Nước cờ nguy hiểm

Mỹ và Israel đang liên tục gây sức ép lên phong trào Hamas tại Plestine nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin. Tuy nhiên, những hành động quân sự của Tel Aviv cũng như cáo buộc của Washington lại khiến xung đột trở nên tồi tệ hơn.
Biếm họa: MIKAI ÇIFTÇI
Biếm họa: MIKAI ÇIFTÇI

Ngày 10/9, Cơ quan Phòng vệ dân sự tại Dải Gaza cho biết, ít nhất 40 người Palestine thiệt mạng và hơn 60 người bị thương khi Israel không kích khu vực Al-Mawasi ở thành phố Khan Younis, phía nam vùng lãnh thổ này, nơi mà Israel trước đó chỉ định là vùng an toàn nhân đạo và là nơi tạm trú của hàng chục nghìn người Palestine di tản.

Theo Reuters, Đặc phái viên của LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Tor Wennesland đã lên án cuộc không kích của Israel vào khu vực nhân đạo ở thành phố Khan Younis. Ông nhấn mạnh: "Tôi cực lực lên án các cuộc không kích đẫm máu của Israel vào một khu vực đông dân cư trong vùng nhân đạo do Israel chỉ định ở Khan Younis, nơi những người di tản đang trú ẩn".

Đề cập tới cuộc tấn công này, phía Israel nói rằng, họ đã nhắm vào một trung tâm chỉ huy của Hamas. Tuy nhiên, ông Wennesland khẳng định luật nhân đạo quốc tế "phải được duy trì mọi thời điểm", đồng thời nhấn mạnh "không bao giờ được sử dụng thường dân làm lá chắn sống". Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Anh, ông David Lammy đã bày tỏ “rất sốc” về cuộc tấn công trên, đồng thời nhấn mạnh cần khẩn cấp một lệnh ngừng bắn.

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp báo chung ngày 10/9 với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, ông Lammy cho biết: "Chúng tôi đang họp vào thời điểm quan trọng để bảo đảm một lệnh ngừng bắn ở Gaza. Vụ việc gây sốc ở Khan Younis càng cho thấy lệnh ngừng bắn này cần thiết đến mức nào".

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho rằng, việc trả tự do cho con tin trong giai đoạn đầu của thỏa thuận ngừng bắn với phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza sẽ mang lại cho Israel "cơ hội chiến lược" để giải quyết các thách thức an ninh khác. Trả lời báo giới, Bộ trưởng Gallant nhấn mạnh, việc đưa các con tin trở về nhà là "điều đúng đắn cần làm", đồng thời ủng hộ giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận ngừng bắn gồm 3 giai đoạn mà Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố hồi cuối tháng 5 vừa qua. Ông Gallant cho rằng, việc đạt được giai đoạn 1 sẽ đóng vai trò nền tảng để tiến tới chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột ở Dải Gaza. Bộ trưởng Gallant cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục gây áp lực đối với phong trào Hồi giáo Hamas để đạt được ngừng bắn giai đoạn đầu này.

Sức ép dồn lên Hamas sau khi lực lượng này đã bác bỏ cáo buộc của Mỹ cho rằng, họ là rào cản chính đối với việc đạt được lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza. Trước đó, Cố vấn truyền thông an ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho rằng, phong trào này thay đổi một số điều kiện của mình để đạt được lệnh ngừng bắn là "vô căn cứ". Trong cuộc họp báo tại Nhà trắng hôm 9/9, ông Kirby cho biết, Hamas đã đưa ra những yêu cầu mới trong các cuộc đàm phán, khiến việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn trở nên khó khăn hơn. Còn theo các lãnh đạo Hamas, thế giới đều biết Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là người đã đưa ra các điều kiện và yêu cầu mới, chứ không phải Hamas.

Hiện, các cuộc đàm phán do Qatar, Ai Cập và Mỹ làm trung gian để bảo đảm lệnh ngừng bắn ở Gaza vẫn tiếp diễn. Bất chấp sự phản đối từ Ai Cập và Hamas, Thủ tướng Netanyahu vẫn quyết tâm duy trì lực lượng Israel ở hành lang Philadelphi, một vùng đệm dài 14 km dọc biên giới Ai Cập và Dải Gaza. Quân đội Israel đã kiểm soát hành lang này từ tháng 5.

Hamas khẳng định bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm việc các lực lượng Israel rút hoàn toàn khỏi Gaza. Về phần mình, Israel tiếp tục duy trì quan điểm về quyền kiểm soát của quân đội nước này đối với hành lang Philadelphi. Sự khác biệt về lập trường trong vấn đề này là nguyên nhân cản trở nỗ lực hòa giải hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.

Cộng đồng quốc tế đã liên tục kêu gọi các bên liên quan hành động ngay lập tức để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần một năm qua ở dải đất ven Địa Trung Hải này, gây tàn phá trên diện rộng và đẩy người dân vào cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Thế nhưng, những toan tính và hành động gây áp lực của Israel và Mỹ lên Palestine lại được xem là nước cờ nguy hiểm, đẩy cuộc xung đột tới giới hạn mất kiểm soát.