Hóa giải căng thẳng

Những bất đồng đang từng bước được giải quyết, căng thẳng giữa các nước cựu thù đang dần được thu hẹp, cho thấy xu thế tất yếu của thế giới hiện nay là hòa bình và hợp tác.
0:00 / 0:00
0:00
Một chuyến tàu chở ngũ cốc xuất phát từ Biển Đen.
Một chuyến tàu chở ngũ cốc xuất phát từ Biển Đen.

1 Đại diện thường trực của Nga tại Liên hợp quốc Gennady Gatilov tuyên bố, Nga sẵn sàng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine bằng con đường chính trị và ngoại giao. Trả lời phỏng vấn nhật báo Izvestia của Nga, ông Gatilov nhấn mạnh: Moscow tôn trọng nỗ lực của các quốc gia, tổ chức và cá nhân trong việc tìm kiếm các giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng Ukraine khi đã có nhiều đề xuất và sáng kiến được đưa ra.

Hiện, Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc đề xuất cho phép một ngân hàng Nga đang bị trừng phạt thiết lập một chi nhánh mà có thể kết nối với mạng lưới tài chính toàn cầu. Báo Financial Times (FT) ngày 3/7 cho biết, điều này nhằm mục đích bảo vệ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen vốn cho phép xuất khẩu lương thực ra thị trường toàn cầu. Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã ba lần được gia hạn và theo lần gia hạn mới đây nhất vào ngày 18/5, thỏa thuận sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/7 tới.

2 Tờ Nikkei của Nhật Bản số ra ngày 3/7 cho biết, nước này và EU dự kiến sẽ thiết lập khuôn khổ hợp tác mới trong lĩnh vực an ninh. Theo bản dự thảo đầu tiên của Tuyên bố chung Nhật Bản-EU, dự kiến được thông qua tại hội nghị cấp cao vào ngày 13/7 tới, hai bên sẽ tăng cường hợp tác để bảo đảm an ninh hàng hải ở Đông Á, ứng phó các cuộc tấn công mạng. Trên cơ sở đó, hai bên xác định sẽ nâng cấp hợp tác an ninh song phương và thiết lập một khuôn khổ hợp tác an ninh mới - cũng là khuôn khổ hợp tác toàn diện đầu tiên trong lĩnh vực này.

Khuôn khổ hợp tác an ninh mới giữa Nhật Bản và EU dự kiến đề xuất kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, an ninh vũ trụ, an ninh trên không gian mạng và an ninh thông tin, vốn là các vấn đề vượt ra ngoài khuôn khổ các khu vực riêng lẻ của châu Á hoặc châu Âu. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida dự kiến công du châu Âu từ ngày 11-14/7, trong đó sẽ hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel trong ngày 13/7 để thảo luận và thống nhất các nội dung này.

3 Bộ Tài chính Mỹ thông báo Bộ trưởng Janet Yellen sẽ thăm Trung Quốc từ ngày 6-9/7 tới, trong bối cảnh hai nước tìm cách gia tăng tiếp xúc cấp cao. Theo thông báo, các cuộc thảo luận của bà Yellen với các quan chức cấp cao Trung Quốc sẽ tập trung vào các cách thức quản lý có trách nhiệm các mối quan hệ song phương, liên lạc trực tiếp về các lĩnh vực gây quan ngại và phối hợp giải quyết các thách thức toàn cầu. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình MSNBC, bà Yellen cho rằng, hai nước cần thảo luận với nhau về những bất đồng hiện nay để không có những hiểu lầm. Tuy nhiên, bà khẳng định Mỹ sẽ hành động để bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia cho dù việc này gây thiệt hại kinh tế.

Chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Yellen diễn ra khoảng hai tuần sau chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken, trong đó hai bên nhất trí ổn định mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông Blinken là Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đầu tiên thăm Trung Quốc sau 5 năm quan hệ giữa hai nước căng thẳng vì nhiều vấn đề.

Hóa giải căng thẳng ảnh 1
Ai Cập nới lỏng các yêu cầu về thị thực du lịch

đối với công dân Iran.

4 Theo hãng thông tấn Tasnim của Iran, Ai Cập và Iran sẽ nối lại các chuyến bay thẳng giữa Tehran và Cairo trong vòng 45 ngày tới. Hai bên đã tổ chức các cuộc đàm phán do Iraq làm trung gian vào tuần trước để nối lại hoạt động du lịch, đồng thời một phái đoàn của Bộ Du lịch Ai Cập dự kiến sẽ sớm đến thăm Tehran.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Ai Cập và Iran đang có dấu hiệu tan băng trong những tháng gần đây. Vào cuối tháng 5 vừa qua, lãnh tụ tối cao của Iran, ông Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố rằng, quốc gia Hồi giáo này hoan nghênh việc khôi phục quan hệ với Ai Cập, vốn đã bị cắt đứt kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Cairo và Tehran dự kiến sẽ trao đổi đại sứ trong vài tháng tới, như một phần của quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước do Oman làm trung gian. Ai Cập cũng đã nới lỏng các yêu cầu về thị thực du lịch đối với công dân Iran, cho phép cấp thị thực tại cửa khẩu quốc tế đối với du khách Iran.