Được xây dựng từ năm 1902, đến nay những nét kiến trúc độc đáo của công trình này vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. Trong hơn 120 năm qua, Cung điện Matild bên cầu Elisabeth đã trở thành “ngôi sao” của thành phố, được vinh danh là tòa nhà thanh lịch nhất ở Budapest. Do đó, Thủ đô của Hungary đã thực hiện nhiều biện pháp vừa tái tạo vẻ tráng lệ của tòa nhà, đồng thời cũng nhằm duy trì sức sống cho công trình.
Ở thời kỳ hoàng kim vào đầu thế kỷ 20, Matild là nơi xa hoa bậc nhất của đô thị châu Âu cổ kính. Giáo sư József Laszlovszky, Giám đốc chương trình nghiên cứu di sản văn hóa tại Trường đại học Trung Âu cho biết: “Công trình được coi là biểu tượng cho sự hợp nhất của 3 trung tâm đô thị là Buda, Pest và Óbuda - thành một thành phố mới lấy tên gọi Budapest, vào năm 1873”. Theo ông, sự phát triển đô thị nhanh chóng đã tạo nên một thành phố lớn, mang tính quốc tế vào cuối thế kỷ 19, nhiều đại lộ và đường phố mới đã hình thành trong giai đoạn này, cùng các tòa nhà công cộng và cung điện ấn tượng.
“Nhưng nổi bật nhất là không gian văn hóa cà-phê trong Cung điện Matild. Trước đây, những người nổi tiếng, các thành viên hoàng gia ở châu Âu thường đến đây giao lưu và điều đó đã tạo nên văn hóa cà-phê Hungary”, Giáo sư Laszlovszky lý giải. Trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới, quán cà-phê Belvárosi Kávéház bên trong Cung điện Matild vẫn mở cửa, đón tiếp khách, nhiều trong số họ là các nghệ sĩ và nhà văn thường xuyên lui tới. Song, theo thời gian, dù đã được phục hưng vào những năm 50 của thế kỷ 20, Cung điện Matild dần xuống cấp và khó có thể lấy lại dáng vẻ xa hoa ban đầu.
Theo CNN, hơn 45 năm trước, UNESCO công nhận Matild là di sản thế giới để thúc đẩy những nỗ lực bảo tồn cung điện. Năm 2016, nhà thiết kế nội thất người Hy Lạp Maria Vafiadis cùng 2 kiến trúc sư địa phương là Puhl Antal và Péter Dajka, đã tiến hành dự án cải tạo Cung điện Matild trở lại là “viên ngọc quý” của Budapest. Vào năm 2021, họ mở cửa khách sạn Matild Palace 5 sao nằm trọn bên trong cung điện, gồm có 130 phòng với thiết kế tôn trọng nguyên bản. Giới chức thành phố cũng quyết định trao vai trò vận hành cho một thương hiệu lớn, đánh dấu chương mới nhất trong lịch sử sôi động của công trình này.
“Trái tim” của Cung điện Matild, không gian văn hóa cà-phê đặt tại đây, đã đồng hành cùng sự phát triển phong phú của thành phố Trung Âu trong suốt chiều dài lịch sử. Nhà nghiên cứu văn hóa Laszlovszky nhấn mạnh ý nghĩa của việc cải tạo và đưa vào sử dụng không gian bên trong cung điện: “Trong 20 năm qua, người ta đã nhiều lần nỗ lực tái tạo tòa nhà ban đầu và quán cà-phê bên trong cung điện. Tuy nhiên, để đưa tòa nhà trở lại vẻ huy hoàng ban đầu không hề dễ dàng. Việc vừa vận hành vừa bảo tồn hiện nay là một thí dụ độc đáo về kết hợp giữa di sản kiến trúc, cũng như di sản phi vật thể là văn hóa quán cà-phê ở Budapest, đem ánh sáng trở lại với "ngôi sao" Matild”.
Quán cà-phê ngày nay trưng bày các hiện vật, ảnh lưu trữ và tác phẩm nghệ thuật liên quan lịch sử nghệ thuật và sáng tạo của Thủ đô Budapest. Người ta cũng đặt tượng của nhà văn Hungary nổi tiếng Gyula Krúdy, người đã sáng tác nhiều áng văn chương tại chính cung điện này. Không gian văn hóa cà-phê trải qua nhiều biến động đầy phong phú và sôi động tại đây đã thu hút cả khách du lịch và người dân địa phương. Họ là những người quan tâm đến lịch sử, nghệ thuật hoặc chỉ đơn giản là muốn trải nghiệm những nét độc đáo.
Ông Selim Olmez, quản lý tại khách sạn Matild Palace cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi không chỉ là cung cấp trải nghiệm ẩm thực mà còn đem đến không gian văn hóa cho khách hàng đắm chìm vào thế giới của những cuộc chuyện trò, một nơi mọi người có thể gặp gỡ và tham gia thảo luận về lịch sử, văn hóa ở Budapest.”