Kế hoạch nước đôi

Ngày 4/11 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen đã đến Thủ đô Kiev của Ukraine để thảo luận với Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky về việc mở rộng Liên minh châu Âu (EU). Đây là tín hiệu khá rõ ràng về tương lai của Ukraine trong “mái nhà chung” EU, song Kiev còn nhiều việc phải làm để được chính thức trở thành thành viên.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch EC von der Leyen (trái) gặp gỡ Tổng thống Zelensky tại Kiev. Ảnh: AP
Chủ tịch EC von der Leyen (trái) gặp gỡ Tổng thống Zelensky tại Kiev. Ảnh: AP

Đây là chuyến thăm Ukraine lần thứ sáu của Chủ tịch EC kể từ khi xung đột bùng phát. Trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), bà Ursula von der Leyen đăng một bức ảnh chụp chung với ông Zelensky và thông báo: “Tôi đang ở đây để thảo luận khả năng Ukraine gia nhập EU”. Bà cho biết thêm rằng, hai bên cũng sẽ thảo luận việc EU “hỗ trợ tài chính nhằm tái thiết Ukraine thành một nước hiện đại và thịnh vượng”.

Kiev đã nộp đơn xin gia nhập EU chỉ vài ngày sau khi bùng phát xung đột với Nga ngày 24/2/2022 và đã được trao quy chế ứng cử viên một vài tháng sau đó. Phát biểu ý kiến với báo giới, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, ông Dmytro Kuleba cho biết, Kiev đang thực hiện các nghĩa vụ của mình để mở các cuộc đàm phán gia nhập EU. Tháng 9 vừa qua, bà von der Leyen công nhận Kiev đã “tiến những bước dài” trong nỗ lực trở thành thành viên EU.

Chuyến thăm của bà von de Leyen diễn ra vài ngày trước khi EU công bố báo cáo về tiến trình gia nhập khối của Ukraine. Dự kiến, báo cáo sẽ được đưa ra vào ngày 8/11 tới. Nội dung của bản báo cáo là đánh giá quá trình cải cách của Ukraine để bảo đảm các điều kiện về kinh tế, pháp lý và những vấn đề khác theo tiêu chuẩn của EU. Báo cáo này sẽ là cơ sở để EU tiến hành cuộc đàm phán mới vào tháng 12 tới về vấn đề kết nạp Ukraine vào khối.

Tuy nhiên, để chính thức trở thành thành viên của EU, Ukraine sẽ phải thực hiện nhiều cải cách về mặt chính trị và pháp lý sao cho phù hợp những tiêu chuẩn mà khối này đề ra. Toàn bộ 27 thành viên EU dự kiến sẽ tổ chức hội nghị cấp cao vào cuối năm nay để quyết định việc cho phép Kiev tham gia quá trình đàm phán gia nhập khối.

Việc kết nạp Ukraine làm thành viên sẽ đòi hỏi sự đồng thuận của toàn bộ thành viên của EU và điều này đang gây ra một số chia rẽ. Một số thành viên EU đã bày tỏ sự lạc quan về tiến trình kết nạp Ukraine. Trong đó, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock tin tưởng rằng, EU sẽ đạt được sự đồng thuận về vấn đề Ukraine vào tháng tới. Tuy nhiên, tháng 10 vừa qua, trả lời báo chí bên lề Hội nghị cấp cao Cộng đồng chính trị châu Âu (EPC), Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cảnh báo việc ấn định thời điểm cụ thể cho sự mở rộng EU là không khôn ngoan. Theo Thủ tướng Hà Lan, việc kết nạp các nước phải thực hiện theo quy định của EU, nghĩa là Ukraine “phải đáp ứng hàng nghìn điều kiện để gia nhập” và EU không thể nhượng bộ những yêu cầu này.

Bên cạnh đó, Hungary cũng được xem là một trở ngại đối với tiến trình kết nạp Ukraine vào EU. Hungary là thành viên EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng theo đuổi đường lối trung lập trong xung đột Nga - Ukraine. Nước này từ chối hỗ trợ vũ khí hoặc thiết bị quân sự cho Ukraine sau khi chiến sự bùng phát hồi tháng 2/2022. Vì vậy, Hungary được xem là nước có thể phản đối kế hoạch của EU nhằm khởi động đàm phán kết nạp Ukraine. Động thái này cần toàn bộ 27 thành viên của EU thông qua nên lá phiếu của Hungary rất quan trọng. Ngoài ra, EU cũng cần sự đồng thuận của Hungary để tăng cường các gói viện trợ cho Ukraine trong tương lai.

Hiện, các nước EU đã cung cấp một lượng lớn vũ khí cho Ukraine trong năm qua và cam kết gửi khí tài hạng nặng như xe tăng chiến đấu đến nước này. Đây là một gánh nặng tài chính rất lớn của khối và không phải quốc gia thành viên nào cũng ủng hộ. Thành thử, theo giới quan sát, chuyến thăm tới Kiev nói trên của Chủ tịch EC Ursula von der Leyen được xem là phục vụ một kế hoạch nước đôi. Một mặt xem phản ứng của các nước thành viên về khả năng kết nạp Ukraine trước thềm hội nghị cấp cao tới, mặt khác thăm dò mức độ quyết tâm cũng như những kế hoạch cải cách của Kiev nhằm bước vào “mái nhà chung”.