Sự xuất hiện những tác phẩm có sự can thiệp của công nghệ chỉnh sửa trong các cuộc thi ảnh nghệ thuật nêu rõ tiêu chí tác phẩm nguyên bản từng là nỗi đau đầu của ban giám khảo các cuộc thi khoảng hơn... 10 năm trước. Theo thời gian, công nghệ đã giúp cho phần việc này của các giám khảo dần nhẹ nhàng, sáng rõ hơn. Cũng bởi vậy, nên một số cuộc thi đã không còn chú tâm vào khâu kiểm tra tính nguyên bản của tác phẩm, dẫn đến những tình huống dở khóc dở cười, làm ảnh hưởng cả uy tín cuộc thi và người tham dự. Trong các trường hợp này, dư luận dành nhiều đánh giá tiêu cực cho chủ thể sáng tạo tác phẩm bị xướng tên, bởi đã cố tình “ngồi nhầm chỗ”, cạnh tranh không công bằng với các sáng tạo đúng tiêu chí khác.
Trong bối cảnh phát triển chóng mặt của công nghệ, đã có nhiều cuộc thi dành riêng cho các sáng tạo có ứng dụng kỹ thuật. Thậm chí, đã có cuộc thi dành cho những sáng tạo bởi trí tuệ nhân tạo trong sản xuất tác phẩm điện ảnh - “làm phim mà không cần quay phim” như cách nói của một số chuyên gia trong nghề. Có nghĩa là, sự phân định thể loại sáng tạo-lao động nghệ thuật đã khá rõ ràng, điều còn lại là chính sự cập nhật kiến thức của người sáng tạo nghệ thuật.
Ứng dụng công nghệ hay từ chối ứng dụng - đó là quyền của người làm nghệ thuật. Nhưng, đòi hỏi không bao giờ cũ đối với mọi sáng tạo nhân danh nghệ thuật, là sự tôn trọng và thực thi các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, bởi đó là yếu tố nền tảng của những thực hành nghệ thuật chân chính.