Giữ ánh sáng lồng đèn truyền thống

Dù đã không nhận đơn hàng mới từ mấy tuần trước nhưng những ngày này, nhiều gia đình nghệ nhân tại làng lồng đèn Phú Bình (quận 11, TP Hồ Chí Minh) vẫn phải thay nhau thức trắng đêm chẻ nứa, uốn khung, dán giấy kiếng, vẽ mầu để kịp tiến độ.
0:00 / 0:00
0:00
Bà Loan trang trí đèn cá trước khi giao cho khách.
Bà Loan trang trí đèn cá trước khi giao cho khách.

Rộn ràng mùa trăng

Vừa dán chiếc lồng đèn cá chép hóa rồng lên yên xe cho khách, bà Nguyễn Thị Ánh Loan vội ngồi xuống cạnh chồng lồng đèn giấy kiếng đủ hình cá, thỏ, gà, bươm bướm làm tiếp công đoạn trang trí cuối cùng. Đèn chưa làm xong, dăm ba khách đã đợi ngay cửa, bà Loan tay làm, miệng đon đả: “Chờ chị mấy phút nha, đính mấy cái dây là xong. Ba tuần nay nhà chị thức trắng luôn mà vẫn không kịp giao khách. Chọn cái nghề này thì vui nhất, cực nhất là Tết Trung thu. Năm nay bán sớm hơn mọi khi gần hai tháng, đơn hàng tăng gần gấp đôi nên hơi lu bu tí”.

Gia đình bà Loan giữ nghề làm lồng đèn truyền thống đã gần 60 năm. Ban đầu mẹ bà làm rồi truyền lại đời con, đời cháu. Mỗi năm, cứ sau rằm tháng giêng, ai có công việc cũng sắp xếp để tối tối cả nhà cùng nhau làm khung, cắt giấy kiếng chuẩn bị cho các đơn hàng lớn. Từ xưởng đèn này, năm nào, gia đình cũng cung cấp ra thị trường hơn 50 nghìn sản phẩm thủ công. Không chỉ bán sỉ cho các đại lý ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, miền Tây… nhà bà Loan còn phục vụ khách lẻ đến tìm hiểu, mua sản phẩm. Hỏi sao không bỏ sỉ cho khỏe mà bán lẻ từng người mất công, bà cười giòn, giải thích: “Người ta tìm đến làng nghề là quý lồng đèn xưa, mình phải tiếp hết chứ. Giờ lồng đèn nhựa, lồng đèn chạy pin bán đầy đường nên thấy ai thích lồng đèn truyền thống, người làm đèn như tôi mừng lắm! Người ta mua cái đèn 10 nghìn đồng mình cũng thấy hạnh phúc”.

Lúc trước, làng lồng đèn Phú Bình luôn nhộn nhịp vì cả trăm nhà làm. Dần dà khách vắng, người ta thôi mặn mà với cây nứa, cọ vẽ, chuyển sang nghề khác. Giờ cả làng còn tầm 20 hộ, gắng giữ nghề truyền thống. Bà Loan khoe, con cái trong nhà dù công ăn việc làm ổn định vẫn phụ ba mẹ làm đèn và sáng tạo thêm nhiều kiểu mới. Năm nay, ngoài kênh bán hàng trực tiếp, gia đình bà còn giới thiệu mẫu trên Facebook, Zalo và chốt được khá nhiều đơn hàng chất lượng. Mẫu mã, kích cỡ lồng đèn cũng đa dạng hơn nên khách có thêm chọn lựa. Ngày trước chủ yếu bán đèn từ 10-35 nghìn đồng, bây giờ do nhu cầu thị trường tăng cao, gia đình bà Loan còn thiết kế thêm nhiều mẫu đèn truyền thống cỡ lớn, trang trí cầu kỳ với giá vài trăm nghìn đồng mà vẫn liên tục “cháy hàng”.

Vui vì giữ được nghề

Hơn 20 năm trước, chị Nguyễn Thị Kim Thu từ An Giang theo chồng về làm dâu tại Phú Bình. Được mẹ chồng truyền nghề làm lồng đèn ông sao truyền thống, hai vợ chồng nỗ lực bám trụ đến nay. Chị Thu nói, nghề làm đèn thu nhập không cao nhưng niềm vui rất lớn. Ngồi uốn từng cây nứa, quét hồ chỗ này, quấn kẽm chỗ kia rồi nhìn thành phẩm của mình lung linh trong ánh nến, bao nhiêu mỏi mệt tan biến hết. Rồi hai con ra đời, mỗi mùa Trung thu, chị đều dạy từng chút để con biết từng công đoạn tạo ra chiếc đèn sao năm cánh. Thấy con chịu khó học hỏi, chị Thu mừng lắm vì biết rằng sẽ tiếp tục giữ được nghề truyền thống của gia đình mấy chục năm qua.

Khởi động mùa kinh doanh từ đầu tháng 5 âm lịch, trước Trung thu tầm ba tuần, chị Thu sẽ ngưng nhận đơn hàng mới vì sợ làm không kịp. Giai đoạn này, chị chủ yếu dành thời gian cho các hoạt động giới thiệu lồng đèn ông sao tại trường học. Theo đơn đặt hàng của các trường, chị Thu chuẩn bị sẵn nguyên liệu và hướng dẫn các em học sinh từng công đoạn làm đèn ngay tại xưởng. Cũng có lúc, chị tới các trường hướng dẫn cách làm lồng đèn truyền thống nhân dịp Tết Trung thu. Mỗi lần như vậy, chị đều kể chuyện nghề của gia đình cho mọi người nghe. Ai cũng thích thú.

Nguyễn Đức Anh, con trai lớn của chị Thu nay đã là sinh viên năm hai. Sau giờ học, Đức Anh về xưởng phụ mẹ làm đèn thay vì đi chơi, tán gẫu với bạn bè. Việc chính của Anh trong mỗi mùa đèn là dán giấy kiếng, in hoa, quấn tua rua và gói hàng giao khách. Mở chiếc hộp đựng đầy con dấu khắc hoa làm bằng tay, Anh lựa họa tiết hoa cúc, hoa sen, chiếc lá rồi đi pha mầu. Cầm từng chiếc đèn ông sao phủ lớp giấy kiếng đỏ đậm, Anh khéo léo in từng hoa văn nhỏ lên mỗi cánh, đợi khô trước khi quấn tua rua sắc mầu. Nhìn con trai tỉ mỉ từng công đoạn, chị Thu vừa tạo khung đèn vừa cười.

Đức Anh kể, em phụ mẹ làm đèn từ năm 10 tuổi, giờ thành thạo các khâu chứ hồi mới tập đụng đâu hư đó. Thấy con trai lóng ngóng, chị Thu chẳng rầy la mà còn an ủi, vỗ về và hướng dẫn kỹ hơn. Nhờ vậy, mấy tháng sau, cậu bé đã thoăn thoắt làm đèn. Mê nhất là cột đèn vì lúc đó được chiêm ngưỡng thật kỹ thành phẩm do mình tạo ra. Đức Anh nói: “Làm lâu, tăng ca liên tục, nhiều lúc em mệt lắm vì thiếu ngủ nhưng cứ thấy chiếc đèn làm xong là lại háo hức, tiếp tục phần việc dở dang. Năm ngoái dịch không bán được đèn, cả xóm buồn hiu. Năm nay đơn tăng gấp đôi, cả nhà em sáu người làm ngày đêm vẫn không kịp giao. Chỉ mong chiếc đèn truyền thống gia đình mình làm mang lại niềm vui cho mọi người vào dịp Trung thu”.

“Cái nghề theo mình từ thời trẻ, giờ già cùng nhau, thương lắm! Ra đường, cứ thấy người ta treo đèn ông sao là mình nhìn mãi, nghĩ lại từng công đoạn làm đèn rồi cười. Chỉ cần khách còn đợi đèn ông sao, mình sẽ còn làm”, chị Thu vui vẻ cho hay.