Nhật Bản bảo tồn nghề đúc gang truyền thống

Cùng sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều nghề thủ công tại Nhật Bản đã dần mai một. Dù vậy, một xưởng đúc gang truyền thống có tuổi đời hơn 170 năm vẫn tồn tại. Các nghệ nhân tại xưởng đúc đang nỗ lực bảo tồn nghề này cho thế hệ mai sau.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Suzuki đang chế tạo một khuôn nồi gang theo kỹ thuật thủ công. Ảnh: AP
Ông Suzuki đang chế tạo một khuôn nồi gang theo kỹ thuật thủ công. Ảnh: AP

Trong xưởng đúc Oigen nằm ở tỉnh Iwate gần dãy núi Kitakami (Nhật Bản), ông Katsunori Suzuki, đang cần mẫn chế tạo một chiếc khuôn nồi gang. Ông Suzuki dành hàng giờ đồng hồ nhào trộn cát ẩm và một vài nguyên liệu đặc biệt khác để làm khuôn theo phương pháp gọi là "tegome", hoặc "nhồi tay". Khi khuôn hoàn thành, nghệ nhân 59 tuổi lấy những xô sắt nóng chảy và lập tức mang chúng đổ vào khuôn để nhiệt độ duy trì ở mức khoảng 1.450oC. Sau khi sắt nguội và đông cứng, ông dùng búa đập vỡ khuôn cát và lấy ra thành phẩm.

Ông Suzuki đã làm việc trong xưởng đúc gang Oigen được 40 năm. Ông tiết lộ, để tạo ra hình hài một chiếc nồi gang và nắp nồi, ông thường mất nguyên một ngày. Dù vậy, đó vẫn chưa phải quy trình hoàn chỉnh. Trong những ngày tiếp theo, các dụng cụ thô này sẽ được gửi đến các nghệ nhân khác để đánh bóng bề mặt, mài quai nồi và tiếp tục nung để chống gỉ. “Đây là công việc đòi hỏi sức mạnh và sự khéo léo. Không chỉ vậy, phương pháp truyền thống này cũng cần kinh nghiệm để cân chỉnh độ ẩm của cát với điều kiện thời tiết”, ông Suzuki cho biết.

Ông Katsunori Suzuki là một trong số rất ít thợ thủ công ở Nhật Bản vẫn sản xuất hoàn toàn thủ công các sản phẩm bằng gang với các kỹ thuật truyền thống tốn nhiều công sức. Bà Kuniko Oikawa, Chủ tịch xưởng đúc Oigen ra đời năm 1852 chia sẻ, bà muốn giữ nghề truyền thống này ngay cả khi chi phí sản xuất cao hơn nhiều so các phương pháp đúc gang hiện đại ngày nay.

Theo bà Oikawa, phương pháp tegome truyền thống được coi là không hiệu quả khi tốn kém và mất nhiều thời gian, và hầu hết các xưởng đúc đã từ bỏ phương pháp thủ công này. Thay vào đó, họ sử dụng khuôn làm từ các vật liệu khác và cơ giới hóa việc đổ sắt nóng chảy để sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, bà Oikawa không muốn phương pháp truyền thống này bị mai một. Chủ tịch đời thứ 5 của Oigen chia sẻ, lý do bà muốn bảo tồn nghề này vì khu vực đặt xưởng đúc Oigen vốn nổi tiếng với các sản phẩm gang, với những kỹ thuật sản xuất truyền thống có tuổi đời hơn 900 năm. Ngoài ra, các sản phẩm sản xuất thủ công cũng có chất lượng cao hơn hẳn so sản phẩm làm từ phương pháp công nghiệp hiện nay.

Do đó, bà đã quyết định duy trì sản xuất theo kỹ thuật tegome nhằm lưu giữ nghề thủ công độc đáo này cho thế hệ mai sau. Bà Oikawa cho biết, hiện ngoài xưởng của bà không còn nơi nào ở Nhật Bản sử dụng phương pháp tegome để sản xuất các sản phẩm từ gang. "Có thể có những thợ thủ công lớn tuổi biết phương pháp này, nhưng hiện tại họ đã nghỉ hưu. Kỹ thuật tegome sẽ chỉ còn là lịch sử khi không còn ai sử dụng để sản xuất. Thay vì ưu tiên kinh tế, chúng tôi muốn tôn trọng những người tiền nhiệm đã tạo ra nghề truyền thống này”, bà Oikawa khẳng định.

Theo AP, năm 2022, để quảng bá kỹ thuật đúc gang thủ công, Oigen đã ra mắt một thương hiệu mới có tên “Mugu” nhằm cung cấp nồi nấu bằng gang cao cấp. “Mugu” có nguồn gốc từ cách phát âm địa phương của từ “Muku” trong tiếng Nhật, có nghĩa là tinh khiết. Ước tính mỗi chiếc nồi Mugu có giá 337- 374 USD, đắt hơn khoảng 100 USD so những chiếc nồi gang khác của Oigen. Dù vậy, sản phẩm thuộc dòng Mugu vẫn liên tục “cháy” hàng trên trang web của nhà máy.

Không chỉ vậy, nhằm lưu giữ nghề đúc gang thủ công, nghệ nhân Suzuki của Oigen cũng đang chuyển sang lĩnh vực đào tạo cho thế hệ trẻ. Seksuk Suebsai, một công dân Thailand bắt đầu học tegome sau khi chuyển đến Iwate vào năm 2023. Seksuk cho biết, kỹ thuật thủ công này vô cùng thu hút, giúp anh và những người trẻ khác có thể khám phá một nét văn hóa độc đáo của “xứ sở mặt trời mọc”.