Đóng góp của tiểu thuyết trong xây dựng nhân cách con người

Bối cảnh văn hóa mới, tiểu thuyết Việt Nam đã thể hiện những ưu thế đặc biệt trong khả năng thâm nhập và khám phá đời sống con người, đặc biệt là nhân cách con người Việt Nam sau năm 1975. Cũng khoảng thời gian này, sự hội nhập, giao lưu khá toàn diện với văn học hiện đại thế giới trong bối cảnh giao lưu văn hóa toàn cầu đã dường như kích hoạt mạnh mẽ tới văn học Việt Nam, đặc biệt là loại hình tiểu thuyết. Sự đổi mới, cách tân được thể hiện từ nội dung đến nghệ thuật, nhiều tác giả, tác phẩm đã có những đổi mới mạnh mẽ, căn bản.

Đóng góp của tiểu thuyết trong xây dựng nhân cách con người

Sau năm 1975, cùng với cảm hứng sử thi, cảm hứng thế sự, cảm hứng đời tư, tiểu thuyết Việt Nam đã có bước hình thành và trưởng thành liên tục, tạo dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn học - nghệ thuật. Đây có thể hiểu là một dấu hiệu tất yếu của sự hội nhập với văn học hiện đại trên thế giới. Sự hội nhập này, chỉ riêng ở tiểu thuyết đã là một thành tựu lớn của văn học Việt Nam trong việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam. Sự chuyển biến mạnh mẽ này đã và đang xóa đi những ranh giới, tạo nên đẳng cấp của văn học Việt Nam với khu vực và trên thế giới.

Có thể khẳng định, sau năm 1975, tiểu thuyết Việt Nam đã góp phần chủ đạo trong việc tạo ra sức vóc của nền văn học Việt Nam, là những căn cước chính thống để mở cánh cửa văn học ra thế giới, đồng thời khẳng định vị thế của văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra quyết liệt.

Vấn đề nhân cách con người luôn được đặt ra riết róng, thể hiện rõ qua những nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975. Hiện thực cuộc sống đa dạng, phức tạp, sinh động luôn là đối tượng phản ánh của văn học, đặc biệt là tiểu thuyết. Nếu như tiểu thuyết Việt Nam trước năm 1975 luôn đòi hỏi một quan niệm lạc quan về hiện thực, cái nhìn lý tưởng hóa người anh hùng, tính minh họa luôn nổi trội thì sau năm 1975, tiểu thuyết đã có những biên độ mở rộng hơn rất nhiều.

Nhân vật trong tiểu thuyết thời kỳ này được khám phá toàn diện hơn, ở các mặt sáng - tối, thiện - ác, cả phần vô thức, tiềm thức cũng được đặt ra. Chất người ở các nhân vật tiểu thuyết sau 1975 luôn được mổ xẻ, định dạng, đóng đinh một cách rốt ráo hơn. Đã có nhiều nhân vật tiểu thuyết trong đó con người mang số phận bi kịch. Điển hình như các nhân vật chính trong các tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh; Ăn mày dĩ vãng, Vòng tròn bội bạc của nhà văn Chu Lai; Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu; Bến không chồng của nhà văn Dương Hướng…

Các tiểu thuyết sau năm 1975, đặc biệt sau Đổi mới 1986 đã đề cập và mổ xẻ sâu sắc nhân cách con người Việt Nam một cách toàn diện, đã chạm tới những giới hạn cuối cùng của nhân tính. Đó là một loạt các tiểu thuyết: Mùa lá rụng trong vườn của nhà văn Ma Văn Kháng; Cha và con và…, Một cõi nhân gian bé tí của nhà văn Nguyễn Khải; Mảnh đất lắm người nhiều ma của nhà văn Nguyễn Khắc Trường; Thời xa vắng, Chuyện làng Cuội, Hai nhà của nhà văn Lê Lựu; Lão khổ, Bước qua lời nguyền, Thiên thần sám hối của nhà văn Tạ Duy Anh; Những đứa trẻ chết già của nhà văn Nguyễn Bình Phương; Đi về nơi hoang dã của nhà văn Nhật Tuấn; Cõi người rung chuông tận thế của nhà văn Hồ Anh Thái; Dòng sông mía của nhà văn Đào Thắng; Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư… Tất cả đã cho thấy sự đa thanh đa sắc của số phận con người, nhân cách con người được hiện lên ở đủ các cung bậc trong tiểu thuyết. Đó là những đóng góp lớn của đội ngũ các nhà văn Việt Nam với văn học, với nhân dân một cách thiết thực, hữu ích từ sau 1975 đến nay.

Sự đóng góp của văn học Việt Nam trong đó chủ lực là tiểu thuyết với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam đã thể hiện ở chỗ các nhà văn đã xông thẳng vào những chỗ, điểm khó; đã dám phản ánh những ca, khúc, đoạn giáp ranh tối - sáng, thiện - ác, trung thực - dối trá, đạo đức - phi đạo đức… mà nếu không thật sự có bản lĩnh và tâm huyết, chắc chắn người cầm bút sẽ không thực hiện được.

Trước những nhu cầu đa dạng của cuộc sống mới, sự thay đổi của thị hiếu thẩm mỹ, một nhà văn đã từng nói, đại ý: Trong chiến tranh, mọi quan hệ xã hội và con người dồn lại và thu hẹp vào một mối quan hệ duy nhất: sống - chết. Người ta phải sống phi thường, phi thường có thể là cao cả, nhưng phi thường cũng đồng thời triệt tiêu đi những quan hệ bình thường phong phú, phức tạp của con người, đẩy các quan hệ ấy về phía sau. Thực tế ấy đã phải đối mặt với một thực tế khác- thực tế từ cuộc sống trong hòa bình.

Trong cuộc sống đầy sôi động, mới mẻ, phức tạp, khó lường của thời bình, những vấn đề mới về con người luôn được đặt ra, đặc biệt là các nhà văn trong các tiểu thuyết sau Đổi mới 1986. Đó là nhân vật Giang Minh Sài trong tiểu thuyết Thời xa vắng với những bi kịch đến tận cùng từ chính hiện thực cuộc sống. Cuộc đời Giang Minh Sài với đầy rẫy những bi hài của con người cá nhân bị đè nén, bị giết mòn. Nhà văn luôn muốn hướng tới một cuộc sống bình thường, một cuộc sống trong đó cá nhân được tôn trọng, cá tính được phát huy sâu sắc hơn nữa trong mối quan hệ hài hòa, thống nhất với tập thể.

Thời xa vắng như muốn cất lên một tiếng kêu riêng hòa trong tiếng nói chung của con người Việt Nam trong con người nhân loại. Chính Lê Lựu đã mở ra một cánh cửa lớn cho tiểu thuyết Việt Nam sau Đổi mới. Đó là các nhân vật chính chất chứa những tâm trạng rất phức tạp, đầy vết thương trong các tiểu thuyết: Đám cưới không có giấy giá thú; Đồng bạc trắng hoa xòe; Mùa lá rụng trong vườn; Côi cút giữa cảnh đời của nhà văn Ma Văn Kháng. Tác giả đã có đóng góp rất lớn trong thể tài tiểu thuyết viết về gia đình người Việt, có những đóng góp đặc sắc trong hành trình đổi mới văn xuôi góp phần xây dựng nhân cách con người Việt Nam.

Cũng phải nói rằng, những vấn đề được đặt ra trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975 luôn là những vấn đề nóng. Nóng từ thực tế ngổn ngang, bộn bề, trắng đen lẫn lộn từ những biến động không ngừng. Chính vì vậy, những mảng tối, những bóng đen đã được ngòi bút các nhà văn chĩa thẳng thừng, đưa chúng ra ánh sáng một cách không khoan nhượng như trong các tiểu thuyết của Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhật Tuấn… Điều đó cũng là một hiện thực khách quan mang tính tất yếu.

Đất nước vừa trải qua các cuộc chiến tranh tàn khốc nay trở về với cuộc sống bình thường đã nảy sinh những điều không bình thường, đã biểu hiện những mạch ngầm không bình yên. Đời sống kinh tế thị trường luôn là một thứ thuốc thử cực mạnh về năng lực và phẩm hạnh của con người. Sau năm 1975, và nhất là sau Đổi mới, một loạt các tiểu thuyết đã đào sâu mô tả con người hôm nay trước những thử thách nghiệt ngã của cuộc sống mà trong đó sự đấu tranh với chính mình luôn vô cùng cam go, diễn ra liên tục. Chính từ hiện thực cuộc sống vô cùng sôi động và khắc nghiệt đã tạo nên văn học với những trang văn vừa dữ dội vừa vạm vỡ.

Chúng ta thấy một điều thật rõ ràng, nhân cách con người Việt Nam và nhân cách nhà văn Việt Nam đã và đang ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại một cách hài hòa và khoa học. Bối cảnh lịch sử, văn hóa và sự vận động của văn học - nghệ thuật, trong đó có tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1975, đã minh chứng rõ nét và liên tục điều này. Hay nói cách khác, tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1975 đã có những đóng góp nhất định trong việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam.