Giao thoa giữa nghệ thuật và công nghệ

Bảo tàng nghệ thuật số TeamLab ở Tokyo (Nhật Bản) gần đây đã mở cửa một phòng trưng bày kỹ thuật số và tương tác trực tiếp dành riêng cho trẻ em. Những bảo tàng kết hợp nghệ thuật và công nghệ theo hình thức này đang góp phần đa dạng hóa các loại hình, mang đến cái nhìn mới mẻ cho công chúng.
Khán giả trải nghiệm nghệ thuật kết hợp công nghệ và ánh sáng. Ảnh: TEAMLAB
Khán giả trải nghiệm nghệ thuật kết hợp công nghệ và ánh sáng. Ảnh: TEAMLAB

Theo CNN, TeamLab còn được biết đến với tên gọi là “Bảo tàng ánh sáng”, là một mô hình triển lãm thu hút sự quan tâm của du khách từ khắp nơi trên thế giới và liên tục nằm trong những điểm đến đáng chú ý ở Thủ đô của “đất nước mặt trời mọc”. Đầu năm nay, bảo tàng độc đáo này đã khai trương thêm phòng trưng bày “Sketch Ocean” dành riêng cho thiếu nhi, lấy ý tưởng từ những phác họa và tưởng tượng về đại dương của trẻ nhỏ. “Bộ sưu tập những bức tranh vẽ hoặc tô mầu của trẻ em được quét và trình chiếu lên tường, sàn và trần nhà, mở ra một thế giới nghệ thuật tuổi thơ phong phú và nhiều mầu sắc”, nhà sáng lập TeamLab, ông Toshiyuki Inoko cho biết.

“Trẻ em vẽ tranh giữa không gian trình chiếu những sinh vật biển, mang lại cảm giác bơi trong một thủy cung kỹ thuật số khổng lồ”, Bea Mitchell - nhà phê bình nghệ thuật đương đại - đã mô tả khi đến thăm “Sketch Ocean”. Cô cho biết, tham quan không gian vạn hoa này giống như bước vào trò chơi điện tử. “Cuộc triển lãm video và ánh sáng liên tục di chuyển và liên tục thay đổi, các hình ảnh kỹ thuật số trở nên hấp dẫn hơn khi bổ sung thêm hiệu ứng từ những bề mặt gương phản chiếu vô tận”, Mitchell nhận xét.

Một dự án nghệ thuật khác của TeamLab có tên gọi “Công viên giải trí tương lai” (Future Park), cho phép khán giả có thể cùng tham gia quá trình sáng tạo và tưởng tượng về thế giới tương lai với các nghệ sĩ. “Đây là tác phẩm không ngừng phát triển. Tại đây, du khách được phép sử dụng điện thoại thông minh để tham gia tìm hiểu quá trình tiến hóa của mọi sinh vật. Họ nhập vai trở về với quá khứ từ khi săn bắt, hái lượm, hoặc đến thế giới tương lai và khám phá những hành trình khác nhau. Chúng tôi kỳ vọng dự án này mang tính giáo dục và cũng lưu giữ những mảnh ghép cuộc sống của mỗi người tham gia vào đó”, ông Inoko giải thích.

Theo nhà sáng lập Toshiyuki Inoko, một nhóm nghệ sĩ cũng đang chuẩn bị ra mắt phòng triển lãm “Rừng thể thao” (Athletics Forest). Đây là không gian sáng tạo “nơi mọi người có thể cảm nhận nghệ thuật bằng cơ thể vật lý”. “Rừng thể thao” sẽ ​​mở tại chi nhánh bảo tàng TeamLab ở thành phố Jeddah bên bờ Biển Đỏ của Saudi Arabia vào đầu năm 2025, hứa hẹn trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút người yêu công nghệ giải trí.

TeamLab được thành lập năm 2001 với sự chung tay của một nhóm các nghệ sĩ và chuyên gia công nghệ từ nhiều quốc gia. Hoạt động của họ hướng đến sự giao thoa giữa nghệ thuật, khoa học, công nghệ và thế giới tự nhiên. Thông qua nghệ thuật, nhóm chuyên gia từ nhiều lĩnh vực, bao gồm nghệ sĩ, lập trình viên, kỹ sư, họa sĩ hoạt hình số, nhà toán học, kiến ​​trúc sư… đã xây dựng những “phòng triển lãm ảo”, mang lại trải nghiệm khám phá hoàn toàn mới cho khán giả. Ông Toshiyuki Inoko cho biết: “Chúng tôi hy vọng thể hiện nghệ thuật số với sự đổi mới, sáng tạo và đem đến cảm nhận, tư duy đa chiều nhất cho khán giả”. Ngoài việc thiết lập không gian thưởng thức nghệ thuật thị giác, các nhà sáng tạo đã kết hợp với mùi hương, sắp xếp cấu trúc, ánh sáng, âm nhạc, tiếng động… để tạo ra hiệu ứng đa giác quan.

“Bảo tàng ánh sáng” TeamLab mở cửa phòng triển lãm đầu tiên tại Tokyo, nhưng đến nay các hoạt động không chỉ diễn ra ở Nhật Bản. Những nhà triển lãm nghệ thuật giao thoa với công nghệ số ngày càng phổ biến trên thế giới. Ngày càng nhiều tác phẩm nghệ thuật kết hợp công nghệ trình chiếu ánh sáng và trải nghiệm đa giác quan, đã được đưa vào bộ sưu tập cố định của những bảo tàng nghệ thuật đương đại lớn tại New York (Mỹ), London (Anh), Melbourne (Australia)…