Dưới bóng xanh có đôi mắt đẹp

Ngẩn ngơ dưới cây tếch đầu bản, Lương như người bị bắt mất hồn. Chân anh chạm vào những vụn li ti trắng như sữa của hoa tếch. Hương đào núi đã phảng phất trong gió. Hoa đào không biết lòng Lương đang bồn chồn đợi chờ.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: NGUYỄN VĂN ĐỨC
Minh họa: NGUYỄN VĂN ĐỨC

Anh giật mình khi nghe tiếng bà Tơi gọi. Bà là bà ngoại của Chiên, cô gái dệt giỏi nhất nhì bản đang đi vắng. Mà cô đi đâu, bà Tơi cũng không rõ, làm sao Lương biết được cô xảy ra chuyện gì. Hay là Chiên theo người đàn ông có cặp kính dày cộp lần về đây du lịch? Lương mong ngóng tin cô dưới bóng cây lồng lộng, bao đời làm chứng cho những cặp đôi yêu nhau. Đôi mắt Chiên trong veo như con suối xứ Mường. Dáng Chiên thanh thoát như vạt lụa xứ Mường. Chiên hứa chỉ tắm nước quê mình, sẽ cùng Lương làm lụng, sinh con đẻ cái, làm cho nghề dệt bản mình nhiều người biết đến. Trước khi đi, Chiên còn nói với Lương: “Em phải làm cho bản mình giàu nhờ nghề dệt, nhưng đến giờ chưa nghĩ ra”. Hay là Chiên không muốn trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt vải nữa?

- Bà ơi, vẫn chưa có tin tức gì của Chiên ư? Chắc bà nhớ Chiên lắm. Nghe tiếng gió dội từ đỉnh núi xuống là trời sắp ấm, cũng như mọi năm thôi, nhưng mà trống trải quá!

Bà Tơi đi nhanh nhưng hơi còng. Sự đi vắng của Chiên làm lưng bà còng hơn. Lương hỏi mà như hỏi chính mình, dồn dập, gấp khúc, đầy tâm trạng.

- Lương à, hãy cứ về sửa soạn đi. Có thể nó sẽ về đấy. Bà không biết tin nó. Bố nó gọi điện mà có được đâu, nhưng bà tin nó sẽ về.

- Cháu mong đến rụng tay rụng chân rồi đây bà.

Giọng bà vẫn vang như suối Pằng Nải. Bà Tơi đi rồi, bà về phải dệt nốt tấm vải khách dưới xuôi đặt. Họ nói dịp tới sẽ lên thăm. Bao giờ cũng thế, bà luôn háo hức khi có người dưới xuôi lên. Phải thôi, ở bản Mường này, cả vùng núi heo hút, đang cố gắng chuyển mình nhưng cái sự chuyển mình ấy vẫn chưa như cánh hoa nở mùa xuân, chưa ngọt như quả cam trên núi Tấu, nên còn nghèo. Vì nghèo nên nhiều cô gái bản không dệt vải nữa. Các cô không mặc áo pắn, chẳng thích trang trí khăn thắt ở eo và đồ trang sức nữa. Các cô muốn uống nước thị thành, ăn cơm thành phố. Ngay cả Lương cũng mong chờ người dưới xuôi, như thể mỗi lần họ đến sẽ mang một thứ ánh sáng khác vào vùng đất vẫn lờ mờ tối và hoang lạnh. Có lúc Lương cũng tự hào, rằng nơi này thanh bình, chẳng đua chen, nên người ta phải tìm đến đây để trải nghiệm, hít thở luồng khí trong lành mát rượi chưa nhuốm mùi ô nhiễm. Nên Lương đã làm nhà sàn, theo chính quyền vận động họ hàng mình tôn tạo nhà sàn, làm dịch vụ homestay. Khách thường chỉ dừng chân nơi đây vài ngày rồi đến vùng đất khác, hiếm người ở lại một tuần. Bố Lương còn giữ bộ chiêng quý cùng những kỷ vật của một thời mà bây giờ người Mường không dùng nữa, làm phòng trưng bày. Nhờ thế mà khách có cái cớ để hỏi, tìm hiểu. Bố Lương là người nhớ và thích kể những câu chuyện về quê hương, xứ Mường, về bộ sử thi “Đẻ đất đẻ nước” mà ông đã đọc và nhớ. Chiên là cô gái được kỳ vọng sẽ làm xứ này khác đi với sự tháo vát, và năng dệt vải. Từ hôm người trong bản bàn tán chuyện Chiên đi sẽ không về, ông buồn hẳn. Nhưng ông không trách ai.

*

Lương có người tìm. Đúng hơn là nhà anh có khách hỏi thăm về người có thể kể được sử thi. Vị khách nữ có đôi mắt sáng như pha lê. Cô thuê xe ôm từ trung tâm huyện chạy vào đây. Chiếc khăn hồng càng tăng thêm vẻ duyên dáng. Nhìn cách nói của cô, Lương đoán cô đang tâm trạng.

Cô tên Huyền. Lương vẫn giữ thói quen xưng “em” với khách, dù người đó nhiều hay ít tuổi hơn. Cô gái đòi anh phải sửa lại. Cô thoải mái, xông xênh như nhiều người từng đến đây. Vừa mới nhận phòng, cất đồ, Huyền đã lăn vào những ngõ ngách chụp choẹt, chơi với trẻ con, ngó nghiêng những khung dệt với những người còn miệt mài với công việc. Tối đó, chờ cơm bên bếp lửa bập bùng, Huyền hỏi ghita. Cũng may năm trước Lương xuống thành phố sắm một chiếc, phòng khách hỏi, chứ anh đâu biết chơi. Người Mường có hai bếp, bếp gian khách chỉ dùng để sưởi, bếp gian trong nấu ăn. Mâm cơm được dọn ra bên bếp lửa, Huyền cùng cả gia đình Lương quây quần, ăn uống, sưởi ấm, trò chuyện. Khách đến bản thường muốn đặt riêng. Huyền khác, cô muốn nghe thêm những câu chuyện xứ này.

- Chắc đây là lần đầu có người xin nghỉ lại lâu lâu, phải không anh?

Lương dừng đũa:

- Thi thoảng vẫn có đấy cô gái ạ. Đó là những người đã chán đón xuân miền xuôi. Còn Huyền, vì sao…?

Huyền là người biết gợi chuyện, tạo sự hồi hộp, cô hẹn ăn cơm xong, chơi ghita một chút nữa, cô sẽ nói lý do. Bếp lửa bập bùng. Hơi sương lành lạnh tràn vào, mang theo cả làn hương của cây mận, cây đào trước sân. Huyền nói rằng, mình đang khao khát chuyển đổi công việc, một việc không gò bó, cho những trải nghiệm. Ở công ty, sự trói buộc, ngột ngạt với cả đống văn bản phải giải quyết mỗi tuần làm cô nhàm chán, đồng lương lại eo hẹp. Cô đã cố “xê dịch” vào những ngày cuối tuần. Năm nay, cô dồn ngày nghỉ phép để có rộng rãi một tuần chu du vùng cao. Sự nhạy cảm của Lương mách bảo, Huyền đang trốn chạy một thứ gì đó. Lương chợt nhớ đến Chiên. Chiên đi tìm gì ở ngoài ồn ào phố thị xa xôi?

*

Tối thứ ba bên bếp lửa, Huyền càng tự nhiên hơn. Lương nhận ra đôi mắt Huyền giống cặp mắt của Chiên, người yêu anh. Cô còn trêu bố Lương: “Bác có anh Mường nào ở đây, cho cháu lấy làm chồng?”. Bố Lương cười. Người như cô làm sao dám ở nơi xa xôi heo hút thế này. Ông chạnh nghĩ đến Chiên. Nếu nó cũng vì cuộc sống xa hoa mà bỏ mảnh đất này… Ông không muốn nghĩ nữa nên đi nằm sớm, nhường không gian cho những vị khách trẻ đang làm quen với Huyền, cùng con mình trò chuyện. Người Mường ít khi để bếp tắt. Nếu không đun nấu thì sẽ ủ than dưới lớp tro, khi cần chỉ thổi lên là lửa bén. Vì thế bếp luôn có hơi ấm. Huyền uống hơi nhiều. Cô cũng nói nhiều hơn những đêm trước. Hôm sau, cô cho Lương xem một đoạn nhật ký, chỉ một đoạn thôi. Lương hiểu được, Huyền và chồng cô từng rất yêu nhau. Bây giờ Huyền không còn thấy những mặt tốt đẹp của chồng ngày trước đẹp nữa. Cô đòi hỏi nhiều hơn mà anh thì không thể. Nên cuộc sống có những xô xát. Thêm công việc căng thẳng, áp lực nên cô muốn phá bĩnh. Chuyện của Huyền có giống chuyện của Chiên không? Chiên và Lương yêu nhau. Điều đó cả bản đều biết. Đôi bên đã làm lễ ướm hỏi rồi, chỉ chờ dạm ngõ, ăn hỏi, rồi ngày lễ cưới. Lương cảm thấy Chiên cũng không hài lòng cuộc sống hiện tại. Nghề dệt vất vả mà thu nhập không cao. Cái mô hình homestay trồi sụt. Cô cần một cuộc sống khác, tốt hơn chăng. Sương ùa vào khe cửa, gió rít mạnh. Huyền và những vị khách trở về phòng. Ngày mai nhóm khách sẽ trả phòng, chỉ còn Huyền ở lại. Đột nhiên Lương thấy xốn xang, man mát. Không biết mai Chiên có về?

*

Gần trưa, Lương ngồi dưới tán cây tếch thì Chiên về. Lương chạy ào ra đón. Anh hỏi nhiều, hỏi liên tục, vì sao đi miết, không liên lạc về làm mọi người lo. Lương theo Chiên về nhà chào bố mẹ. Hàng xóm ào đến. Bố mẹ cô xăng xái nước nôi. Ai cũng tò mò về cô gái đột nhiên bảo về phố, rồi không liên lạc, đến giờ mới về. Thì ra mọi người đã nghĩ sai về Chiên. Cô không bám theo người đàn ông khác để hưởng cuộc sống sung sướng, mà đi tìm cách để thuê một cửa hàng ở phố để giới thiệu lụa, vải của bản. Phải làm thương hiệu bản vươn xa. Lại những câu hỏi được đặt ra. Chiên kể, người đàn ông mà ai cũng nghĩ đã cướp mất hồn Chiên là người tốt. Chiên từng nghĩ ông ta sẽ lợi dụng mình. Nhưng không, chính ông đã dẫn cô tìm gặp đối tác, ngắm nơi để thuê cửa hàng giới thiệu… Tất cả những việc đó ông làm chỉ vì quý, thế thôi, không điều kiện.

Còn vì sao Chiên không liên lạc? Không. Chiên vẫn nói chuyện với bố mẹ qua điện thoại, nhưng cô muốn bố mẹ giấu chuyện cô đi đâu, làm gì khi chưa thành công. Cô muốn mọi người bất ngờ.

- Cháu xin lỗi mọi người. Cháu đã hứa không bỏ nghề thì sẽ không bao giờ bỏ.

Nghề dệt ở xứ này đang mai một. Lương và những người yêu bản làm du lịch chỉ mong giữ nghề. Nhưng du lịch và dệt không nuôi được nhau. Con gái bản đi tìm việc khác làm hết rồi, chỉ Chiên ở lại với các bà, các mẹ cần mẫn bên khung, bên những ruộng dâu, nong tằm. Mà không thể chỉ làm rồi mình dùng theo kiểu tự cung tự cấp. Sự khéo léo của đôi tay phải được nhiều người biết. Sự khéo léo và giọt mồ hôi của bản phải ra tiền.

Xuân về bản. Hoa núi hòa cùng bóng tếch đầu làng trổ thơm.

- Chiên à, sau khi dự án của em thành công, chúng mình thưa bố mẹ hai bên, cho cưới nhau.

Chiên gật, đôi mắt to, đẹp long lanh, lúng liếng tạo hình cho Lương chụp. Rồi cô nói chắc nịch:

- Đi tìm hiểu rồi em mới thấy những điều bất ngờ. Có lúc tưởng như thế mà không phải thế. Và ở ngoài kia, có những người tốt thật sự, anh ạ.

*

Huyền được nghe chuyện về Chiên. Cô nhờ người chở ra thị trấn để bắt ô-tô về xuôi. Qua câu chuyện của Chiên, cô hiểu rằng, để cuộc sống tốt hơn, ta phải tự mình cải thiện, phải mang mùa xuân đến cho mình.