Gỡ khó vấn đề đất đai

Lâu nay, thu hồi đất luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội và người dân. Cần khắc phục những bất cập trong luật hiện hành, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật để giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người sử dụng đất.
0:00 / 0:00
0:00
Sự chồng chéo giữa các văn bản luật hiện nay đang gây khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp, đền bù, giải phóng mặt bằng ở nhiều nơi.
Sự chồng chéo giữa các văn bản luật hiện nay đang gây khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp, đền bù, giải phóng mặt bằng ở nhiều nơi.

Còn chồng chéo nhiều luật

Báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho thấy, nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có mối liên quan chặt chẽ, chằng chịt và phức tạp với dự luật này. Theo đó, Chính phủ đã rà soát 112 bộ luật, luật có mối quan hệ với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có 88 bộ luật, luật có nội dung quy phạm pháp luật về đất đai và 24 luật không có nội dung quy phạm pháp luật về đất đai nhưng có ảnh hưởng việc quản lý, sử dụng đất. Ngoài ra, cũng có 22 bộ luật, luật có quy định vướng mắc, chồng chéo các quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Luật Đất đai năm 2013 có 14 chương, 212 điều, quy định tương đối đầy đủ, toàn diện về quản lý và sử dụng đất đai. Tuy nhiên, đến nay Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, đặt ra yêu cầu cấp bách tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật đất đai. Đặc biệt là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bồi thường và hỗ trợ tái định cư cho những người bị thu hồi đất; các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất; về giải quyết khiếu nại, tố cáo; cấp phép quyền sử dụng đất… nhằm hạn chế tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai.

Thực tế, hiện nay nhiều địa phương, đơn vị thiếu trách nhiệm đã buông lỏng công tác quản lý, để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng, không đăng ký biến động với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không thực hiện nghiêm các nghĩa vụ tài chính theo quy định… Vì thế, dù Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước sớm nghiên cứu ban hành các quy định pháp luật khắc phục tình trạng trên, nhưng việc triển khai vẫn rất chậm.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Luật Đất đai năm 2013 liên quan gần 200 luật khác nên rất khó để bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật về đất đai. Do có sự xung đột, chồng chéo giữa các luật nên nhiều khi cơ quan chức năng ở địa phương cũng rất khó thực hiện, điều này dẫn đến những dự án “bất động” trong nhiều năm nhưng không dễ giải quyết bởi những vướng mắc, nhiều khâu thủ tục, “lòng vòng” giữa các cơ quan với nhau.

Cần phù hợp thực tiễn

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là bỏ khung giá đất, xác định lại phương pháp định giá đất, đề xuất việc xây dựng bảng giá đất định kỳ hằng năm… để bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Trong đó, cần quan tâm hơn nữa đến người dân bị thu hồi đất vì họ luôn ở thế bị động. Tuy nhiên, việc xác định giá đất sát giá thị trường là một bài toán khó và cần quy định chặt chẽ, công khai thông tin, tuyên truyền về giá để hạn chế tình trạng sốt đất ảo, ổn định thị trường. Nhà nước cần ban hành chế tài xử lý những hành vi đầu cơ, lướt sóng, tạo giá ảo, gây nhiễu loạn thị trường đất đai. Cùng với đó cần quy định rõ ràng về tiêu chí, điều kiện, có căn cứ pháp lý, thực tiễn cơ sở nhằm bảo đảm định giá sát giá thị trường.

Hiện nay, các trường hợp thu hồi đất theo luật hiện hành và dự thảo luật đều sử dụng phương pháp liệt kê để xác định các trường hợp thu hồi, giúp việc thu hồi cụ thể từng trường hợp, từng dự án. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện cũng như tình hình kinh tế-xã hội mà Nhà nước có định hướng phát triển riêng trong từng thời kỳ, do đó các phương pháp cũng cần thay đổi để không ảnh hưởng quyền lợi người dân, giảm nguy cơ khiếu kiện về đất đai. Bởi khi tiến hành thu hồi đất, nghĩa là thu hồi đất đai của chủ thể này để trao cho một chủ thể khác bằng mệnh lệnh hành chính, do đó điều này sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột, lạm quyền, gây bức xúc cộng đồng, dẫn đến mâu thuẫn tranh chấp kéo dài.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải sửa cho hợp lý nhất, vì có rất nhiều điểm tắc nghẽn lớn trong thực tiễn triển khai các dự án hiện nay, đặc biệt là các dự án vừa và nhỏ mang tính an sinh xã hội. Đại biểu cho rằng, chính quyền địa phương nên triển khai đền bù, giải tỏa theo quy định của pháp luật rồi giao đất “sạch” cho chủ đầu tư thực hiện dự án.

Nhiều năm qua, việc thu hồi đất đang ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, bởi phương pháp định giá đất hiện hành chưa phù hợp thực tế thị trường, gây thất thoát, lãng phí tài sản đất đai. Trong lần góp ý kiến tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đều nhất trí rằng, quy định về thu hồi đất và trưng dụng đất phải được xem xét, đánh giá thật kỹ lưỡng trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật quan trọng này.