Theo The Astana Times, Đại hội thể thao du mục thế giới lần thứ 5 diễn ra tại Thủ đô Astana của Kazakhstan từ ngày 8 đến 13/9, với hơn 2.000 VĐV từ 89 quốc gia tham gia. Các quốc gia không có truyền thống văn hóa du mục như Australia, Canada, Nam Phi hay Anh cũng gửi VĐV tham dự. Bộ trưởng Văn hóa và Thông tin Kazakhstan, ông Aida Balayeva chia sẻ: “Sự ủng hộ và tham gia rộng rãi này thể hiện các bộ môn thể thao du mục ngày càng trở nên phổ biến”.
"Thế vận hội" du mục thế giới năm nay diễn ra với chủ đề “Cuộc hội tụ vĩ đại trên thảo nguyên”, là sự kiện tôn vinh thể thao, bản sắc và văn hóa du mục lớn nhất khu vực Trung Á. Đại diện các tổ chức văn hóa quốc gia và trên thế giới đã hiện diện trong trang phục truyền thống khi tham gia lễ khai mạc. Tổng thống Kazakhstan, Kassym-Jomart Tokayev đánh giá tầm quan trọng của văn hóa du mục, cũng như ý nghĩa và tác động trên phạm vi toàn cầu. “Nền văn minh du mục từng hiện diện ở hầu hết các châu lục, dấu vết của họ có thể được tìm thấy ở châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Cộng đồng du mục các quốc gia chúng tôi đang chia sẻ nền văn hóa và các giá trị tinh thần chung”, ông Tokayev nhận định.
Vùng đất của núi đồi và thảo nguyên đăng cai tổ chức “Thế vận hội” đặc biệt này, đồng thời giới thiệu lịch sử, văn hóa và lòng mến khách, sự thân thiện của người dân Kazakhstan. Ca sĩ người Kazakhstan, Dimash Kudaibergen, đã tham gia biểu diễn trong lễ khai mạc, cho biết: “Tôi hiểu rằng, những môn thể thao truyền thống đóng vai trò quan trọng đối với đất nước và nền văn hóa của chúng tôi. Thế vận hội là sự kiện tuyệt vời để có thể phát huy tài năng của các VĐV trong thể thao và cũng có thể truyền tải âm nhạc, văn hóa của Kazakhstan”.
Hoạt động thể thao được tổ chức 2 năm một lần, các VĐV đã giới thiệu những kỹ năng chiến đấu cổ xưa của người dân du mục trong lịch sử như cưỡi ngựa, bắn cung trên lưng ngựa, võ thuật và huấn luyện chim ưng cũng như các trò chơi văn hóa khác, cùng với đó tái hiện ý nghĩa nổi bật của Con đường tơ lụa. Đại hội thể thao du mục thế giới đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) đưa vào danh sách di sản thế giới, nhằm mục đích phát triển và bảo tồn các môn thể thao và phong trào văn hóa dân tộc vùng thảo nguyên.
Đại hội bao gồm 21 môn thể thao, nhiều môn trong số đó có nguồn gốc từ các kỹ năng cần thiết để sinh tồn trên thảo nguyên. Trong đó có môn phổ biến hàng đầu và lâu đời nhất ở Kazakhstan là Kokpar, đã tồn tại trong hàng trăm năm. Xuất phát từ trò chơi bắt dê, những người cưỡi ngựa chiến đấu để giành được dê từ đối thủ và ghi “bàn thắng” tương tự luật chơi một số môn bóng. Tuy nhiên, có tới hàng trăm người chơi có thể tham gia Kokpar cùng một lúc. Truyền thống này hiện vẫn còn tồn tại ở các làng quê của Kazakhstan ngày nay.
Người đứng đầu Bộ Văn hóa và Thông tin Kazakhstan, bà Aida Balayeva cho biết: “Đại hội thể thao du mục thế giới là cơ hội độc đáo để giới thiệu với thế giới di sản lịch sử và văn hóa phong phú của đất nước chúng tôi”. Theo bà Aida, đây là dịp đất nước Trung Á “thể hiện tinh thần của dân tộc, thể hiện tâm hồn của người dân Kazakhstan”. Tinh thần thể thao cũng là biểu tượng của đoàn kết, đã gắn kết các quốc gia và nền văn hóa lại với nhau và mục tiêu chính của thế vận hội cũng nhằm tăng cường sức mạnh tình hữu nghị giữa các quốc gia.