Trong chiếc bồn tắm cũ, xô nhựa, lon thiếc đủ hình dạng và kích cỡ, những cây rau như cà tím, rau đay, rocket và ớt do Mohammed Qomssan và gia đình anh trồng đang mọc lên tươi tốt. Rau xanh hiện là thực phẩm xa xỉ tại Jabaliya - nơi từng sầm uất, nhộn nhịp nhưng giờ chỉ còn là đống hoang tàn đổ nát với những con đường đầy hố bom sau các cuộc xung đột giữa quân đội Israel và phong trào Hồi giáo Hamas.
Sau lần thứ hai phải di dời, gia đình Qomssan trở về nhà vào giữa tháng 6 khi chiến sự Hamas – Israel lan xuống miền nam. Căn nhà của Qomssan đã hư hỏng nặng, chỉ còn hai phòng có thể sử dụng được. “Khi trở về, tôi có một cảm giác kỳ lạ, không thể diễn tả được. Ngôi nhà chúng tôi đã sống trong 25 năm đã bị tàn phá nặng nề. Tôi rất buồn và chỉ ngồi đó. Mọi ký ức của chúng tôi đã biến mất, mọi đồ đạc đã hư hỏng”, Qomssan buồn bã nói với phóng viên của tờThe Guardian.
Rất ít người hàng xóm cũ của họ quay trở lại Jabaliya, họ đã chạy trốn đến miền nam Gaza khi các cuộc xung đột bắt đầu nổ ra. Nhưng gia đình Qomssan đã quyết định quay lại ngôi nhà của mình, dọn dẹp đống đổ nát, căng trải bạt làm phòng khách tạm bợ và bắt đầu công việc gieo trồng số hạt giống ít ỏi mua được ở chợ. “Trái cây, rau quả và nhiều loại hàng hóa mà bạn có thể tìm thấy ở phía nam Gaza đều bị hạn chế ở đây,” Qomssan cho biết.
Theo Qomssan, tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng đã xảy ra ở khu vực này khi người dân hoàn toàn phụ thuộc vào thực phẩm đóng hộp ít giá trị dinh dưỡng. Các khu chợ ở Gaza chỉ có rất ít hàng hóa trong khi các chuyến xe viện trợ lương thực không tới đây thường xuyên. Sau nhiều tháng gần như không có viện trợ, miền bắc Gaza đối mặt nạn đói nghiêm trọng từ tháng 3 vừa qua.
Báo cáo hồi tháng 6 của một đơn vị do LHQ hỗ trợ cho thấy, các chuyến hàng vận chuyển lương thực tăng cường đến phía bắc Gaza đã làm dịu tình hình, song nguy cơ về nạn đói lan rộng vẫn hiện hữu. Các đoàn xe cứu trợ đến phía bắc Gaza vẫn phải đối mặt các cuộc tấn công. Không chỉ vậy, chỉ có hai cửa hàng bánh đang hoạt động tại Gaza, nơi có dân số 600.000 người trước khi xung đột bùng phát ngày 7/10/2023.
Chia sẻ với The Guardian, Qomssan cho biết, khu vườn rau nhỏ của gia đình anh là một cách để bảo đảm sự sống, đặc biệt khi họ biết rằng sẽ không có vụ thu hoạch thực phẩm tươi nào trong khu vực vào thời gian tới, sau khi những người nông dân đã di dời và những cánh đồng bị phá hủy trong các cuộc xung đột. “Toàn bộ đất canh tác ở Gaza đã mất, chúng đã bị cuốn trôi và phá hủy. Không phải mọi thứ đều có sẵn nhưng chúng tôi đã mua những gì chúng tôi có thể tìm thấy. Dù có ít không gian song có thể sử dụng nó để trồng một số loại cây trồng. Sau đó, chúng tôi quyết định bắt đầu trồng rau để có thể sống giống như những người bình thường khác”, anh nói.
Bên cạnh việc trồng rau, hằng ngày Qomssan quay lại những thước phim về cuộc sống của mình ở Jabaliya như chăm sóc trang trại gia đình, lang thang qua những địa điểm đổ nát với những chú chó trên các con phố vắng tanh…, sau đó đăng tải trên các phương tiện truyền thông xã hội. Anh cũng chia sẻ những video hoài niệm về cuộc sống trước chiến tranh như những clip mô tả sự đông đúc, nhộn nhịp của các cảng trong thành phố, nơi nhiều gia đình người Gaza từng đến để thư giãn hoặc video về những người bán hàng rong trên phố.
Những thước phim của Qomssan đã nhanh chóng nhận được sự chú ý trên các trang mạng xã hội với những đánh giá, bình luận tích cực. Nhiều người cho biết, sáng kiến trồng rau của Qomssan truyền cảm hứng cho những người quay về nhà, cho thấy sự thích ứng nhanh nhạy và tinh thần lạc quan của người dân ở Dải Gaza trong những hoàn cảnh khó khăn.