em ở lưng đồi”, “Em là cô giáo vùng cao”, “Xuân lỡ hẹn”, “Mùa chim én bay”, “Tìm về đất mẹ”, “Thiên thần áo trắng”, “Nếu anh không về”, “Mùa xuân làng lúa, làng hoa”, “Tình anh”, “Tâm sự nàng xuân” hay gần đây là “Sơn La đón Bác Hồ về” đã được đông đảo khán giả đón nhận, ngợi khen. Đó là niềm vui, là nguồn cổ vũ, động viên để tôi tiếp tục cho ra những sản phẩm âm nhạc chất lượng đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của khán giả.