Gỡ vướng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển

Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ nhân “Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước” được tổ chức tuần qua. Báo cáo nêu rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó có những kiến nghị tháo gỡ nhằm đổi mới và phát triển DNNN, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Toàn cảnh Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Quy trình đầu tư phức tạp, luật chồng luật, cơ chế chậm...

Tại báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), PVN nhận định, là một trong những DN trụ cột của nền kinh tế đất nước, với nhiệm vụ quản lý và triển khai các hoạt động dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài; thực hiện vai trò là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và là đầu tàu kinh tế trong xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hùng cường.

Tuy nhiên, đơn vị cũng gặp không ít những rào cản trong hoạt động đầu tư. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, giá trị thực hiện đầu tư đạt thấp (bằng 33,5% kế hoạch) so kế hoạch đề ra. Việc triển khai thực hiện ở hầu hết các dự án đầu tư đều gặp khó khăn, tiến độ không đạt như kỳ vọng; việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án trọng điểm của tập đoàn như: Lô B, Cá Voi Xanh, Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Long Phú 1… từ các cơ quan có thẩm quyền đều chậm, trong đó đến thời điểm hiện tại dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 vẫn chưa có phương án triển khai tiếp theo.

PVN cho biết, các vướng mắc chung là, quy định trình tự, thủ tục phê duyệt dự án đầu tư còn phức tạp, quá trình thực hiện phải tham chiếu quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai,… và các luật chuyên ngành khác làm cho quá trình chuẩn bị đầu tư kéo dài, dễ phát sinh các sai sót.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện, giải ngân vốn đầu tư dự án còn chậm, công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực. Việc giải phóng mặt bằng chậm, ảnh hưởng tiến độ triển khai dự án, trong đó xuất phát từ một số vướng mắc liên quan quy định pháp luật về đơn giá đất, về 4/5 công tác bồi thường phục vụ thi công, về bồi thường hỗ trợ tài sản trên đất.

Cũng theo Tập đoàn này, rào cản trong giai đoạn đầu tư từ phê duyệt, triển khai cho đến quyết toán dự án kéo dài, cần nhiều cấp phê duyệt do đó chưa tạo tính chủ động cho chủ đầu tư triển khai dự án. Bên cạnh đó, chưa có hướng dẫn cụ thể một số nội dung về hồ sơ trình phê duyệt dự án, thu xếp vốn... ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án.

Đặc biệt, trách nhiệm pháp lý của người phê duyệt và thực hiện dự án đầu tư còn chịu nhiều rủi ro do các quy định pháp luật còn cứng nhắc, chưa linh hoạt dẫn tới công tác thẩm định, phê duyệt, tổ chức triển khai dự án kéo dài.

Ngoài ra, những vướng mắc, hạn chế đặc thù trong hoạt động đầu tư của PVN như là Luật Dầu khí và các quy định, hướng dẫn liên quan đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhiều vấn đề đặc thù của hoạt động dầu khí chưa được điều chỉnh, theo kịp với xu hướng thay đổi của hệ thống pháp luật, đó là các dự án của PVN thường có tổng mức đầu tư lớn và kéo dài nên trong quá trình thực hiện cũng bị ảnh hưởng bởi việc tuân thủ và thực hiện theo các hướng dẫn của Luật, Nghị định và Thông tư hướng dẫn ban hành sau khi dự án đã được phê duyệt...

Tương tự, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đánh giá, trong giai đoạn vừa qua, cơ chế quản trị DNNN còn chậm được đổi mới, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; tính công khai, minh bạch còn hạn chế. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh và đóng góp của một số DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; một số dự án của DNNN còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn.

Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách ban hành chậm so kế hoạch đề ra; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu còn chưa được các cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời, từ đó ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như tiến độ tái cơ cấu DNNN...

Khó khăn, vướng mắc của PVN và TKV cũng là tình hình chung của gần 500 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 DN do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trong số 350 DN có vốn góp của Nhà nước).

Gỡ vướng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển -0
 Trụ sở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Ảnh: BẮC SƠN

Trình nhiều giải pháp tháo gỡ

Trước thực tế đó, PVN kiến nghị Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách để DNNN hoạt động, chủ động linh hoạt theo cơ chế thị trường; trong đó, có cơ chế để DN chủ động tự quyết trong điều hành hoạt động SXKD; cơ quan đại diện chủ sở hữu quản lý DNNN trên 5/5 cơ sở các mục tiêu giao cho DN tạo điều kiện tối đa cho DN nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Đồng thời, Chính phủ cần có cơ chế chính sách nâng cao năng lực tài chính cho DNNN có vai trò dẫn dắt, chủ đạo trong nền kinh tế đặc biệt như PVN thông qua việc để lại nguồn vốn chủ sở hữu, không thu khoản chênh lệch giữa nguồn vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ.

Mặt khác, nghiên cứu ban hành cơ chế ủy quyền và giao Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị của các DNNN có vai trò dẫn dắt được thẩm quyền quyết định và phê duyệt phương án thu xếp vốn, kể cả vay vốn nước ngoài để tăng tính chủ động cho DNNN và thực hiện báo cáo cơ quan quản lý chủ sở hữu để giám sát thực hiện.

Quan trọng nhất là hoàn thiện các hệ thống luật pháp liên quan đến hoạt động ngành dầu khí. Cụ thể, ủng hộ trình Quốc hội ban hành Luật Dầu khí sửa đổi trong năm 2022 theo kế hoạch; xem xét, ban hành cơ chế cho hoạt động thăm dò dầu khí, cơ chế tận khai thác và cơ chế chính sách liên quan đến tiêu thụ khí, bảo đảm đem lại nguồn thu tối đa cho Nhà nước và khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí trong giai đoạn tới.

Còn TKV kiến nghị, xuất phát từ tình hình thực tiễn hiện nay, để bảo đảm vấn đề an ninh năng lượng quốc gia nhằm góp phần đạt được mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; đề nghị Chính phủ xem xét tiếp tục nắm giữ và phát huy vai trò chi phối tuyệt đối của Nhà nước tại ba tập đoàn năng lượng hiện nay (PVN, EVN và TKV); theo đó từ nay đến 2025 và định hướng đến 2030 đề nghị Nhà nước tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ tại ba tập đoàn năng lượng này; đồng thời tiếp tục kêu gọi, thu hút các thành phần kinh tế khác tham gia phát triển các dự án mới trong lĩnh vực năng lượng. 

Không những thế, TKV cho rằng, bản thân DN cũng cần thay đổi, bởi trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực; đồng thời cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra những cơ hội và không ít thách thức đối với các DNNN, do đó đòi hỏi các DNNN cần phải tiếp tục đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động của mình, đáp ứng và phù hợp các chuẩn mực quản trị hiện đại, tiên tiến.

Đặc biệt, tác động của đại dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua đã làm thay đổi căn bản đến phương pháp tổ chức sản xuất tại không ít các DN. Do đó, tự thân mỗi DNNN cần thay đổi tư duy về phương pháp tổ chức sản xuất, có các giải pháp triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Đưa ra những giải pháp cụ thể, nhằm tạo thuận lợi hơn cho hoạt động của các DNNN, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (TCSG) kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ ban hành, triển khai Đề án “Phát triển DNNN quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho DN thuộc các thành phần kinh tế khác...”.

“Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, giúp các DNNN đầu ngành đẩy nhanh tiến độ đầu tư, làm chủ công nghệ, đổi mới sáng tạo, khẳng định năng lực cạnh tranh, xứng đáng trở thành nòng cốt của nền kinh tế đất nước”, TCSG đánh giá.

Giải pháp thứ 2 là, Chính phủ xem xét, chỉ đạo điều chỉnh quy định về phân phối lợi nhuận của DNNN (đang được quy định tại Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015) theo hướng cho phép một số DNNN kinh doanh hiệu quả trong nhiều năm liền, có các dự án đầu tư phát triển lớn, hiệu quả (đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong Chiến lược SXKD, đầu tư phát triển 5 năm) được giữ lại phần lợi nhuận sau thuế sau khi đã trích lập các quỹ theo quy định để bổ sung vốn điều lệ và đầu tư phát triển các dự án, bảo đảm khả năng cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, tổng tài sản của DNNN hiện là 4 triệu tỷ đồng, mỗi DN có quy mô tài sản bình quân khoảng 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần DN có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần DN tư nhân trong nước. Khối này tạo ra tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân là 10,46%, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/ tổng tài sản bình quân là 4,87%, cao hơn khối DN tư nhân; đóng góp 28% thuế và các khoản nộp ngân sách, chi phối các ngành, lĩnh vực quan trọng, chiếm 24,6% tổng vốn đầu tư của Nhà nước và chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Bộ KH&ĐT đánh giá, sự phát triển của DNNN vẫn chưa xứng với tiềm năng, vai trò dẫn dắt, tạo động lực với nền kinh tế vẫn còn hạn chế.

Thanh tra Chính phủ cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, đơn vị đã ban hành kết luận 27 cuộc thanh tra tại các DNNN, trong đó chủ yếu tập trung thanh tra các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, cổ phần hóa DNNN. Kết quả cho thấy, còn có những DNNN hoạt động thiếu hiệu quả, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước; việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn và tài sản còn yếu kém, nhiều trường hợp để xảy ra sai phạm, thất thoát, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.