Sống ở ngoại ô thành phố cổ Bergama của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ismail Arac, sinh năm 1933, đã làm nghề thuộc da hơn 70 năm. Ông là một trong những nghệ nhân cuối cùng trên thế giới vẫn giữ nghề làm giấy da thủ công. Ông Arac cho biết, mặc dù ngày nay người ta không còn viết văn bản trên chất liệu da nữa, nhưng sản phẩm đặc biệt này vẫn được xem là một mắt xích quan trọng đối với di sản văn hóa của nhân loại.
Ông chia sẻ: “Làm giấy da thủ công là một công việc rất khó khăn, đòi hỏi sự tập trung cao, bây giờ mọi người đều làm bằng máy. Riêng chúng tôi vẫn sử dụng lưỡi dao cạo sắc bén, nếu bị trượt hoặc run tay sẽ làm thủng và phải bỏ tấm da đi, rất lãng phí”. Trong chiều dài lịch sử, giấy da từ Thổ Nhĩ Kỳ đã lan rộng khắp châu Âu nhờ độ bền cao hơn so giấy cói. Cuốn sách bìa cứng đầu tiên cũng đã được sản xuất từ chất liệu này. Giấy da vẫn sử dụng để ghi chép cho đến khi người ta phát minh ra máy in và sự ra đời của giấy.
Thế nhưng ngày nay, nghệ nhân Arac cho biết, xưởng của ông đã phải chật vật để duy trì sản xuất vì mọi người đã gần như không còn dùng đến giấy da trong những năm gần đây, chủ yếu là do chi phí cao. Một vài tài liệu tôn giáo và nghi lễ vẫn cần đến giấy da, hoặc một số trường đại học ở các nước đặt hàng để làm bằng tốt nghiệp. Song, loại vật liệu độc đáo này đã không còn phổ biến ngay cả ở quê hương Thổ Nhĩ Kỳ.
Sản xuất giấy da ở Thổ Nhĩ Kỳ không được đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể, rất ít trường học hay trung tâm đào tạo nghề tổ chức lớp học nghề cổ xưa này. Việc làm giấy hoàn toàn thủ công cũng đòi hỏi sự kiên trì và rất vất vả. Vì thế, suốt nhiều năm ông Arac không tìm được người thợ học việc nào sẵn sàng để truyền dạy những thao tác phức tạp. Mãi đến năm 2014, sau một đợt tuyển chọn trong số những người học việc, Arac đã công nhận hai nghệ nhân trẻ là người kế nhiệm của mình.
Năm 2020, nhân dịp tổ chức một buổi lễ truyền thống với các thợ thủ công khác từ Bergama, nghệ nhân Arac khi đó gần 90 tuổi, đã trao chứng nhận cho Nesrin Ermis Pavlis (39 tuổi) là nghệ nhân làm giấy da thủ công kế nhiệm trong xưởng của ông. Pavlis, vốn là nhà nghiên cứu lịch sử, cô bắt đầu quan tâm đến giấy da sau khi thực hiện đề án nhằm bảo tồn và phát huy nghề cổ tại thành phố nơi khởi nguồn loại vật liệu này. Giờ đây, Pavlis không chỉ sản xuất giấy da trong xưởng của cô, mà còn dạy lại những kỹ năng này cho thế hệ sau.
“Đó là một công việc rất vất vả. Chúng tôi loại bỏ lông, thịt và mỡ còn sót lại trên da bằng những con dao đặc biệt, không sử dụng bất kỳ hóa chất nào ngoài dung dịch nước vôi, sau đó cạo cho tấm da mỏng nhất có thể”, cô nói. Mặc dù vậy, người kế nhiệm của Arac tin rằng việc thực hành nghề thủ công mỗi ngày ở xưởng đang góp phần bảo tồn và phục hồi di sản văn hóa trên quê hương. Theo Al Monitor, Pavlis đang khuyến khích những nghệ sĩ, nhà bảo tồn và các nghệ nhân trong lĩnh vực nghệ thuật khác sử dụng giấy da làm vật liệu thay thế, nhằm đưa loại hình này trở lại sử dụng rộng rãi hơn. Đồng thời, cô nộp hồ sơ với cơ quan quản lý văn hóa để công nhận đây là di sản văn hóa phi vật thể.
“Việc sản xuất giấy da thủ công ngày nay gần như không mang lại lợi ích tài chính nào và đây là lý do tại sao nó bị bỏ mặc. Chúng tôi muốn tạo ra một không gian thực hành và giảng dạy để hồi sinh những kỹ năng đã ở tầm nghệ thuật này. Đó chính là điều tôi đang hướng tới”, Pavlis chia sẻ thêm.