Đương đại từ… truyền thống

Công trình thiết kế Bảo tàng và Đền thờ Đạo Mẫu của kiến trúc sư Nguyễn Hà, Văn phòng kiến trúc ARB Hà Nội, vừa giành giải thưởng kiến trúc quốc tế Moira Gemmill 2024 đã một lần nữa minh chứng cho một thực tế: truyền thống, từ những biểu hiện cụ thể của vật chất cho tới tinh thần, triết lý hoàn toàn có thể là chất liệu cho mọi lĩnh vực sáng tạo hôm nay.
0:00 / 0:00
0:00
Tường xếp bằng ngói cũ tại Bảo tàng và Đền thờ Đạo Mẫu. Ảnh: Triệu Chiến
Tường xếp bằng ngói cũ tại Bảo tàng và Đền thờ Đạo Mẫu. Ảnh: Triệu Chiến

Kiên định và bền bỉ

Giải thưởng Moira Gemmill (Moira Gemmill Prize), ra đời năm 2015, thuộc hệ thống giải thưởng kiến trúc thường niên của hai ấn phẩm chuyên biệt về kiến trúc hàng đầu tại Vương quốc Anh, The Architectural Review (xuất bản từ năm 1896) và Architects’ Journal (xuất bản từ năm 1895). Giải thưởng này dành cho công trình của các nữ kiến trúc sư triển vọng, dưới 45 tuổi, trên toàn thế giới. Giải được mang tên một nhân vật nữ rất có ảnh hưởng trong giới nghệ thuật ở Vương quốc Anh nhưng không may qua đời vì tai nạn giao thông: bà Moira Gemmill (1959-2015), từng là phụ trách thiết kế và triển lãm tại Bảo tàng London (The Museum of London) và giám đốc thiết kế tại Bảo tàng Victoria và Albert (Victoria and Albert Museum).

Số tiền thưởng không quá lớn, khoảng 10.000 euro, nhưng danh tiếng của giải thưởng là sự động viên và khuyến khích lớn đối với tác giả công trình, cổ vũ họ kiên định với hành trình sáng tạo cá nhân. Khó khăn nhất trong sáng tạo của một kiến trúc sư là vừa làm thế nào để công trình đáp ứng yêu cầu của khách hàng về thẩm mỹ và công năng sử dụng cũng như sự thuận lợi cho quá trình duy tu sau này, vừa bảo lưu quan điểm thiết kế của cá nhân.

Kiến trúc sư Nguyễn Hà nổi tiếng trong giới kiến trúc đương đại Việt Nam về sự cực đoan. Chỉ có hai trong số hàng chục thiết kế của chị được khai triển thành công trình trong thực tế, minh chứng phần nào qua trưng bày 24 mô hình dự án bị từ chối của chị và cộng sự tại Hà Nội năm 2022. Nhưng Nguyễn Hà không nản lòng. Từ việc hài lòng với lựa chọn chất liệu chính là ngói đã qua sử dụng của kiến trúc sư, chủ đầu tư công trình Bảo tàng và Đền thờ Đạo Mẫu đã dành thời gian đi sưu tầm ngói dỡ từ hàng trăm ngôi nhà cũ ở quanh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Từng viên ngói lợp mái nhà được chuyển dụng công năng, xếp thành tường bao, tường công trình, có thể giúp lấy sáng tự nhiên vào bên trong công trình, lại giúp cách âm và cách nhiệt tốt, không cần dùng đến máy lạnh trong mùa hè nóng ẩm ở miền bắc. Kiến trúc sư đã tìm ra cách trò chuyện với những người thợ xây ở địa phương để cùng họ phát triển kiểu xếp ngói thành những khung tường dày hàng chục cm đẹp mắt.

Theo Tạp chí The Architectural Review, Ban giám khảo giải thưởng nhận xét về tác giả công trình: "Nguyễn Hà thấy được những thứ vốn không hữu hình". Họ đánh giá cao cách mà chị "bảo tồn những phương pháp thủ công quan trọng nhờ sự kiên cường và kiên trì".

Đương đại từ… truyền thống ảnh 1

"Những đêm" được giới thiệu tại trưng bày đầu tay của Linh San, năm 2022. Nguồn: Á Space

Truyền thống luôn ở đây

Trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, như nghệ thuật đương đại chẳng hạn, gần đây, không ít nghệ sĩ trẻ cũng đã như "tìm thấy mình" trong truyền thống.

Họ chuyển dụng những bức họa cổ thành chất liệu và một phần nội dung tác phẩm để kể câu chuyện đương đại. Họ chuyển đổi "chức năng" của nhiều hiện vật cổ thành thành tố của nghệ thuật đương đại. Lại có người thể nghiệm chuyển dụng những họa tiết trên gốm cổ Chu Đậu, Bát Tràng thành những "bức họa" trên gốm thấm đượm dư vị của những suy tư, những trăn trở giữa chộn rộn đời sống hôm nay.

Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Duy Mạnh đã từng đi qua nhiều lò nung gốm ở làng gốm cổ Bát Tràng mà không nhận được cái gật đầu đồng ý hợp tác nung tác phẩm của anh, vì "họ không hiểu tôi đang làm cái gì". Anh nhận ra sự chia sẻ chân thật với người thợ làng nghề truyền thống về điều anh muốn làm với gốm hôm nay là rất quan trọng. Cuối cùng, đã có ít nhất là một người nghe anh, hiểu anh hơn rồi nhận lời làm việc cùng anh. Thấm hiểu kỹ thuật và ý nghĩa của những kỹ thuật tạo tác trong truyền thống gốm sứ Việt Nam, Nguyễn Duy Mạnh như khơi thông được dòng chảy sáng tạo của cá nhân anh. Từ vài năm nay, tác phẩm của anh được hiện diện trong nhiều không gian triển lãm nghệ thuật đáng chú ý ở trong nước, gần đây nhất là tại tổ chức nghệ thuật The Outpost tại Hà Nội với triển lãm "Alice ở đường hầm thời gian", từ ngày 30/1 đến 3/3 và được kéo dài thêm bảy tuần vì sự quan tâm của đông đảo công chúng.

Ngay sau triển lãm cá nhân đầu tiên, tác phẩm "Những đêm" (năm 2022) của nghệ sĩ trẻ Linh San được Quỹ nghệ thuật đương đại The Nguyễn Art Foundation (Thành phố Hồ Chí Minh) sưu tập. Hơn 1.000 phân mảnh đơn vị trong tác phẩm này thể hiện những trạng thái khác nhau của giấy, kể câu chuyện gửi thư tới người cha đã khuất của chính tác giả… Nhưng thư mà như không phải thư vì không còn mặt chữ nào hiện diện, chỉ có tờ giấy trắng nguyên hoặc phẳng phiu, hoặc bị vò, rách, cong vênh, cuộn lại… đầy xúc cảm. Nghệ sĩ đã học hỏi rất nhiều từ những người thợ gốm Bát Tràng về kỹ thuật làm hoàn toàn bằng tay được những bản xương đất mong manh, tương tự tờ giấy thật, rồi đến nhúng men và nung làm thế nào để sau lửa, nhưng trang giấy-gốm vẫn chuyển tải được vẹn nguyên thông điệp nghệ thuật. Linh San cho biết, chị đã học ngôn ngữ làm nghề của người thợ, từ cách gọi tên kỹ thuật, tên chất liệu, tên các mẹo trong nghề… và sử dụng tốt ngôn ngữ ấy để diễn giải mong muốn của mình. Nhờ vậy, người thợ sẽ hiểu và hỗ trợ nghệ sĩ thể hiện được đúng nhất ý đồ, tinh thần của tác phẩm.

Truyền thống luôn ở đây, gần gũi, lặng thầm. Chỉ cần mỗi người sáng tạo quan sát kỹ hơn, ngẫm ngợi sâu hơn, và nuôi khát vọng vượt qua những giới hạn cá nhân, tự khắc sáng tạo của họ sẽ bắt nhịp được với bao điều gần gũi, lặng thầm ấy theo cách không ngờ