Hai ô cửa trong thành phố

Đêm.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: LÊ ANH VÂN
Minh họa: LÊ ANH VÂN

Một người đàn ông tóc đã nhuốm bạc bước đi trên phố, thả những bước chân nặng nề lên vỉa hè. Gương mặt thoáng nét hom hem nhưng dáng dấp còn rắn rỏi, chỉ có bước chân là mỏi mệt, những bước chân rụng xuống mặt đường dội lên một thứ âm thanh buồn chán.

Hôm nào cũng thế, ông đi bộ về chung cư của mình, một căn hộ tiện nghi ở tầng thứ bảy, ngay trung tâm thành phố. Và hôm nào cũng thế, ông ngả người trên chiếc ghế sô-pha, mắt nhắm nghiền một hồi lâu trước khi mở tủ lạnh lấy một chút vang đỏ. Rượu vang giúp giấc ngủ được ngon hơn. Nhưng dạo gần đây ông toàn thức, thức gần một tháng nay rồi. Bệnh người già hay là một nguyên nhân nào đó, chẳng rõ. Tháng trước, sau một cuộc khám sức khỏe tổng quát cho ông, con gái ông bất ngờ đề nghị ông thôi công việc ở tiệm phở để nghỉ ngơi chăm sóc sức khỏe, nói chung là an dưỡng vui chơi. Ông xua tay.

“Không đến tiệm phở thì bố biết làm gì cho hết ngày hở con? Con đang chuẩn bị cho cái chết của bố đó sao?”.

Đêm đó ông về ngồi thừ ra trên ghế. Ông cũng mở tủ lạnh, lấy ra một chút vang đỏ nhưng không uống ngay mà cầm ly rượu ra ngoài ban-công. Đêm sâu thăm thẳm càng làm cho thành phố thêm phần huyền hoặc, đâu đó, giữa những ánh đèn mầu lấp lánh, có một tiệm phở gia truyền nổi tiếng. Tiệm phở của ông. Công việc của ông. Hay là cái gì đó lớn hơn đại loại như sự nghiệp chẳng hạn. Ông thoáng thở dài, giữa ánh đèn vàng mờ ảo của ban-công, ly rượu lóng lánh trong tay ông. Ông đưa lên miệng nhấp một ngụm, toàn bộ khuôn mặt như có cái gì đang kéo xuống khiến nó chảy dài ra. Một cách nhàm chán, ông vào lại trong phòng, đặt ly rượu xuống bàn rồi lấy một vật gì đấy mầu đen đi ra phía ban công. Ông cầm vật mầu đen ấy đưa lên mắt. Không có gì nhiều, chỉ là một cái ống nhòm. Phải rồi, chủ nhật tuần trước đứa cháu của ông đến chơi ở lại một đêm, sáng hôm sau nó lật đật về mà quên mang theo vài thứ, trong đó có cái ống nhòm du lịch này. Hẳn là ông bắt đầu thích thành phố này khi ngắm cận cảnh với độ phóng đại đến 20 lần từ chiếc ống nhòm, kiểu gì nó cũng khá hơn so với sự tiện nghi đến vô cảm của căn phòng này. Và ông đang thích thành phố như một khách du lịch dạo chơi trên những hồ bơi, tán cây, biển hiệu, công viên và những ô cửa sáng đèn tràn đầy sức sống.

Ông lướt qua, lướt qua không vội vàng cũng không chần chừ, cho đến khi gặp phải khung cửa sổ với bức rèm mầu rêu, nơi cô gái có mái tóc dài chấm lưng đang kéo cây vĩ cầm vàng nâu bên cửa sổ. Chiếc ống nhòm dừng lại hẳn. Nhìn động tác của cô gái là biết cô học đàn từ bé và luyện tập mỗi ngày. Có một sự say mê đến bất động. Ông đứng như không hề thở, như có thể tan biến khỏi không gian này để đến một không gian khác, nơi có toàn tiếng nhạc. Ông đứng như thế cho đến khi cô gái kéo tấm rèm mầu rêu lại.

Vệt sáng cuối cùng từ căn phòng có cô gái với cây vĩ cầm ấy biến mất, ông vào phòng, chân bước khẽ khàng như sợ phải đánh thức một thứ gì đó đang ngủ quanh quẩn đâu đây. Ngăn tủ trên cùng được mở ra, lâu lắm rồi, phải đến mấy năm rồi ông mới chạm tay vào nó. Trong ấy có một chiếc hộp mầu da bò. Lần gần đây nhất, ông mở nó là buổi sáng khi ông chuyển vào căn hộ này. Hôm ấy, ông chỉ chiều lòng đứa cháu ngoại. Thằng bé đã cầm cây vĩ cầm lên. Ô, thằng bé chẳng biết phải cầm thế nào cho đúng. Ông hướng dẫn thằng bé cầm đàn và lúc cao hứng nhất ông đã kéo nó. Thằng bé vỗ tay, ông cười méo xệch rồi cất đàn vào hộp, lắc đầu. Thằng bé không chịu, nhất quyết không chịu. Hai ông cháu giằng co, dù khẽ thôi nhưng đã đủ để một tấm ảnh cũ rớt ra. Trong tấm ảnh đen trắng bị ố một góc là ông với cây vĩ cầm năm ông mười tuổi. Ông thở dài. Đúng lúc đó thì mẹ thằng bé bước vào. Thằng bé tiu nghỉu vì bị mẹ mắng nhưng nó vẫn thủ thỉ.

“Ông dạy cháu đàn với nhé”.

“Ừ”.

Ông đã “ừ” với thằng bé, không biết lúc ấy ông đã nghĩ gì mà rõ ràng là ông “ừ” rất dứt khoát. Còn thằng bé, thằng bé khẩn khoản như thế mà lại chẳng bao giờ nhắc ông về chuyện dạy nó đàn thêm một lần nào nữa. Với trẻ con, mỗi ngày là một trang mới hoàn toàn, có lẽ vậy.

*

Đêm ấy, sau khi mở ra đóng vào hộp vĩ cầm mấy lần thì trời tảng sáng. Hôm sau và tất cả hôm sau nữa, tối nào ông cũng nhìn sang ô cửa sổ có tấm rèm mầu rêu ấy. Đôi lần ông mỉm cười, mắt ông sáng lên, đôi lần ông thở dài đặt cái ống nhòm xuống rồi nhìn chăm chăm vào đôi tay nhăn nhúm của mình. Một bữa kia, ông xăm xăm xuống phố, dường như có điều gì đó tươi vui vừa lóe lên trong ông, tia mắt đầy hy vọng. Ông dừng lại trước Elite Music Centre - trung tâm dạy nhạc cụ lớn nhất thành phố. Bên trong, các nhân viên lễ tân trẻ trung và chuyên nghiệp đang sẵn sàng đón học viên mới. Ông định bước vào đúng lúc một lớp học vừa tan, các cô bé, cậu bé vui vẻ bước ra khỏi trung tâm. Ông nép sang một bên nhìn chúng. Này đây là một lũ chim non đang ríu ran vỗ cánh, ông của nhiều năm về trước cũng từng thế. Bây giờ thì hai tay ông miết vào nhau, nghe khô khốc làn da của người có tuổi. Bất chợt ông sờ tay lên mặt, chạm vào những nếp nhăn

chung quanh miệng, những nếp nhăn bắt đầu thổn thức. Ông quay về. Lặng lẽ. Nặng nhọc. Mệt phờ. Như cái cách mỗi ngày bước chân ông thả xuống mặt đường.

Ông vừa nhấp một chút vang đỏ và đi ra

ban-công. Hôm nay căn phòng có tấm rèm mầu rêu ấy không sáng đèn. Ban đầu ông còn tưởng mình sai, nhưng không, ông đã định vị được ngay căn phòng ấy. Ông đợi đến khuya đèn vẫn không sáng.

*

Những hôm sau, đèn vẫn không sáng. Chỉ có một cánh rèm im lìm đáp lại đôi mắt mong mỏi

của ông.

Một tuần trôi qua, gương mặt ông hom hem đi một cách rõ ràng. Ông vẫn đến tiệm phở mỗi ngày. Và vẫn kiên trì nhìn sang căn phòng có tấm rèm mầu rêu, cho đến tận khuya.

Cuối cùng thì ông cũng nhận được tín hiệu hồi đáp từ một nỗi mong chờ gần như phi lý. Tấm rèm mầu rêu đang được kéo sang một bên, điện đã bật. Nhưng có nhiều hơn một người trong căn phòng. Ông đứng như không thở. Những người khác vào một lúc rồi lần lượt ra ngoài hết chỉ còn một mình cô gái trong căn phòng sau tấm rèm mầu rêu. Đúng là cô ấy, cô gái có mái tóc chấm lưng thường chơi vĩ cầm bên cửa sổ. Cô đưa tay lên đầu, động tác như muốn gỡ cái gì đó trên đầu xuống. Mái tóc rời ra, tuột khỏi đầu. Cây vĩ cầm trên tay, cô lại bên cửa sổ như kiểu cô biết bên ngoài cửa sổ có ông đang nhìn, và cô lại gần để ông nhìn rõ hơn mái đầu trần trụi ấy. Rồi vẫn là những động tác quen thuộc, cô bắt đầu kéo đàn. Chẳng có gì thay đổi, ngoại trừ việc đầu cô không có tóc. Ông loạng choạng sém làm rớt chiếc ống nhòm trong tay. Đêm chòng chành đáy mắt.

Lại một ngày nữa vừa trôi qua, ông lại cầm ống nhòm ra ban-công sau khi nhấp một ngụm vang đỏ. Hôm nay cô gái không đội tóc giả nữa, kể cả khi trong phòng có nhiều người đến. Họ đến rồi đi, còn lại mình cô. Cô cầm đàn lên chơi nhưng chưa đầy một phút bỗng dừng lại. Không thể thấy được nét mặt cô ở vị trí này chỉ biết ngay sau đó cô đã ném cây vĩ cầm vào tường, bằng hết sức bình sinh, có lẽ vậy. Có thứ gì đó vừa vỡ ra, tan tác. Cô gái thụp xuống khuất dưới tấm rèm mầu rêu. Hai tay ông xuội xuống, chiếc ống nhòm tuột khỏi tay.

*

Hôm sau, ông không đến tiệm phở. Ông đi đâu và làm gì không ai biết. Chỉ biết khi hoàng hôn xuống, ông bước đi một mình trên phố, từng bước dứt khoát và mạnh mẽ, trên tay là một chiếc hộp vĩ cầm mầu trắng. Ông tìm và tìm, cuối cùng ông cũng đến được dãy chung cư có căn phòng với tấm rèm mầu rêu ấy. Hẳn là ông đi tìm cô gái chơi vĩ cầm kia.

Không biết cuộc gặp của ông thế nào, liệu ông có tặng được chiếc đàn ấy cho người cần nó hay không, chỉ biết từ hôm ấy đến nay tối nào hàng xóm của ông cũng nghe thấy tiếng vĩ cầm từ ban-công. Và nếu lỡ có ai dùng ống nhòm với độ phóng đại 20 lần từ góc xa xa nào đó nhìn lại họ sẽ thấy một lão già hom hem run rẩy bên cây đàn. Ông run rẩy hom hem và già đi rất nhanh từ dạo ấy nhưng ánh mắt thì hồn nhiên lắm. Ban đầu, người ta tỏ ra khó chịu với thứ âm thanh vụng về của ông nhưng dần dà họ cũng quen, hoặc là ông đã có chút tiến bộ. Dù sao thì đâu đó những nốt nhạc cũng đã bay lên qua vuông cửa mà số phận dành cho họ.