“Giấc mơ” nội đô không còn xe máy

Để có thể dừng hoạt động xe máy trên địa bàn, Hà Nội đặt ra mục tiêu đến năm 2030, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) sẽ đáp ứng được từ 50% đến 55% số chuyến đi, giảm ùn tắc giao thông (UTGT), bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân… Đề án này là một giấc mơ mà nhiều đô thị trên thế giới theo đuổi. Có điều, theo nhiều chuyên gia, dù là mơ cũng cần phải dựa trên thực tế!

Hiện mỗi ngày Hà Nội có khoảng 12 triệu lượt đi lại, phương tiện chủ yếu là xe máy. Ảnh: LAM ANH
Hiện mỗi ngày Hà Nội có khoảng 12 triệu lượt đi lại, phương tiện chủ yếu là xe máy. Ảnh: LAM ANH

Kế hoạch dài hơi trong 13 năm

UBND thành phố Hà Nội vừa chính thức ban hành Quyết định số 5953/QĐ-UBND, chính thức phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông (PTGT) đường bộ nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường (ONMT) trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030”. Theo đó, với mục tiêu tăng cường quản lý PTGT đường bộ nhằm giảm UTGT và ONMT, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu đi lại và nâng cao chất lượng môi trường sống của nhân dân trên địa bàn, Hà Nội tập trung ưu tiên phát triển đồng bộ hệ thống VTHKCC để bảo đảm thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2020 đạt từ 30 % đến 35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 đạt từ 50% đến 55%.

Hà Nội cũng sẽ phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ các quy hoạch khác, đặc biệt là quy hoạch giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để đến năm 2030 bảo đảm tỷ lệ diện tích đất giao thông (DTĐGT) trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt từ 20% đến 26% cho đô thị trung tâm. Trong đó, DTĐGT tĩnh cần đạt từ 3% đến 4%.

Để đạt được những mục tiêu này, thành phố triển khai đồng bộ, linh hoạt các nhóm giải pháp. Theo đó, từ năm 2017 - 2018, Hà Nội sẽ chú trọng các giải pháp như: rà soát, điều chỉnh giờ học, giờ làm; thành lập trung tâm quản lý điều hành giao thông chung; khuyến khích các trường học tổ chức đưa đón học sinh bằng ô-tô phù hợp hệ thống VTHKCC... Từ năm 2017 - 2020, tập trung quản lý cả về số lượng, chất lượng PTGT. Ưu tiên áp dụng giải pháp hạn chế xe cá nhân lưu thông theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố thường xuyên xảy ra UTGT. Rà soát, thống kê số lượng xe máy hết niên hạn, kiểm tra khí thải; xây dựng đề án “giao thông thông minh”... Từ năm 2017 - 2030, từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030. Để có cơ sở triển khai, thành phố tiến hành rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới và lựa chọn phương tiện xe buýt phù hợp các tuyến đường, nâng cao chất lượng hiệu quả VTHKCC. Song song đó, Hà Nội nghiên cứu ban hành các quy định nhằm khuyến khích thu hút đầu tư các tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT), BRT, Mono rail, buýt… nhằm phát triển nhanh, đồng bộ. Đưa ra chính sách hỗ trợ khuyến khích sử dụng PTGT công cộng, đặc biệt là đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm góp phần giảm PTGT cá nhân.

Liệu có khả thi?

Một trong những nội dung quan trọng, được dư luận quan tâm nhất của Đề án là lộ trình hạn chế xe máy trên địa bàn Thủ đô vào năm 2030. Đây là quyết định sẽ ảnh hưởng cuộc sống của hàng triệu người dân, trong đó phần lớn là người lao động thu nhập thấp.

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, người có 40 năm nghiên cứu về giao thông đô thị, hiện mỗi ngày Hà Nội có khoảng 12 triệu lượt đi lại, đến năm 2030 ước tính đạt 15 triệu lượt đi lại. Nếu cấm xe máy vào năm 2030, sẽ có khoảng 10 triệu lượt đi lại không có PTGT. Để lấp đầy 10 triệu lượt đi lại này, Hà Nội phải có trong tay 4.000 xe buýt, 80 - 100 km tàu điện ngầm hoặc tàu điện trên cao. Ngoài những xe buýt cỡ lớn, cũng cần có hệ thống những mini buýt có thể đi vào ngóc ngách để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Do đó, 13 năm nữa, câu chuyện cấm xe máy vẫn sẽ là một chủ trương thiếu thực tế, mang tính chất cưỡng bức. Cấm xe máy chỉ có thể thực hiện khi đã phát triển xong hệ thống VTHKCC một cách thật sự thuận lợi. Bên cạnh đó là phát triển giao thông phi cơ giới như hệ thống cầu vượt dành cho người đi bộ, cung cấp dịch vụ xe đạp... Ngoài sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ các cơ chức năng thì đây là một mạng lưới cần đầu tư lớn với chi phí lên tới hàng chục tỷ USD.

“Thời gian qua, chúng ta đã mất rất nhiều năm để xây dựng một tuyến ĐSĐT mà đến nay… vẫn chưa hoàn thành. Đến năm 2030, chỉ còn khoảng 13 năm nữa mà chúng ta hy vọng tại thời điểm đó có vài chục đến hàng trăm km ĐSĐT là điều thiếu thực tế! Giao thông công cộng (GTCC) của Hà Nội hiện chỉ đảm nhiệm được 8% đến 10% nhu cầu đi lại, với tốc độ hiện nay, 13 năm nữa cũng chỉ có thể tăng lên 20% đến 25%…”, ông Nguyễn Xuân Thủy khẳng định.

Bình luận về những con số mục tiêu mà Hà Nội đặt ra, PGS, TS Vũ Thị Vinh, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam, cho rằng, một loạt các chỉ tiêu Hà Nội đưa ra đều vô cùng khó thực hiện. Để có thể làm được thì không chỉ cần một quyết tâm chính trị lớn mà còn phải huy động được nguồn vốn đầu tư khổng lồ. Hiện nay, DTĐGT ở khu vực trung tâm mới chỉ đạt hơn 10%. Đến năm 2030, để nâng tỷ lệ lên từ 20% đến 26%, tức là phải mở đường, đồng nghĩa với việc phải di dời rất nhiều nhà dân hoặc xây dựng một loạt đường trên cao, đường đi ngầm. Với VTHKCC, để có thể đảm đương từ 50% đến 55% thị phần chuyến đi của người dân, Hà Nội sẽ phải hoàn thành ít nhất tám tuyến ĐSĐT, tám tuyến BRT. Vậy nhưng cứ nhìn vào tốc độ xây dựng các tuyến BRT, Metro hiện nay thì chưa thấy căn cứ nào để “giấc mơ” nội đô không còn xe máy năm 2030 của Hà Nội thành hiện thực!