Hậu quả dai dẳng sau hai thập kỷ

Năm 2023 đánh dấu tròn 20 năm Mỹ và đồng minh đưa quân vào Iraq và lật đổ chính quyền Tổng thống Saddam Hussein. Hoạt động quân sự đã dẫn đến số người thiệt mạng và hậu quả nhân đạo kéo dài, tình trạng bất ổn của đất nước và khu vực cùng với sự bành trướng của các lực lượng khủng bố làm phức tạp tình hình an ninh ở Trung Đông.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Iraq al-Sudani (giữa) chủ trì phiên họp ngân sách chính phủ. Ảnh: SHAFAQ
Thủ tướng Iraq al-Sudani (giữa) chủ trì phiên họp ngân sách chính phủ. Ảnh: SHAFAQ

Ngày 19/3/2003, Tổng thống Mỹ khi đó là George W.Bush phát động cuộc xâm lược lật đổ nhà lãnh đạo Saddam Hussein với cáo buộc chính quyền Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Sau đó hai năm, báo cáo thanh tra vũ khí của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) khẳng định rằng, không tìm thấy kho dự trữ vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học nào ở Iraq. Tuy vậy, hậu quả của chiến tranh đã làm hàng nghìn người dân Iraq và binh lính thiệt mạng, hàng triệu người bị thương hoặc mất nhà cửa, tài sản trong thời gian chiến tranh.

Theo tờ Arab News, xung đột và bạo lực đã phá hủy hạ tầng và những thành tựu phát triển trước đó của một quốc gia thống nhất ở trung tâm của thế giới Arab, mở ra khoảng trống quyền lực và châm ngòi cho xung đột sắc tộc giữa người Hồi giáo dòng Shi’ite và Sunni ở Iraq. Bất ổn liên tiếp biến Iraq trở thành một trong những “điểm nóng” của khủng bố, trong đó có tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Nhiều người Iraq, đặc biệt là trẻ em, chịu ảnh hưởng nặng nề. Các con số thống kê không thể chỉ ra hết những người thiệt mạng do hậu quả gián tiếp của chiến tranh như bệnh tật, di cư hay chết đói.

Trong suốt nhiều năm, Iraq gánh chịu hậu quả sụp đổ kinh tế, thất nghiệp, mất an ninh, bạo lực giáo phái và khủng bố. Người dân sống trong nghèo khó, thiếu cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công cộng thiết yếu. Giới chức Washington cũng bị chỉ trích khi để “sa lầy” ở Iraq, gây tốn kém về nhân lực và vật lực. Đến tháng 12/2011, cựu Tổng thống Barack Obama mới thực hiện được cam kết rút quân về nước. Theo Tổng thanh tra đặc biệt về tái thiết Iraq, từ năm 2003 đến năm 2012, Mỹ đã cung cấp 60,64 tỷ USD để tài trợ cho các lực lượng an ninh và tái thiết dân sự của Iraq. Trong số đó, một phần dùng để tài trợ, trang bị và huấn luyện lực lượng an ninh của Iraq. Không rõ kinh phí để hỗ trợ dân sự song con số đó dường như không thấm là bao.

Sau chiến tranh, tàn dư của mạng lưới khủng bố toàn cầu al-Qaeda ở Iraq cùng với lực lượng IS đã có lúc kiểm soát tới 40% đất nước. Vào nửa cuối năm 2014, liên minh do Mỹ đứng đầu phát động chiến dịch không kích ở Iraq và sau đó là Syria, đồng thời đưa quân trở lại Iraq với mục đích huấn luyện và cố vấn cho quân đội sở tại. Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, hiện nay, dù IS đã dần rút khỏi các thành trì ở miền bắc Iraq và Syria, song các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn ở các vùng sâu, vùng xa.

Bất ổn an ninh chỉ là một trong những vấn đề dai dẳng của “đất nước nghìn lẻ một đêm”. Iraq từng rơi vào bế tắc chính trị cho đến cuộc tổng tuyển cử tháng 10/2022 và Tổng thống đắc cử Abdul Latif Rashid bổ nhiệm ông Mohammed Shia al-Sudani làm Thủ tướng. Nhưng ngay sau đó, một nỗi lo khác là nạn tham nhũng tràn lan khi vào năm ngoái, cơ quan công tố đã phát hiện vụ tham nhũng giữa các cựu quan chức và doanh nhân lên tới 2,5 tỷ USD.

Các chuyên gia cho rằng, sau 20 năm, Iraq đã bước vào thời kỳ tương đối ổn định, song bài toán về hòa giải dân tộc, phát triển kinh tế vẫn đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa. Những con số đã dần tích cực hơn khi Chính phủ mới đưa ra cam kết chống tham nhũng, cải thiện mức sống và triển vọng của đất nước.

Theo AP, Iraq đã thu về ước tính khoảng 114 tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ vào năm 2022, một mức tăng lớn so giai đoạn đại dịch Covid-19 và những khoản thu này giúp chính quyền Baghdad có thể triển khai một số chính sách. Song, việc có tới 90% ngân sách phụ thuộc vào việc bán dầu mỏ nên nền kinh tế đối mặt rủi ro lớn. Vì vậy, đa dạng hóa nền kinh tế, xoa dịu các mâu thuẫn sắc tộc và duy trì chính sách đối ngoại cân bằng là thách thức cần giải quyết đối với một quốc gia đang vực dậy sau chiến tranh như Iraq.