Dự luật cải cách bước ngoặt

Quốc hội Đức vừa thông qua dự luật cải cách mang tính bước ngoặt đối với vấn đề nhập cư nhằm thu hút thêm lực lượng lao động vào cơ cấu kinh tế-xã hội. Động thái này sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho quy chế hai quốc tịch cũng như việc nhập tịch Đức đối với các công dân ngoài Liên minh châu Âu (EU).
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: KASIUKIEWICZ
Biếm họa: KASIUKIEWICZ

Theo AFP, tất cả các đảng trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Olaf Scholz, gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã bỏ phiếu ủng hộ dự thảo Luật Công dân này. Tuy nhiên, các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) đối lập và đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) bỏ phiếu chống.

Với những cải cách mới, những người nhập cư hợp pháp ở Đức sẽ được phép nộp đơn xin quốc tịch sau 5 năm, thay vì 8 năm như hiện nay. Nếu người nộp đơn xin quốc tịch có những thành tựu đặc biệt, thời gian này có thể giảm xuống chỉ còn 3 năm. Ngoài ra, trẻ em sinh ra ở Đức có cha hoặc mẹ đã sống hợp pháp ở nước này từ 5 năm trở lên sẽ tự động có quốc tịch Đức. Những người nhập cư trên 67 tuổi có thể làm bài kiểm tra trình độ tiếng Đức theo hình thức vấn đáp, thay vì hình thức thi viết như hiện nay.

Dự thảo Luật Công dân cũng quy định, những người sống phụ thuộc hoàn toàn vào trợ cấp của nhà nước sẽ không đủ điều kiện để trở thành công dân Đức. Ngoài ra, quyền công dân Đức cũng sẽ bị từ chối đối với những người có hành vi bài Do thái, phân biệt chủng tộc, bài ngoại hoặc các hành vi phạm tội phỉ báng khác. Cho đến nay, quy chế quốc tịch kép chỉ có thể thực hiện ở Đức đối với công dân EU và Thụy Sĩ, hoặc những nước không cho phép người dân từ bỏ quốc tịch gốc (như Iran, Afghanistan, Morocco...).

Theo Bộ Nội vụ Liên bang Đức, khoảng 14% dân số nước này không có quốc tịch Đức, tương đương hơn 12 triệu người. Trong đó, 5 triệu người đã sống ở Đức ít nhất 10 năm. Năm 2022, có gần 17 nghìn người nộp đơn xin quốc tịch Đức, thấp hơn mức trung bình của EU. Với những cải cách mới, Đức sẽ ngang hàng với các nước châu Âu khác. Tại EU, Thụy Điển có tỷ lệ nhập quốc tịch cao nhất vào năm 2020, với 8,6% tổng số người nước ngoài sống ở nước này được nhập tịch. Trong khi đó ở Đức, tỷ lệ này chỉ là 1,1%.

Văn phòng Thống kê Liên bang Đức cho hay, khoảng 2,9 triệu người có hai quốc tịch hiện đang sống ở Đức, chiếm khoảng 3,5% dân số. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn vì theo thống kê mới, với 69% công dân Đức mới vẫn giữ quốc tịch gốc, nhiều nhất là những người có hộ chiếu Ba Lan, Nga hoặc Thổ Nhĩ Kỳ.

Cho tới nay, con đường trở thành công dân Đức vẫn còn khó khăn đối với nhiều người nhập cư từ Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác đến Đức trước đây với tên gọi “lao động khách” nửa sau thế kỷ 20. Khi lên nắm quyền vào cuối năm 2021, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã đưa ra cam kết về cải tổ Luật Công dân của Đức. Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser, dự luật mới trên phản ánh một xã hội đa dạng, trong bối cảnh nước này đang phải “cạnh tranh toàn cầu để thu hút những bộ óc xuất sắc nhất” và sẽ tăng cơ hội cho những người lao động tiềm năng bằng cách đưa ra một lộ trình rõ ràng để họ có thể nhanh chóng trở thành công dân Đức.

Sau khi Quốc hội Đức bỏ phiếu thông qua dự luật, số đơn xin nhập quốc tịch Đức của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này dự kiến sẽ tăng mạnh, lên 50.000 đơn xin nhập tịch trong năm nay và những năm tiếp theo. Chủ tịch cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức, ông Gökay Sofuoglu cho rằng, về lâu dài, tất cả 1,5 triệu công dân gốc Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức chưa có quốc tịch Đức sẽ có hai quốc tịch. Điều này sẽ khiến chính quyền Đức gặp khó khăn trong việc xử lý đơn xin nhập tịch vì bị quá tải.

Tuy vậy, dự luật mới đã mở đường để Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - thu hút thêm lao động nước ngoài để giải quyết tình trạng thiếu lao động trầm trọng, đồng thời đưa quốc gia “đầu tàu” châu Âu này trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn.