Gió núi

Gió gì mà gió dữ vậy không biết. 6 giờ chiều mà tự nhiên gió núi vù vù như sắp bão.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: VĂN TRỌNG
Minh họa: VĂN TRỌNG

Những chiếc áo khoác bay phần phật như bứt tung khuy nút mà tuột khỏi thân người. Nhóm của Hùng không đi tiếp nữa, phải ngồi xuống cột lại nón, giày, áo khoác. Có lẽ phải xuống núi chứ chẳng chơi.

*

Công trình xây dựng thì mãi chưa nhận được nơi nào làm lâu dài, mà nghề thợ hồ thì “bay khô/tiền ráo”. Câu “Một nghề cho chín…” đã không còn hữu hiệu trong thời điểm này nữa rồi. Không làm được nghề hồ, thì Hùng làm nghề sơn sửa - gia công cửa sắt, hàng rào sắt, mái hiên, xích-đu… Rồi nhận thêm công việc sửa chữa điện nước gia đình… Tập tễnh nhóm ba bốn thanh niên trẻ, góp đồ nghề cùng nhau. Đục, cưa, búa, kiềm cắt kiềm vặn, mỏ lết… Công việc bữa đặng bữa thất thu nhập chẳng đáng gì với người cha trẻ đang gánh vác gia đình như Hùng. Vậy rồi mấy chú mấy anh rủ anh em Hùng bám núi mà sống, chắc cũng qua được đận này. Núi cho mật ong, cho cây thuốc nam quý giá, cho cả cây cảnh hiếm có, cho luôn thằn lằn, ốc núi mà người ta gọi là “đặc sản”. Chỉ có điều thường phải “sống về đêm” với núi. Bởi đơn giản ban ngày bận làm công việc khác. Mà nắng ở núi thì nóng háp như món cánh gà áp chảo vậy. Nhiệt độ trên trời chan xuống, nhiệt độ từ đá tỏa ra, người đi săn núi chịu cùng lúc hai áp suất nhiệt thì dễ lả lắm. Vậy nên ngoài những đồ nghề của thợ săn núi, còn thủ thêm chai nước muối-đường mà bù điện giải.

Thợ săn núi nếu muốn săn ong, săn cây cảnh thì phải đi từ bốn giờ sáng nhé. Lúc ấy núi ít người, ít nắng mà cũng dễ bắt được sản vật hơn. Mật ong núi là những tổ ong trên cành cao cao, ít mật thôi nhưng mật đặc quánh và thoảng mùi thuốc nam. Vì ong núi hút mật hoa, lại toàn các hoa trên núi nên vị mật thơm mùi thuốc chứ không thoảng mùi đường như ong nuôi. Mật ong núi có giá triệu đồng một lít nhưng bảo đảm chất lượng khi dùng để bồi dưỡng người già, em nhỏ hoặc làm thuốc. Đi núi buổi sớm còn tìm được vài thế Phát tài núi độc lạ dáng “Ngũ phúc” hay “Tam tài” hoặc “Thất bảo” rất quý giá mà người chơi cây kiểng đều rất thích. Lại còn có những củ Thần thông to bằng bắp chân trồi lên mặt đất với da dẻ sần sùi và tiệp mầu đá núi rất khó phát hiện. Nhưng với con mắt tinh đời của “thợ săn núi” như Hùng thì một củ Thần thông như thế sẽ giúp người bệnh ổn định chứng tiểu đường, mỡ trong máu, gan nhiễm mỡ… mà bản thân người cha trẻ cũng có vài trăm nghìn nuôi con!

Thế nhưng đi săn núi không chỉ đi buổi sớm. Mà có thể đi từ 10 giờ đêm tới 5 giờ sáng nữa nhé. Lúc đó là “thời gian vàng” để câu thằn lằn và nhặt ốc núi đấy. Những con ốc núi to chỉ bằng đồng xu xưa nhưng có lớp vỏ cứng đập không bể, ném không nứt đấy. Chúng ăn những lá thuốc nam của núi như lá nàng hai, lá vông nem, lá nhãn lồng, lá sa kê… mùa nào lá nấy, nhiều tháng ngày tích tụ vào cơ thể nhỏ bé ấy để mang một dưỡng chất và vị thuốc bồi bổ sinh lực tuyệt vời cho con người. Ốc núi mầu nâu sẫm, hấp hoặc rang me, rang tỏi lên sẽ không nghe mùi tanh tanh của động vật, mà là thơm phức mùi đá núi, hương cỏ cây. Thế nhưng… không phải thợ săn nào cũng thành công và suôn sẻ khi săn ốc. Vì có người suýt bỏ lại một cánh tay, hoặc cả mạng sống khi đang nhặt ốc. Vì mình ăn ốc núi được thì rắn hổ cũng ăn được. Ốc núi cũng là món khoái khẩu của rắn hổ ấy. Lần đó Hùng vừa khom xuống nhặt cả nắm ốc thì cũng vừa lúc một cái đầu rắn hổ phóng tới!

*

Chuẩn bị đồ nghề rồi xe máy nổ giòn nhưng bỗng nghe vài cơn gió mang hơi lạnh nồng nực mùi đất bốc lên, Hùng bảo thằng em Út:

- Vô lấy thêm mấy cái áo mưa, chút nữa có mà mặc!

- Dễ gì anh Hai, trời trong veo mà mưa gió gì đâu!

- Đừng cãi tao, đêm nay có mưa đầu mùa đấy!

Hai chiếc xe máy cà tàng phi nhanh về hướng núi.

Họ không đi đường du lịch của khách bộ hành, mà bắt đầu gửi xe ở một vườn mãng cầu nơi chân núi. Rồi hai đôi chân khỏe mạnh trong những đôi giày vải phăm phăm nhảy qua từng tảng đá. Thằng Út năm nay mới 17, đang học lớp mười hai nhưng lớp cuối cấp nên tiền bạc cần nhiều quá, anh Hai lo không xuể, cha mẹ mất cả rồi, anh em nương tựa nhau, mà anh Hai Hùng thì còn có vợ và hai đứa con nhỏ xíu. Nên Út phải “ra quân” theo anh đi núi săn ốc kiếm tiền. Ốc núi Bà là một loại sản vật cho tới bây giờ vẫn hoàn toàn thuộc tự nhiên chứ chưa ai nuôi được.

Đêm nay gió ở đâu cứ thổi về sầm sập, những bước chân thợ săn núi cứ như bị gió xô ngã liểng xiểng dù cây gậy trong tay đã cố giữ thăng bằng lắm rồi. Thằng Út làu bàu, rằng phải chi đang ở trên đỉnh núi mà gặp gió vầy cũng không tức. Đàng này anh em mình chỉ ở chưa tới lưng chừng núi thôi, chiều cao đâu tầm 200 m tính từ chân núi mà sao đêm nay gió dữ vậy anh Hai.

- Tại mày mới đi vài lần nên thấy vậy, đi nhiều lần thì quen thôi!

Những chú ốc núi nãy giờ chui vào cái “ruột tượng” của anh em Út cũng khá nhiều, sức nặng đã trì níu từng bàn chân đang bước qua bao tảng đá. Cái đèn ló trên đầu Út hình như đã vài chục lần ngó xuống, cũng là bấy nhiêu chú ốc núi được nhặt lên cho vào bị. Mồ hôi không chảy được trong không khí lành lạnh của gió quất tứ bề.

*

Những giọt mưa đầu mùa đã bắt đầu rơi. Cái lạnh của đá núi, sương đêm trong tiết trời ngày càng khuya suốt mấy tiếng đồng hồ qua đã khiến thằng Út thấy gai gai lạnh. Vậy mà bây giờ còn lất phất mưa nữa chứ. Anh Hai của Út bảo lấy cái áo mưa trùm vô, mưa đầu mùa ấy mà, vài hạt như Long Vương hắt xì thôi rồi sẽ hết. Mà mưa vầy thì ốc núi ra ăn dữ lắm, đêm nay ít gì cũng được vài ký cho mà coi. Thằng Út lập cập lấy chiếc áo mưa mỏng như giấy ra. Giũ một cái, định trùm lên đầu và kéo xuống tận chân. Nhưng mà gió gì mà gió dữ quá, cứ phần phật rồi lại tạt ngang tạt dọc khiến cái áo trùm hoài chả qua được cái đầu.

Mưa bắt đầu nặng hạt rồi, dưới quầng sáng nhờ nhờ của bóng đèn ló đã xuất hiện vài sinh vật tròn như đồng xu đang bò chầm chậm ra khỏi các hốc đá. Một con, hai con, ba… con… bốn con… nhiều con…một bầy… To nhỏ gì cũng có, Út rú lên gọi anh Hai khi phát hiện cả đại gia đình ốc. Anh Hai Hùng lõi đời bụm chặt miệng thằng em, bảo mày im thì người ta hông biết mày đi săn ốc hả? Vặn cái đèn sạc to lên, lựa mấy con ốc to bỏ vô bị, con nhỏ bỏ lại cho nó sống, chứ lụm về cũng không bán được đâu! Mà nè, sao tắt đèn trên đầu vậy? Để cho nó sáng mà tránh “những thứ không mong muốn chứ”.

“Những thứ không mong muốn chứ” là thằng anh Hai tránh nói đến từ rắn hổ đấy! Vậy mà thằng em ngốc nghếch bảo “Là sợ rắn hả anh Hai?”.

Cuộc săn dừng lại sau khi anh em nhà Út nhặt mấy chục con ốc này, vì quả thật thằng anh sợ rắn. Loài không chân mang bạnh ấy rất có tánh linh, dân săn núi rất sợ, nhắc qua nhắc lại hai ba lần là sẽ gặp đấy. Huống chi anh Hai đã một lần nộp cái bàn tay cho nó rồi.

*

- Tay em vừa nhặt con ốc lên thì một cái đầu rắn hổ phóng tới. Em tránh kịp, nó mổ “cạch” vào đá. Em tưởng mình thoát rồi, dượm đứng lên rời đi nhưng bỗng tay lại đau nhói. Qua ánh đèn em phát hiện thêm một chiếc đuôi sọc trắng sọc đen bò chậm chậm. Thì ra hốc đá này là tổ ấm của chúng, chỉ là em tham nhiều ốc mà không suy nghĩ ra. Em chỉ kịp kêu “Dượng Chín ơi” rồi tắt tiếng.

Ông dượng đi chung biết có chuyện nên gọi mấy ông cùng chạy lại. Ông ga-rô, ông hút nọc, ông cạy miệng em đổ thuốc gia truyền nên em còn mạng tới ngày nay đó. Nhưng chỗ thịt rắn cắn đó bị hoại tử, thành cái sẹo lõm to bằng hạt sen nè anh “guột”.

Bàn tay Hùng xòe ra, chỗ da thịt dưới hai ngón trỏ - giữa khuyết xuống một lõm có thể ấn hạt sen vào cũng vừa. Tôi hỏi đau không? Hùng nói không, chắc lâu rồi nên quen, chỉ là mấy lúc lửa hàn táp qua thì nhói một chút thôi. Bàn tay kia lại xòe ra, tổng số 10 móng thì đã đến 8 móng cháy xém và quắp lại. Những ngọn lửa hàn đã nén chặt móng tay ghim vào da thịt mà không biết đến khi nào mọc lại mất rồi. “Không sao đâu anh “guột”, móng tay vầy khỏi mất công cắt. Mà cũng quen rồi hay sao á, em không thấy đau nữa”.

Gió chiều tràn qua bậc thềm, hắt hơi nước báo hiệu cơn mưa đầu mùa sắp đến. Hùng chạy qua chạy lại dọn mớ máy hàn, máy cắt, sắt vụn… để lấy chỗ cho xe lôi sắp về. “Bữa nay dượng Chín có cây phát tài dáng Ngũ phúc nhờ em bán. Thằng Út qua nhà dượng ấy chở cây về giùm em rồi. Cây này có người đặt hàng, giao xong em cũng “cò” được “ba trăm cành”. Ngoài đường, tiếng xe lôi tạch… tạch… tạch… đang dừng lại. Hùng mở rộng cửa rào cho xe chạy vô. Áo thằng em ướt đẫm, thông báo: “Mưa khúc cầu Đoạn Trần quá trời luôn anh Hai, gió quất muốn té xe, cái cây thì to hơn em nghĩ. Nặng tay lái muốn chết luôn. Lạnh quá… có gì ăn không anh Hai?”.

Gió của trời trong màn mưa đầu mùa quăng quật rú rít chắc không thua gì đỉnh gió trên lưng núi Bà của mỗi đêm mà anh em Hùng đều phải đầm mình. Tôi bày ra bàn món gà tre nướng muối ớt, lại mấy củ khoai lang cháy xém da thơm phức cũng dậy mùi cho bao tử réo. Thằng em trai của Hùng bới tô cơm nguội rõ to, bảo rằng em không uống, nhưng cho em ké cặp cánh gà để vững tay mà đi núi nha hai ông anh? Bình rượu mật ong ngâm nguyên tổ ong được Hùng mang ra, mùi thơm sực nức, mầu rượu vàng sóng sánh như nắng ban mai trên núi vào mỗi ngày sáng sớm.