1 Trong một thế giới với những bước tiến ngày càng khó đoán của khoa học công nghệ, con người cũng ngày càng phải đối mặt với nhiều nỗi lo sợ như khủng bố, dịch bệnh, thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm và cả nạn bắt cóc, buôn bán người…
Trong bối cảnh như thế, tiểu thuyết “Có tiếng người trong gió” của Nguyễn Xuân Thủy là một tham chiếu để mỗi chúng ta nhìn về thế giới hiện tồn, nơi cái ác lợi dụng thành tựu khoa học để thực hiện hành vi của mình chẳng khác nào cỗ máy lạnh lùng được lập trình sẵn.
Tiểu thuyết được kiến tạo từ ba tuyến truyện chính: Tuyến truyện về hành trình phá án của các chiến sĩ công an trẻ tuổi Thanh Quyền, Quỳnh Tiên và Ngọc Quý; tuyến truyện được kể qua dòng hồi ức của kỹ nữ Đoan Đoan và tuyến truyện về Tuyết Sơn Thạch qua đôi mắt u buồn của “kẻ đồng đau” là một linh hồn cư ngụ trong cơ thể Phan Phan. Tác phẩm có hơi hướng một tiểu thuyết điều tra hình sự (ở tuyến truyện về hành trình phá án), lại vừa mang một số đặc trưng của tiểu thuyết dòng ý thức (ở tuyến truyện về kỹ nữ Đoan Đoan), đồng thời chứa đựng những đặc trưng của tiểu thuyết kỳ ảo trong tuyến truyện về Tuyết Sơn Thạch. Chính vì vậy, cuốn sách có thể “chiều lòng” nhiều đối tượng độc giả, và luôn khiến họ có cảm giác được “thay đổi khẩu vị” qua từng trang văn. Đồng thời, người đọc cũng thấy được tinh thần thời đại qua việc tác giả cố tình mờ hóa các lằn ranh thể loại.
2 Ấn tượng sâu sắc nhất với bạn đọc có lẽ là tác phẩm đã lập nên một hồ sơ đầy đủ, chi tiết về nạn bắt cóc trẻ con và buôn bán nội tạng người. Tác giả đã thể hiện một sự dụng công rất lớn trong thâm nhập thực tế để tìm tư liệu, một vốn kiến thức uyên bác về toàn bộ hành vi phạm tội của bọn thủ ác. Qua quá trình tái hiện tội ác mà bọn tội phạm thực hiện, tác giả đã cho người đọc thấy được tính “không biên giới” của cái ác trong lòng xã hội hiện đại. Ở đó, những người đàn bà lam lũ chân đất đầu trần hay người phụ nữ có vẻ ngoài thanh tú, sống trong một gia đình đàng hoàng như Ngọc Anh đều có thể là chân rết của bọn buôn người. Những người “tốt bụng” cứu giúp nhiều thiếu nữ bị tình phụ là để mua đi những đứa trẻ từ khi chúng chưa ra đời. Các cơ sở từ thiện là tiền đồn của kẻ buôn bán người ở bên kia biên giới. Những danh y lại là những tay đồ tể lạnh lùng vô nhân tính. Và thậm chí, tiếng chuông cứu rỗi linh hồn vang lên từ Trúc Lâm Tự cao xa kia cũng không hoàn toàn miễn nhiễm trước âm mưu của các tên trùm tội phạm. Như vậy, tác phẩm đã thiết lập một cái nhìn lật ngược nhiều vấn đề lớn, làm rơi vỡ nhiều chiếc mặt nạ hiền lương, giúp người đọc thấu suốt hơn về bản chất của một bộ phận xã hội bị thống ngự bởi vật chất, dục vọng suy đồi.
Là một thiếu nữ “có đôi mắt màu hồng”, Bảo Trân bị một gã đàn ông lừa gạt, rơi vào tình cảnh phải làm mẹ bất đắc dĩ, rồi được một người đàn bà giúp đỡ lúc khó khăn. Nhưng người phụ nữ ấy giúp Bảo Trân là để bán đi đứa con cô sinh ra. Hành trình tìm kiếm đứa con của mình cũng chính là hành trình biến Bảo Trân thành kĩ nữ Đoan Đoan của Nghiêm Hoa Lầu khi cô bị lừa bán vào kỹ viện. Sau mười ba năm phục vụ tại Nghiêm Hoa Lầu, cô vẫn khao khát tìm lại đứa con của mình. Đoan Đoan đến tìm Kô Kô để hỏi về tung tích đứa con nhưng lại chỉ nhìn thấy một rừng mả âm u. Cuối cùng, trong nỗi tuyệt vọng cùng cực, cô đã gieo mình xuống vách núi của Tuyết Sơn, để lại những thanh âm khắc khoải như nỗi tuyệt vọng của kiếp người.
Hành trình đấu tranh truy bắt bọn tội phạm của ba chiến sĩ công an trẻ tuổi Thanh Quyền, Ngọc Quý, Quỳnh Tiên trải qua muôn vàn gian khó, nhưng kết thúc, để phá thành công chuyên án Hắc Vân Sơn, cái giá phải trả là một quả thận của Thanh Quyền đã bị cắt đi trong một ca mổ định mệnh tại Thạch Động. Với Phan Phan, bầu khí quyển thanh cao, siêu thoát của cuộc sống nơi Tuyết Sơn dưới chân Trúc Lâm Tự thật ra chỉ là sự dối lừa khủng khiếp của những kẻ vô luân. Viễn cảnh lên “thọ giáo Trúc Lâm Tự” thực chất là cái chết đón chờ mỗi đứa trẻ sống nơi đây khi các cơ quan nội tạng đã phát triển hoàn thiện và có thể cắt rời để bán cho những ai có nhu cầu ghép tạng.
3 Xuyên suốt trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm còn có những hình tượng được xây dựng với sức khái quát cao, thể hiện cảm quan của nhà văn về thân phận con người khi cái ác phát triển đến mức hoàn hảo. Đó là những “hạt đậu hồng” cắt ra từ những đứa trẻ khỏe mạnh tại Tuyết Sơn, những ánh thép lạnh lùng loang loáng trong không trung cắt đứt mạch sống của những tâm hồn trẻ thơ thuần khiết, là những con chuột rỉa xác người, rừng mả âm u mỗi ngày vẫn được nới rộng ra dường như vô tận…
Toàn bộ tiểu thuyết là bài ca khắc khoải, bi thương về kiếp người, về đạo đức và lương tri giữa lòng xã hội khi cái ác không ngừng biến đổi. Nhưng sau tất cả, tác giả không dẫn người đọc đến tuyệt vọng. Cuối cùng, lương tri trong tên tội đồ Năm Ký được tỉnh thức, chuyên án Hắc Vân Sơn thành công, Tiêu Phúc Vĩnh Thịnh bị sa lưới, hang ổ Tuyết Sơn Thạch bị triệt phá.
Không phải bao giờ cái thiện cũng chiến thắng trong niềm lạc quan vô bờ bến. Nhưng con người không được đánh mất niềm tin vào thiện tính giữa cuộc đời. Đó chính là thông điệp đọng lại sau những trang văn có phần khốc liệt của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy.