Hiểu thêm về một cây bút uy tín

Trong đời sống văn hóa- xã hội nhiều thập niên qua ở nước ta, Phan Quang là cây bút có tên tuổi ở cả hai lĩnh vực báo chí và văn học. Bên cạnh sự nghiệp báo chí ông dấn thân suốt hơn 70 năm, Phan Quang còn là một nhà văn có uy tín trong đồng nghiệp và công chúng. Cây bút Phan Quang tiếp tục được thể hiện trong tập sách mới nhất của ông: “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm”, do NXB Trẻ ấn hành tháng 1-2017.

Hiểu thêm về một cây bút uy tín

1 Mặc dù trên trang bìa của cuốn “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm” ghi là “bút ký”, nhưng đọc hết 441 trang sách khổ lớn (15,5x23cm), riêng tôi thật khó định danh thể loại cho ấn phẩm này. Bởi tôi gặp ở đây những thao tác kỹ năng của một nhà báo chuyên nghiệp, những trang viết cuốn hút của một nhà văn tài hoa, thái độ lao động nghiêm túc của một nhà khoa học mẫn tiệp… Gấp lại cuốn sách, độc giả có thể hình dung phần nào một giai đoạn lịch sử gian lao, anh dũng mà thật lãng mạn, trong sáng của nước ta, thông qua những trang ghi chép dạng “nhật ký” của một phóng viên mới trên dưới hai mươi tuổi, khi thì ở mặt trận Bình Trị Thiên, khi thì ở hậu phương Thanh - Nghệ Tĩnh, có khi theo bộ đội tình nguyện lên mặt trận Thượng Lào… Đó là hành trình từ ngày đầu Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp đến khi ông theo đại quân về tiếp quản Thủ đô tháng 10-1954…

Quan sát, lắng nghe và ghi chép là những thao tác cơ bản của những người làm báo, viết văn và những ai đam mê nghiệp chữ. Điều ấy giáo trình nghiệp vụ đã dạy và trong đời sống không hiếm những tấm gương về sự ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ nhằm phục vụ cho công việc viết văn hay làm báo. Phan Quang là một trong những tấm gương ghi chép ấy. Điều đó một lần nữa được thể hiện cụ thể, sinh động đến mức khâm phục trong tập sách mới này của ông. Mặc dù trong “Lời thưa” mở đầu cuốn sách, ông cho biết đã “cắt bỏ, chỉ giữ lại một phần…”, nhưng từ những trang giữ lại ấy, người đọc có thể nhận thấy công việc quan sát, lắng nghe và ghi chép đã được ông thực hiện kỳ công, tự giác và riết róng như thế nào, trong điều kiện khó khăn gian khổ và thiếu thốn đủ thứ của một phóng viên mặt trận những năm cuối thập niên 40, nửa đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Không chỉ tự giác khép mình vào “kỷ luật ghi chép” như một thư ký mẫn cán, nhiều sự việc trong khi ghi chép còn được ông bình phẩm, đánh giá, so sánh, phân tích… khá sắc sảo, thể hiện chính kiến của mình. Nhờ thế mà những trang ghi chép ngay sau đó đã được ông chỉnh sửa đôi chút để kịp trở thành những bài báo thời sự theo yêu cầu của tòa soạn, như “Tết ở Đại đội 150”, “Một chuyến vô hụt”, “Bên phá Tam Giang” đăng trên báo Cứu Quốc của Liên khu 4 hồi những năm 1948-1950, hay những bài tường thuật phiên tòa xét xử một vụ bạo loạn phản cách mạng ở một vùng hậu phương của Liên khu 4 năm 1952… Lại có những trang ghi chép sau đó được ông “nâng cấp” thành những bút ký, tùy bút văn học hoặc sử dụng cho sáng tác văn học, như truyện ngắn “Lễ tang bà Cựu” hay tiểu thuyết “Đất rừng” xuất bản ngay trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Lại có những ghi chép do lúc đó chưa rõ nội dung, bản chất… được ông đánh dấu lưu ý để bổ sung khi có điều kiện.

2 Nhưng, “hưởng lợi” nhiều nhất từ những trang ghi chép ấy vẫn là các thế hệ độc giả, nhất là những bạn đọc trẻ. Bởi những trang ghi chép ấy không chỉ như những thước phim, bức ảnh chân thực, sinh động về cuộc sống thời chiến ở một vùng tạm chiếm Liên khu 4 trong kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn khắc họa đậm nét những hoạt động sản xuất, chiến đấu, học tập… và sinh hoạt thường nhật ở nhiều vùng quê khác trong thời kỳ ấy, từ Bình Trị Thiên ra Thanh - Nghệ Tĩnh và cả Thượng Lào, rồi trung du Bắc Bộ… Đặc biệt, từ những vấn đề lớn tầm quốc tế, như tâm tư tình cảm của quân và dân ta khi nghe tin đồng chí Xít-ta-lin ốm và từ trần; những vấn đề ngoại giao giữa Việt Nam với các nước XHCN anh em trong thời kỳ “trăng mật” của tinh thần quốc tế vô sản; những chuyện “nhạy cảm” trong thời kỳ giảm tô, cải cách… đến những hoạt động kháng chiến như phong trào đấu tranh trong nội thành Huế; đợt chỉnh huấn lớn của Đảng ta năm 1953; Việc trao trả tù binh chiến tranh theo thỏa thuận của Hội nghị Trung Giã năm 1954… đều là những thông tin hết sức quý giá và tin cậy. Thật thú vị khi gặp lại những “từ lóng” thời kháng chiến mà ngày nay nhiều người đã quên, nhiều người lần đầu được nghe đến, như: Bem là những chuyện tuyệt mật; Hát đúp là hành vi hủ hóa hoặc người sa đọa; Tạch tạch xè là thành phần hoặc tư tưởng tiểu tư sản; Trâu ra là địch đi càn; Dinh tê là những người không chịu được gian khổ chiến khu đã quay về vùng tạm chiếm…

3 Nhiều người đã biết Phan Quang là người thông thạo nhiều ngoại ngữ, dịch giả của nhiều kiệt tác văn học Đông-Tây, kết giao với nhiều học giả và văn nghệ sĩ trên thế giới… nhưng trong tác phẩm này, ông lại chủ ý sử dụng tiếng địa phương hết sức đắc dụng, ngay từ những dòng mở đầu tập sách: “Anh trưởng Trạm ngỡ ngàng gặp anh cán bộ nói đặc giọng quê miềng, rứa mà coi giấy tờ thì ra là ông nhà báo từ ngoài vùng tự do của Liên khu vô. Anh liền kêu một chú giao liên giao nhiệm vụ. Chú tươi cười: Dạ, eng muốn đi mô em đưa eng tới nơi, nhưng chừ trưa rồi, phải ăn chút chi cho chắc bụng đã rồi đi mô thì đi…”. Hẳn là ai cũng phải thừa nhận, nếu đoạn văn trên tác giả viết hoàn toàn theo tiếng phổ thông, thì hiệu quả nghệ thuật của nó sẽ giảm đi rất nhiều.

Nhà văn, nhà báo Phan Quang là cán bộ lão thành tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1945. Ông từng giữ những cương vị lãnh đạo quan trọng ở Báo Nhân Dân, Ban Tuyên huấn Trung ương, Bộ Thông tin, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Hội Nhà báo Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội hữu nghị Việt Nam… Ông là tác giả của hơn chục tập truyện, tiểu thuyết, bút ký… và hàng chục cuốn sách văn học dịch, tiêu biểu là bộ Nghìn lẻ một đêm nổi tiếng với bạn đọc Việt Nam gần nửa thế kỷ nay. Sinh thời, nhà văn Tô Hoài nhận xét: “Phan Quang là một nhà văn mà tâm hồn và văn phong chan hòa ruột thịt với phong cách nhà báo”.

Xuân này ông đã chạm tuổi 90 nhưng vẫn đọc, vẫn viết đều đặn và vẫn tham gia nhiều sự kiện chính trị-văn hóa. “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm” là tác phẩm giúp các thế hệ bạn đọc hiểu thêm về một tác giả tài danh và một học giả khả kính.