Gác bỏ bất đồng

Những thỏa thuận hợp tác mới thay thế cho các mâu thuẫn là xu thế chung tuần qua, nhằm hướng tới một thế giới đại đồng.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Mỹ Joe Biden bác bỏ Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden bác bỏ Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc.

1. Tổng thống Mỹ Joe Biden bác bỏ Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc, sau cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông Biden và ông Tập Cận Bình, trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh được coi là ở mức thấp nhất suốt nhiều thập niên. Về mối đe dọa vũ khí hạt nhân, Tổng thống Mỹ nói rằng hai nhà lãnh đạo "tái khẳng định niềm tin chung về mối đe dọa, nơi việc sử dụng vũ khí hạt nhân là hoàn toàn không thể chấp nhận được".1.

Tổng thống Biden cho rằng, Washington và Bắc Kinh sẽ không thể giải quyết tất cả mọi việc, nhưng hai nhà lãnh đạo đã đồng ý thiết lập các cuộc họp cấp cao để thảo luận về các vấn đề căng thẳng trong mối quan hệ. Nhà trắng cho biết các vấn đề khác mà Mỹ và Trung Quốc sẽ làm việc cùng nhau bao gồm xóa nợ, an ninh y tế và an ninh lương thực. Việc nối lại hợp tác về khí hậu diễn ra (sau khi hai nước ngừng hợp tác về vấn đề này hồi đầu năm) là rất đáng chú ý vì Trung Quốc và Mỹ lần lượt là những nước phát thải khí nhà kính lớn thứ nhất và thứ hai trên thế giới.

2. Nỗ lực ứng phó các đại dịch trong tương lai, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ra mắt Quỹ phòng đại dịch của G20 do Indonesia và Italy làm đồng chủ tịch. Tổng thống Indonesia Joko Widodo dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2022 cho thấy: Hằng năm, thế giới cần khoảng 31,1 tỷ USD để ngăn chặn và phòng ngừa đại dịch. Do đó, việc xây dựng và phát triển một nguồn kinh phí nhằm ứng phó với nguy cơ này là rất thiết thực.

Theo ông Joko Widodo, Quỹ phòng đại dịch hiện đã quyên góp được 1,4 tỷ USD từ các khoản ủng hộ của 17 quốc gia thành viên và không phải thành viên của G20, cùng ba tổ chức từ thiện quốc tế. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã đóng góp khoảng 450 triệu USD, trong khi Italy đóng góp 102 triệu USD, còn Indonesia ủng hộ 50 triệu USD. Quỹ sẽ được giải ngân vào đầu năm 2023. Đây là lần đầu các quốc gia trên thế giới cùng tham gia củng cố "kiến trúc y tế" toàn cầu theo những bước cụ thể.

3. Tại Thủ đô Paris, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin và người đồng cấp Anh Suella Braverman đã ký thỏa thuận trị giá 72,2 triệu euro (74,5 triệu USD) nhằm tăng cường nỗ lực chấm dứt dòng người di cư bất hợp pháp qua eo biển Manche. Theo thỏa thuận, Pháp sẽ tăng 40% lực lượng tuần tra bờ biển ở miền bắc nước này trong những tháng tới nhằm ngăn chặn các đối tượng buôn người. Cảnh sát Anh cũng sẽ triển khai cùng các đồng nghiệp Pháp trên cả thực địa nhằm tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin.

Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng sẽ tăng cường an ninh tại các cảng thông qua đầu tư công nghệ giám sát, thiết bị bay không người lái, chó nghiệp vụ và máy bay trực thăng để giúp phát hiện và ngăn chặn các vụ vượt biển, cũng như hỗ trợ các trung tâm tiếp nhận và hồi hương tại Pháp dành cho người di cư bị ngăn chặn trước khi đến Anh. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 40.000 người vượt qua eo biển Manche trên những chiếc thuyền nhỏ, buộc chính quyền của tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak phải nỗ lực nhiều hơn nhằm ngăn chặn dòng người di cư này.

4. Bộ trưởng Thể thao bốn nước Nam Mỹ gồm Argentina, Chile, Uruguay và Paraguay đã chính thức ký thỏa thuận liên kết và quy chế hoạt động của liên danh "Corporacion Juntos 2030" để ứng cử đồng đăng cai Vòng chung kết World Cup 2030. Các nước Nam Mỹ mong muốn đưa sân chơi World Cup trở lại khu vực này đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh được tổ chức.

Gác bỏ bất đồng ảnh 1
Sân Centenario của Uruguay - nơi tổ chức trận chung kết World Cup đầu tiên năm 1930.

Hiện bốn nước Nam Mỹ đang nghiên cứu đề xuất tổ chức các trận đấu World Cup 2030 tại 18 sân vận động, trong đó có sân Centenario của Uruguay - nơi tổ chức trận chung kết World Cup đầu tiên năm 1930. Ông Milad cho biết: Mặc dù cơ sở hạ tầng tại Nam Mỹ không thể so sánh được với châu Âu, song điều đó sẽ không cản trở các nước trong khu vực này nỗ lực cải thiện ngay từ giờ để đáp ứng các quy định của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA). Quyết định cuối cùng về việc lựa chọn nước chủ nhà World Cup 2030 sẽ được FIFA đưa ra vào năm 2024.