Nhà nghiên cứu Claudia Colesie, giảng viên ngành Sinh thái học thực vật, Đại học Edinburgh (Anh) là thành viên của dự án đã kết hợp dữ liệu vệ tinh với các phép đo thực địa, qua đó tạo ra bản đồ đầu tiên về thảm thực vật xanh trên toàn bộ lục địa Nam Cực. Cô cho biết: “Chúng tôi phát hiện tổng cộng 44,2 km² thảm thực vật, chủ yếu được tìm thấy ở bán đảo Nam Cực và các đảo ngoài khơi lân cận. Khu vực thảm thực vật này chỉ chiếm 0,12% tổng diện tích không có băng của Nam Cực, vì vậy cần nhấn mạnh rằng, đây vẫn là lục địa băng giá chủ yếu là tuyết và băng”.
Song, Nam Cực đang chịu ảnh hưởng của tình trạng biến đổi khí hậu (BĐKH) nhanh nhất thế giới và khi băng tan, khiến một vùng đất mới dần xuất hiện. Thảm thực vật đang bao phủ vùng đất này bắt đầu với những sinh vật đầu tiên là tảo và vi khuẩn lam. Quá trình tảo sinh ra và chết đi dần dần kết dính những hạt cát lại với nhau để tạo thành bề mặt cho các sinh vật khác phát triển. Tiếp theo là địa y và rêu, dù chỉ cao vài cm nhưng địa y và rêu đã tự bao phủ bề mặt một lớp nền dày hơn và cuối cùng các loài thực vật bám rễ.
Theo The Conversation, trước đây, quan sát thực địa ghi nhận chỉ có hai loài thực vật có nguồn gốc từ Nam Cực. Nhưng trình tự phát triển thực vật tự nhiên đã bị phá vỡ khi khí hậu thay đổi và các điều kiện trở nên dễ sống hơn. Hiện nay, hơn 100 loài thực vật mới đã xuất hiện ở Nam Cực.
Nhà khoa học Charlotte Walshaw từ Đại học Edinburgh là người dẫn đầu nghiên cứu về lập bản đồ thảm thực vật ở Nam Cực. Bà chỉ ra rằng, những bản đồ mới này cung cấp thông tin quan trọng ở quy mô mà trước đây không thể đạt được. Bà nói: “Chúng ta có thể sử dụng những bản đồ này để theo dõi chặt chẽ bất kỳ thay đổi nào trên quy mô lớn về mô hình phân bố thảm thực vật. Thông qua đó đánh giá được hiện trạng sinh thái tại khu vực có ý nghĩa đặc biệt này”.