Động thái trên mở đường cho các nước đang phát triển có thể tiếp cận vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ, trong bối cảnh nhiều nước không có công nghệ và nguồn lực để kiểm tra nghiêm ngặt mức độ an toàn và hiệu quả của vaccine. Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus cho rằng, việc vaccine phòng mpox được sơ duyệt là một bước đi quan trọng trong cuộc chiến chống lại căn bệnh đang bùng phát mạnh ở nhiều nước châu Phi cũng như trong tương lai.
Hãng dược phẩm Bavarian Nordic cho biết, vaccine được thông qua để sử dụng tiêm chủng phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ, bệnh đậu mùa và các bệnh truyền nhiễm liên quan virus orthopoxvirus, dành cho người từ 18 tuổi trở lên. Theo khuyến cáo của WHO, vaccine được phê duyệt có thể được sử dụng đối với trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh, thiếu niên cũng như phụ nữ mang thai và những người bị suy giảm miễn dịch, trong trường hợp bùng phát dịch bệnh mà lợi ích của việc tiêm chủng lớn hơn những rủi ro tiềm ẩn.
Thông tin WHO sơ duyệt vaccine phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ được người dân trên thế giới hồ hởi đón nhận, trong bối cảnh dịch mpox tiếp tục diễn biến phức tạp và không ngừng lan rộng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi vừa kêu gọi tăng cường hơn nữa các biện pháp phát hiện và giám sát bệnh đậu mùa khỉ, khi tổng số ca mắc và nghi mắc ở châu Phi tăng lên 26.543, trong đó có 724 ca tử vong.
Tổng Giám đốc CDC châu Phi Jean Kaseya nêu rõ, riêng trong tuần qua, “lục địa đen” ghi nhận tổng cộng 3.160 ca mới, trong đó có 107 ca tử vong. Ông Kaseya lưu ý rằng, số ca mpox có xu hướng tăng kể từ tháng 5, song số liệu thống kê về số người mắc bệnh đậu mùa khỉ tăng gần đây là do năng lực phát hiện của các thành viên Liên minh châu Phi (AU) ngày càng được cải thiện. Dữ liệu từ cơ quan chăm sóc sức khỏe của AU cho thấy, các trường hợp được báo cáo đến từ 15 quốc gia thuộc cả 5 khu vực của lục địa, với tỷ lệ tử vong là 2,73%, trong đó trẻ em dưới 15 tuổi chiếm 41% và nam giới chiếm 63% trong số trường hợp được xác nhận.
Theo báo cáo mới nhất của CDC châu Phi, cho đến nay, các khu vực Đông và Bắc Phi vẫn chưa ghi nhận các trường hợp tử vong liên quan mpox. Tại khu vực Bắc Phi, mới chỉ có Morocco là quốc gia đầu tiên ghi nhận ca mắc trong năm nay. Trung Phi là khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất với 23.761 trường hợp, trong khi Đông Phi có 1.644 trường hợp. Sự lây lan nhanh chóng của mpox kể từ tháng 5 đến nay chủ yếu diễn ra ở các quốc gia lân cận CHDC Congo. Giữa tháng 8, CDC châu Phi tuyên bố đợt bùng phát mpox hiện nay ở châu Phi là Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của lục địa (PHECS). Ngay sau đó, WHO cũng ban bố Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) vì bệnh đậu mùa khỉ, kích hoạt mức cảnh báo toàn cầu cao nhất đối với mpox lần thứ hai trong vòng 2 năm.
Trong bối cảnh đó, CDC châu Phi tuyên bố khởi động kế hoạch ứng phó chung của lục địa với WHO kéo dài 6 tháng từ tháng 9/2024 đến tháng 2/2025, với ngân sách gần 600 triệu USD, trong đó 55% được phân bổ cho các nỗ lực ứng phó mpox ở các quốc gia bị ảnh hưởng, 45% dành cho hỗ trợ hoạt động và kỹ thuật thông qua các tổ chức đối tác. Dự kiến, chiến dịch tiêm chủng đầu tiên với 265.000 mũi tiêm được tài trợ sẽ bắt đầu tại CHDC Congo vào đầu tháng 10 tới.
Theo khuyến cáo của WHO, bệnh đậu mùa khỉ có thể lây từ người sang người qua tiếp xúc vật lý, thường gây ra các triệu chứng giống như cúm và các vết loét có mủ. Thông thường bệnh ở thể nhẹ, tuy nhiên vẫn có nguy cơ gây tử vong hay dẫn tới biến chứng nghiêm trọng đối với nhiều trường hợp, nhất là trẻ em, phụ nữ mang thai và người có hệ miễn dịch yếu.