Giá trị của trải nghiệm

Mất cha từ khi còn nhỏ, Hi-rô Ma-si-ma (Hiro Mashima) thừa kế một ước mơ dang dở. Ước mơ ấy là trở thành họa sĩ chuyên nghiệp. Nhưng, thay vì đến trường lớp học một cách bài bản, anh lại bỏ ngang…

Giá trị của trải nghiệm

“Trường học không thể dạy tính chuyên nghiệp”

Hiro Mashima sinh năm 1977 tại một vùng núi thuộc tỉnh Na-ga-nô (Nagano). Thời thơ ấu của anh gắn liền với truyện tranh (manga - một sản phẩm văn hóa đặc trưng Nhật Bản). Mỗi ngày, ông nội đều mang về những tấm hình, những cuốn truyện. Đọc xong, Hiro thử vẽ phác lại từng khung hình, từng nhân vật. Hiro chia sẻ: “Theo như tôi nhớ, từ khi còn bé, tôi đã luôn muốn mình làm một họa sĩ”. Bộ truyện tranh chắp cánh cho ước mơ ấy, theo anh tiết lộ, chính là Bảy viên ngọc rồng.

Nhưng ước mơ đó không chỉ là của một mình Hiro. Cha anh cũng từng mơ như thế, nhưng ông lại qua đời khi còn quá trẻ. “Tôi muốn trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp không chỉ vì bản thân, mà còn muốn biến giấc mơ của ông ấy thành hiện thực nữa”, Hiro hồi tưởng.

Ban đầu, Hiro cũng nghĩ giống mọi người: Muốn trở thành một họa sĩ vẽ truyện tranh thì phải tới trường học bài bản. Vậy nên sau khi tốt nghiệp trung học, anh đăng ký vào một trường hội họa. Nhưng rồi chỉ sau một thời gian ngắn, Hiro nhận ra trường học không phải là nơi phù hợp để nuôi dưỡng hoài bão của mình: “Trường học chỉ dạy toàn những thứ cơ bản. Vì thế tôi bỏ học, để tự học bằng trải nghiệm”.

Bỏ học, Hiro không còn phải gò ép mình theo khuôn mẫu nữa. Thay vì đến trường, hằng ngày anh xem hết bộ phim này tới bộ phim khác. Chính những bộ phim ấy giúp cho anh học được rất nhiều về cách tạo khung hình, cũng như vẽ nhân vật theo từng góc độ.

Năm 1998, anh vẽ tập truyện 60 trang gửi tới Cô-đan-sa (Kodansha), nhà xuất bản lớn nhất nước Nhật. Cốt truyện từ chính cuộc đời Hiro đã khiến các biên tập viên chú ý, và họ khuyên anh nên đem nó tới cuộc thi dành cho những họa sĩ nghiệp dư.

Kết quả ngoài mong đợi, tập truyện của Hiro giành giải nhất. Kodansha nhanh chóng nhận xuất bản tập truyện đầu tay của anh, đồng thời gửi các biên tập viên tới hỗ trợ, góp ý cho anh về việc chuyển tập truyện ngắn này thành loạt truyện dài. Từ một họa sĩ trẻ vô danh không bằng cấp, tên tuổi Hiro Mashima bắt đầu vụt sáng.

Giả tưởng từ đời thực

Một năm sau thành công bước đầu ấy, Hiro chính thức trở thành họa sĩ chuyên nghiệp. Khởi đầu không thể tốt hơn cho một họa sĩ trẻ mới 22 tuổi: Tập truyện đầu tay của anh, Thanh kiếm biến hình (Rave Master) được phát hành trên Tuần san Thiếu niên Nhật Bản. Đây cũng là tạp chí có doanh số lớn nhất của nhà xuất bản Kodansha.

Ban đầu, Hiro chỉ định kéo dài bộ truyện hành động giả tưởng này trong 2-3 năm. Nhưng Rave Master thật sự trở thành hiện tượng trên toàn thế giới. Bộ truyện còn được chuyển thể thành hai game ăn khách và loạt phim hoạt hình dài 51 tập. Và nó được kéo dài tới sáu năm.

Thông thường, sau khi kết thúc một bộ truyện, các họa sĩ sẽ dành thời gian cho bản thân nghỉ ngơi. Nhưng Hiro thì không. Rave Master kết thúc, anh vẫn tiếp tục vẽ một số bộ truyện ngắn trước khi âm thầm trở lại với một sê-ri truyện mới: Hội pháp sư thần tiên (Fairy Tail).

Nếu ví Rave Master như một quả bom thì Fairy Tail là “bom nguyên tử”. Ra mắt 11 năm trước, Fairy Tail vẫn đang tiếp tục ra chương mới mỗi tuần. Bộ truyện còn phát hành riêng một nguyệt san dành cho cộng đồng fan. Tên tuổi Hiro nổi tiếng trên toàn thế giới, và anh thường xuyên nhận những lời mời giao lưu cùng các độc giả Fairy Tail khắp năm châu.

Mọi nhân vật trong truyện tranh của Hiro đều được anh xây dựng, khắc họa từ những người anh biết ngoài đời thực. Đó có thể là bạn bè, một biên tập viên, hoặc một đồng nghiệp. Tự bản thân Hiro thấy anh rất giống cậu bé Nát-su (Natsu), nhân vật chính trong Fairy Tail: Ham ăn, nhưng... sợ độ cao và sợ máy bay.

Người hâm mộ còn để ý tới một chi tiết: Nhân vật chính trong Rave Master và Fairy Tail đều không có cha. Hiro mất cha từ khi còn nhỏ, và luôn gặp khó khăn khi tưởng tượng về hình ảnh của ông. Và anh chọn cách khác: “Trong những bộ truyện tôi vẽ, tôi không bao giờ giới thiệu về cha mẹ nhân vật. Tôi giữ cho hình ảnh người cha trong những bộ truyện ấy luôn mang màu sắc bí ẩn. Dần dần, nhân vật chính sẽ khám phá từng mảnh ghép một về người cha của mình”.

Giá trị của trải nghiệm ảnh 1

Người truyền cảm hứng

Theo thời gian, công việc của Hiro ngày càng bận rộn. Ban đầu anh chỉ làm việc năm ngày mỗi tuần. Nhưng kể từ khi Fairy Tail ra tạp chí riêng hằng tháng, anh phải tăng lên thành sáu ngày. Mỗi ngày anh cùng sáu trợ lý làm việc không dưới 17 tiếng.

Hiro “luôn ngủ bất cứ lúc nào có thể”, thậm chí trên bàn làm việc. Những ý tưởng phát triển bộ truyện có thể đến bất cứ lúc nào, từ cuộc trò chuyện cùng các trợ lý đến lúc... ngồi trong nhà vệ sinh. Anh pha trò: “Tôi thích nghĩ đấy là niềm cảm hứng từ thiên đường”.

Trở thành một họa sĩ nổi tiếng cũng có mặt trái. Năm 2008, Hiro từng nói “công việc khiến tôi không gặp được con gái nhiều như tôi muốn”. Theo lời Hiro, cô bé sinh năm 2006. Đó cũng gần như là lần duy nhất anh nói về gia đình. Không ai biết vợ và con anh là ai cả.

Bây giờ, Hiro còn kiêm luôn săn lùng tài năng trẻ. Anh coi đó là nghĩa vụ của một họa sĩ chuyên nghiệp: “Tôi muốn có các trợ lý nghiêm túc. Tôi không muốn làm việc với những người chỉ mong kiếm được chút tiền từ công việc này”.

Rất nhiều trợ lý của Hiro tiếp bước anh. Đáng chú ý nhất trong số họ là Mi-ki Yô-si-ka-oa (Miki Yoshikawa), người đã hoàn thành hai sê-ri truyện dài tập trong 11 năm qua. Cả hai đều là những bộ truyện tranh ăn khách phát hành hơn một triệu bản chỉ tính riêng tại Nhật Bản.

“Khi họ nói về dự định riêng và muốn nghỉ làm trợ lý, tôi cảm thấy rất buồn, nhưng cũng rất vui cho họ”, Hiro nói. Anh vẫn thường chia sẻ bộ truyện mới của các trợ lý cũ lên tài khoản Twitter cá nhân, chúc mừng họ và dành lời khen ngợi. Anh cũng chẳng từ chối hợp tác với những kế hoạch mới của họ.

Và với anh, mấu chốt của thành công luôn gắn với những trải nghiệm: “Điều quan trọng nhất là bạn phải có đam mê. Bạn phải yêu truyện tranh, nhưng thế là chưa đủ. Thay vì lúc nào cũng thử ngồi vẽ, hãy tìm những nguồn cảm hứng khác từ TV, phim truyện, trò chơi, sách... Bằng cách đó, bạn sẽ có đủ những trải nghiệm cần thiết”.