Giữ gìn, phát huy giá trị di sản

Tỉnh Bắc Ninh vừa tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi kỷ niệm 15 năm dân ca quan họ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cùng với đó, tại Nghệ An và Hà Tĩnh cũng có nhiều hoạt động kỷ niệm 10 năm dân ca ví, dặm được UNESCO tôn vinh là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
0:00 / 0:00
0:00

Những năm qua, các dịp kỷ niệm năm chẵn việc ghi danh của UNESCO đối với nhiều di sản nổi tiếng của Việt Nam như hát xoan, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhã nhạc Cung đình Huế… là những sự kiện quan trọng để vừa tiếp tục tôn vinh, vừa nhìn lại việc bảo tồn, phát huy giá trị. Thực tế đáng mừng là đã có những di sản được giữ gìn, lan tỏa rộng rãi trong và ngoài nước. Có di sản được chú trọng đầu tư hơn về kinh phí bảo tồn, đãi ngộ nghệ nhân, tổ chức liên hoan, trình diễn như hát xoan, quan họ. Có di sản được nhìn nhận ngày càng đúng đắn, trân trọng hơn sau những năm dài trước kia từng bị đánh giá sai lệch, như ca trù, như tín ngưỡng thờ Mẫu với nghi lễ hát văn…

Bên cạnh đó, nhiều cơ quan quản lý văn hóa và giới nghiên cứu cũng có những góp ý, cảnh báo về hạn chế, sai lệch hoặc biến tướng trong việc bảo tồn, đào tạo, biểu diễn, sử dụng hình ảnh, nội dung… liên quan đến di sản. Tiếp đó, đã có cả một số hoạt động mang tính giải pháp, can thiệp và sửa chữa nhằm ngăn ngừa sự mai một của di sản, giúp thế hệ mới tiếp cận với những kỹ thuật và giá trị chuẩn mực hơn, như việc tổ chức và truyền dạy đánh cồng chiêng theo điệu thức, thang âm truyền thống trên một số tỉnh Tây Nguyên thời gian qua.

Cả nhìn nhận những thành quả cùng tác động tích cực như thế, cho thấy sự phát triển tiến bộ trong nhận thức và sự ứng xử với di sản. Có lẽ trong bối cảnh hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế sôi nổi như hiện nay, cùng với định hướng và khát vọng phát triển công nghiệp văn hóa của đất nước, thêm sự phát triển và ứng dụng công nghệ mạnh mẽ…, thì việc bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị di sản cần mở thêm những tinh thần mới.

Vấn đề này, tất nhiên cần có sự nghiên cứu, tư vấn của giới chuyên môn, cùng sự tham vấn ý tưởng, nguyện vọng, đề xuất của các cộng đồng lưu giữ di sản. Về đại thể, rất nên thúc đẩy việc phát triển hệ thống bài bản, làn điệu, nội dung của di sản một cách phù hợp để làm giàu có thêm những vốn cổ đang có. Cùng với đó, bồi bổ và phát triển đội ngũ tác giả, lực lượng nghệ nhân mới, các diễn viên quần chúng trong cộng đồng với những phương thức đào tạo, ứng dụng, vận dụng công nghệ, truyền thông, mạng xã hội… một cách hiện đại, tiên tiến hơn, bên cạnh các phương pháp cổ truyền vẫn rất cần tiếp tục. Đây là công việc quan trọng nhằm gây dựng đội ngũ giữ gìn, lan tỏa di sản giàu tri thức, kỹ năng, linh hoạt thích ứng và có ý thức sáng tạo trong bối cảnh mới. Nhất là, ở khía cạnh sáng tạo, thì cũng rất nên mở rộng cái nhìn liên ngành, ứng dụng để giá trị của các di sản được lan truyền, phát huy, phát triển trong các lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật khác. Trong đó có các ngành nghề về thời trang, kiến trúc, thiết kế không gian sống, không gian sinh hoạt cộng đồng, thiết kế sản phẩm mỹ nghệ, và đặc biệt là lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật trong đời sống đương đại…

Giữ gìn, phát huy giá trị di sản là việc cần làm liên tục và lâu dài. Nhưng với bối cảnh mới và nhiều gợi mở, cơ hội mới, cần cả sự định hướng cũng như nhiều hơn những hành động cho sự phát triển của di sản.