Trên bãi biển Costa de Pajaros cách Thủ đô San Jose 100 km, bà Marta Sosa (70 tuổi) và bà Mauren Castr (41 tuổi) đang miệt mài sơ chế những miếng da cá. Họ từng chỉ làm nội trợ, phụ thuộc nghề đánh cá của chồng để nuôi sống gia đình đông người. Tuy nhiên thời gian gần đây, bà Sosa và bà Castro đã trở thành thành viên của hợp tác xã có tên “Piel Marina” gồm 15 phụ nữ, chuyên thuộc da cá bị vứt bỏ trên các bãi biển để sản xuất các sản phẩm thời trang bền vững.
Theo France 24, trước đây, nghề đánh cá được coi là trụ cột kinh tế ở làng Costa de Pajaros. Nhưng những năm qua, giới chức nước này thúc đẩy các chương trình khai thác tài nguyên biển bền vững hơn, cấm đánh bắt toàn diện từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm, khiến nhiều gia đình gặp khó khăn về kinh tế. Trước tình hình này, tổ chức phi chính phủ MarViva đã đào tạo những phụ nữ địa phương trở thành thợ thuộc da, với nguyên liệu chính là da cá. Sau khi biến chúng thành những tấm da thuộc nhiều mầu sắc, họ bán chúng cho các nhà dệt may quy mô nhỏ ở cảng Puntarenas, đồng thời tự thiết kế làm làm hoa tai, vòng cổ và đăng bán trên mạng xã hội.
Đối với những người phụ nữ ở làng chài ven biển Costa Rica, công việc mới đem cho họ niềm vui, một khoản thu nhập nhỏ và những mục tiêu mới. "Tôi muốn thấy các sản phẩm của chúng tôi ở Mỹ, Canada, trên các sàn diễn thời trang lớn ở Pháp", bà Castro hào hứng nói.
Costa Rica là quốc gia mới nhất nắm bắt tiềm năng của nghề thuộc da cá. Trước đó, người Ainu ở Nhật Bản và người Inuit ở Canada có truyền thống thuộc da cá hồi làm giày và quần áo, trong khi người dân Kenya dùng da cá rô làm túi xách. Trên mạng, những chiếc túi da cá được bán với giá hàng trăm USD. Ông John Galliano, cựu Giám đốc sáng tạo của nhà mốt đình đám Dior, là một trong những tên tuổi đầu tiên sử dụng da cá hồi trong thời trang năm 2002.