Huyền thoại mẹ

NDO -

Mẹ là Nguyễn Thị Hường, 82 tuổi, thường trú tại phường Đống Đa, Quy Nhơn, Bình Định. Là thương binh hạng bốn, mẹ không chỉ có cuộc đời gian truân, mà còn là nguyên mẫu của một bộ phim nổi tiếng. Mỗi khi nhớ lại quá khứ, mẹ lại bùi ngùi, nhưng rất đỗi tự hào.

Sau bao nhiêu năm vất vả, mẹ Hường hạnh phúc bên chồng.
Sau bao nhiêu năm vất vả, mẹ Hường hạnh phúc bên chồng.

Đời mẹ lên phim

Năm 1980, sau khi biết chuyện và xúc động trước những việc làm của mẹ Nguyễn Thị Hường, đạo diễn Bạch Diệp quyết định sẽ làm một bộ phim tái hiện cuộc đời mẹ. Và bộ phim mang tên "Huyền thoại về người mẹ" đã ra mắt khán giả. Nghệ sĩ nhân dân Trà Giang thủ vai nhân vật chính. Trong những ngày công chiếu ở Hà Nội, và sau này là TP Hồ Chí Minh, rồi trên truyền hình cả nước, hàng nghìn người đã rớt nước mắt thán phục hình ảnh người mẹ trong phim.

Cuộc sống đô thị trôi chảy quá nhanh, đôi lúc chính tôi cũng giật mình khi xem lại những thước phim này, và khi ngồi trước mẹ Hường thì những thước phim đó không còn là phim nữa mà biến thành cuộc sống, thành hiện thực đầy xúc động. "Là phụ nữ Việt Nam thời ấy ai cũng có khát vọng cống hiến cho đất nước, cách mạng. Nay mẹ chỉ mong sao cho thanh thản và bình yên", mẹ Hường thủ thỉ.

Ngày ấy mới bước qua tuổi 12, cô bé Hường nhỏ thó nhưng nhanh nhẹn, quả cảm, được Thị ủy Quy Nhơn cử làm giao liên. Từ đó, mọi tài liệu quan trọng đều được giao liên Hường chuyển từ căn cứ này đến căn cứ khác. Những thông tin của mẹ bao giờ cũng chính xác, kịp thời, tránh được rất nhiều tổn thất cho cách mạng. Những năm hoạt động, nhiều lần mẹ bị bắt giam. Lần cuối cùng mẹ được tha tù là năm 1968 vì địch không có cơ sở buộc tội.

Người vợ thủy chung

Sau khi địch thả ra khỏi nhà lao Quy Nhơn, tuy đã trải qua nhiều trận đòn tra tấn nhưng mẹ Hường vẫn đẹp mặn mà. Tiếp tục nung nấu ý chí cách mạng, ngay sau khi hồi phục sức khỏe, mẹ liên lạc lại được với tổ chức và tiếp tục hoạt động cách mạng. Trước đó, mẹ Hường quen chàng thợ máy Trương Liêm, cùng quê, không bao lâu hai người trở nên thân thiết, có chung lý tưởng nên quyết định cưới nhau vào năm 1956.

Trong hoàn cảnh chiến tranh, ba ngày sau khi cưới, ông Trương Liêm lên đường tập kết ra Bắc. Lúc chia tay, ông Liêm nói với vợ ba năm sau sẽ trở về. Và những tháng ngày chờ đợi bắt đầu. Mẹ Hường kể: "Biết hoàn cảnh, một tên thiếu tá Ngụy đã đến dụ dỗ mẹ lấy hắn, nhưng mẹ dứt khoát từ chối. Mẹ đã nhận nhiều trẻ mồ côi về nuôi, vừa hoạt động, vừa chờ chồng".

Đến ngày đất nước thống nhất, mẹ Hường mong đợi đến cháy lòng nhưng ông Trương Liêm vẫn bặt vô âm tín. Bao nhiêu năm son sắt chờ đợi, tuổi xuân qua đi nhưng mẹ vẫn một lòng hướng về chồng. Nhiều người giục mẹ nên yên bề gia thất, bởi có thể ông Trương Liêm đã hy sinh hoặc có gia đình mới. Mẹ vẫn đơn thân và năng nổ công tác ở Hội Phụ nữ Quy Nhơn và làm việc thiện, tiếp tục nuôi dưỡng trẻ mồ côi.

Năm thứ 22 chờ đợi chuẩn bị qua đi thì ông Trương Liêm trở về. Nỗi mong mỏi như vỡ òa nhưng lại lụi tắt ngay, bởi cùng về với ông Liêm là bà vợ hai và hai đứa con của họ. Mẹ Hường giãi bày, đôi mắt ầng ậc nước: "Lúc đó tất cả như sụp đổ trước mặt mẹ. 22 năm chờ đợi giờ thế này sao? Bao đêm dài mẹ như cạn cả nước mắt. Có những đêm mẹ không ngủ được, cứ trằn trọc mãi. Lúc đầu mẹ rất hận ông ấy nhưng nghĩ cho cùng cuộc sống chẳng được bao nhiêu nên lại thầm chúc cho ông ấy và người vợ hai hạnh phúc. Như hiểu được lòng mẹ, mấy lần gặp nhau, ông Liêm chỉ im lặng và nhìn xa xăm. Mẹ biết ông ấy cũng có nỗi xót xa. Biết đâu rằng trong những ngày hoạt động cách mạng ngoài Bắc ông ấy cũng vất vả và cần có người đỡ đần. Nghĩ vậy, mẹ quyế định rút lui về để toàn tâm chăm sóc những đứa con nuôi của mình".

Có lẽ, ở hoàn cảnh mẹ, dám nhường chồng cho người khác là một hành động cao cả nhất mà tôi từng biết. Và trong đấu tranh với kẻ thù, mẹ cương quyết bao nhiêu, thì lúc này, mẹ lại nhân từ bấy nhiêu. Nhưng ai mà biết được, mẹ đã phải nén đau đến thế nào.

Gánh nặng thay chồng

Cơn mưa tầm tã của Quy Nhơn bắt đầu ngớt dần, sau cặp kính mờ nhòa, tôi thấy những giọt nước mắt của mẹ lăn dài xuống hai gò má nhăn nheo. Có lẽ những ký ức như trỗi dậy ào ạt, phải lặng người đi rất lâu, mẹ tiếp tục kể: "Một thời gian sau, vợ hai của ông Liêm bệnh nặng, nhà lại khó khăn nên mẹ ông Liêm một mực muốn mẹ dọn về sống chung để đỡ đần nhau. Mẹ nghĩ cũng chẳng còn trẻ nên đã về, quây quần bên gia đình. Mẹ cũng thương mẹ chồng, suốt thời chiến tranh bà ấy đã nhiều lần giúp đỡ và cũng xem mẹ như người ruột thịt".

Dọn về sống chung nhà với ông Liêm, mẹ Hường tận tình chăm sóc cho người vợ hai và mẹ chồng. Do bệnh nặng, mấy năm sau, bà vợ hai mất đi để lại hai người con. Mẹ Hường lại thêm gánh nặng nuôi dạy rồi lo cưới vợ, gả chồng cho con riêng của chồng. Thán phục mẹ Hường, họ tâm sự: "Mẹ đã tận tình chăm sóc chúng tôi chẳng khác nào con ruột. Ơn dưỡng dục này chẳng bao giờ chúng tôi nguôi quên".

Ốm đau nhiều, tiền lương không cao nhưng mẹ Hường vẫn nhiệt tình dành tiền để làm từ thiện. Năm 2000, mẹ ốm một trận nặng, tưởng không qua khỏi, nhưng tỉnh lại vẫn nghĩ đến các con. Bàn tay dày vết nhăn nheo với lên giá sách, mẹ Hường đưa tôi cuốn nhật ký chi chít chữ. Lật ra xem, tôi thấy trong sổ ghi tên hàng trăm trẻ mồ côi, con của các chiến sĩ bị bắt, hy sinh được mẹ nhận về nuôi dưỡng và chăm sóc.

Giấu đi nỗi nghẹn ngào, ông Trương Liêm tâm sự: "Tôi chẳng biết bù đắp cho bà ấy bằng cách nào, vì cả đời bà ấy chẳng mưu cầu việc gì cho riêng mình. Nhiều đêm bà ấy luôn trăn trở và nói với tôi rằng, giúp bà ấy chăm sóc trẻ mồ côi cũng là bù đắp cho bà ấy rồi. Cuộc sống đã ban tặng bà ấy cho tôi như một món quà vô giá. Đời này, bà ấy đã gánh vác tất thảy thay tôi".