Động thái nguy hiểm

Các tay súng Đảng Công nhân người Kurd (PKK) vừa tiến hành vụ tấn công liều chết bên ngoài trụ sở Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ. Lập tức, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả bằng các cuộc không kích nhằm vào 20 cơ sở của PKK ở miền bắc Iraq. Các hành động bạo lực và trả đũa lẫn nhau khiến an ninh khu vực ngày càng trở nên bất ổn.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa hiện trường vụ tấn công. Ảnh: EURO NEWS
Lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa hiện trường vụ tấn công. Ảnh: EURO NEWS

Hai phần tử vũ trang đã thực hiện vụ đánh bom liều chết trước trụ sở Tổng cục An ninh thuộc Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ ở Thủ đô Ankara ngày 1/10 vừa qua. Một phần tử chết ngay sau khi kích nổ quả bom, phần tử còn lại bị tiêu diệt trong cuộc đấu súng với cảnh sát. Hai cảnh sát bị thương trong vụ việc này. Truyền thông sở tại ghi nhận vụ nổ lớn ở trung tâm Thủ đô Ankara cùng hàng loạt tiếng súng sau đó. Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận đây là hành động tấn công khủng bố. PKK lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công trên.

Trong tuyên bố với hãng thông tấn ANF thân cận với phong trào người Kurd, PKK cho biết, các thành viên thuộc “Lữ đoàn bất tử” của nhóm này đã thực hiện vụ tấn công nhằm vào Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ. Cuối năm ngoái, PKK cũng tiến hành một vụ đánh bom khủng bố ở phố đi bộ Istiklal nổi tiếng tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, làm sáu người thiệt mạng và 81 người bị thương. Sở Cảnh sát Istanbul xác nhận, tay súng thực hiện vụ tấn công này là nữ giới mang quốc tịch Syria, hành động theo lệnh của PKK và chi nhánh của nhóm này ở Syria.

Dù không gây thương vong lớn nhưng với tính chất liều lĩnh, manh động và có nguy cơ đẩy an ninh khu vực rơi vào bất ổn, vụ tiến công liều chết ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị nhiều nước, trong đó có Mỹ, Anh, Đức cùng các nước ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi lên án. Bộ Ngoại giao Qatar bày tỏ tình đoàn kết với Chính phủ và người dân Thổ Nhĩ Kỳ, khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn đối với mọi biện pháp được Ankara thực hiện để duy trì an ninh và ổn định. Tuyên bố cũng nhắc lại lập trường của Qatar kiên quyết phản đối bạo lực và khủng bố. Bộ Ngoại giao Ai Cập lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố và khẳng định tình đoàn kết với Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Liban Najib Mikati đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, lên án vụ tấn công khủng bố, đồng thời khẳng định sự đoàn kết giữa hai quốc gia. Về phần mình, Tổng thống Erdogan tuyên bố những phần tử khủng bố đe dọa hòa bình và an ninh của người dân sẽ không bao giờ đạt được mục đích.

Nhằm đáp trả vụ tấn công liều chết nêu trên, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động nhiều máy bay chiến đấu tiến hành không kích vào các mục tiêu của PKK ở miền bắc Iraq. Theo thông báo của phía Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 20 mục tiêu của PKK đã bị phá hủy trong chiến dịch không kích này, bao gồm các nơi trú ẩn và kho chứa.

Giữa tháng 4/2022, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã mở một chiến dịch tấn công quân sự lớn xuyên biên giới, cả trên không lẫn trên bộ mang tên “Gọng kìm móng vuốt”, sử dụng trọng pháo, máy bay phản lực, trực thăng và máy bay không người lái (UAV) tấn công các tay súng PKK ở miền bắc Iraq. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, Hulusi Akar cho biết, lực lượng đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành xâm nhập trên bộ, trong khi các máy bay oanh tạc ồ ạt trên diện rộng. Trong chiến dịch tấn công tổng lực này, Ankara tuyên bố đã phá hủy nhiều boong-ke, hầm ngầm và kho đạn dược, cũng như sở chỉ huy của PKK ở khu vực Metina, Zap và Avashin-Basyan thuộc khu vực biên giới thuộc lãnh thổ Iraq.

Xung đột vũ trang giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK bùng phát từ năm 1984, đã cướp đi sinh mạng của 40.000 người. Chỉ tính từ khi giao tranh bùng phát trở lại năm 2015, đã có gần 6.000 người thiệt mạng, bao gồm 3.700 tay súng PKK, 1.300 binh sĩ chính phủ và 600 dân thường. Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đưa PKK vào danh sách các tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, người Kurd lại là một đồng minh quan trọng của Mỹ và phương Tây trong cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq.