Đợi đi “river bus”

Tuyến buýt trên sông (river bus) dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 6-2017, thế nhưng gần ba tháng trôi qua, buýt sông lại hẹn trong tháng 9 tới. Nhìn những bến buýt sông đang thi công ngổn ngang, người dân TP Hồ Chí Minh lại tiếp tục đợi chờ.

Bến buýt sông vẫn thi công dở dang.
Bến buýt sông vẫn thi công dở dang.

Lỡ hẹn dài ba tháng

Tuyến buýt số 1 trên sông, nối bến Bạc Đằng (quận 1) với bến Bình Quới (quận Thủ Đức) đang thi công. Cũng thời gian này, tuyến buýt số 2 (bến Bạch Đằng - Lò Gốm) tạm dừng, do đập ngăn triều Bến Nghé đang xây dựng. Theo dự kiến, tuyến buýt trên sông khai trương vào tháng 6, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Anh Nguyễn Hữu Nhật Nam, công nhân thi công bến buýt Tầm Vu, quận Bình Thạnh cho hay: “Thông tuyến chắc cũng phải đầu tháng 9”.

Nhiều người dân mang tâm lý háo hức đợi chờ một ngày sẽ được đi du lịch trên sông với giá 15 nghìn đồng/lần, đi để biết thêm về đôi bờ mà bao năm cũng chỉ trên cầu nhìn xuống, đành phải chờ đợi. Bên cạnh niềm háo hức sắp được thử một phương tiện vận chuyển mới, vẫn còn nhiều nỗi e ngại. Võ Thị Thanh Nguyên, sinh viên Trường cao đẳng Vinatex cho rằng có phương tiện mới đi lại trên sông, hình ảnh thành phố sẽ thu hút hơn, nhưng vẫn lo chuyện cứu hộ khi tuyến buýt quá tải có thể dẫn đến tai nạn như vụ tàu Dìn Ký mấy năm trước, hoặc hình ảnh xác thú vật chết vứt trên sông khiến người các tỉnh về, người các nước tới sẽ thấy thành phố không đẹp mắt.

Bên cạnh đó, bài toán giao thông đô thị cũng được người dân mong muốn có nhiều giải pháp hơn, nhiều phương tiện giao thông công cộng mới hơn để lựa chọn đi lại. Nhà ở quận Thủ Đức, công ty cũng gần bến Bạch Đằng, quận 1, anh Phạm Văn Quân, nhân viên bảo hiểm cho biết: “Thấy công nhân thi công cũng chờ đợi. Nhưng mực nước dòng sông chênh nhau quá lớn. Không biết khi nước xuống thì sao?”. Khá nhiều những phân vân cho phương tiện giao thông mới. Nhiều những phàn nàn về sự ô nhiễm, bốc mùi của dòng sông.

“River bus” lạc quan?

Buổi sáng thứ hai đầu tuần, ông Nguyễn Văn Long chống gậy, từ xóm vườn trong khu phố 3, phường 28, quận Bình Thạnh ra đường Bình Quới. Vắng khách, sớm mai, lại gặp bạn cũ trong xóm, ông Sáu bán tạp hóa khoe sắp có buýt sông mà ông Long không tin lắm. Nhân lúc có người ghé mua hàng, ông Sáu níu lại hỏi chuyện, cũng là cách để xác nhận dùm chuyện ông khoe bạn rằng sắp có buýt sông.

Tuyến buýt sông sẽ chạy từ đây đến bến Bạch Đằng, quận 1. Ông Sáu và ông Long rất mừng. “Tôi sẽ đi để coi. Trước cũng đi nhưng bằng vỏ lãi, chạy men bờ chút chút. Mà rồi cũng không đi lâu rồi. Từ ba chục năm lận”, ông Long cho hay. Đối với ông Long, phố xá bên bờ đã rình rang khác xưa. Ông Long phân trần: “Ngay như xóm Bình Quới này nầy. Trước cũng chỉ có người dân sở tại mà nay cũng mọc lên làng biệt thự Thiên Hà. Nhiều khu du lịch, nhà hàng mé bờ sông. Cuối tuần dân nơi khác kéo về câu cá, ăn nhậu rình rang. Ồn ào, mà vui!”. Bên bến Tầm Vu (phường 26, quận Bình Thạnh), nhiều người đi tập thể dục buổi chiều cũng đã có thêm câu chuyện mới về buýt sông để chuyện, để chờ đợi.

Theo thống kê, vận chuyển hành khách công cộng trong sáu tháng đầu năm 2017 tăng 14,4%. Ba năm trước, hành khách đi xe buýt liên tục giảm. Năm nay, có dấu hiệu khả quan. Đánh giá về lượng hành khách đi xe buýt tăng, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Chất lượng xe được nâng lên, tăng nhiều chuyến và thái độ phục vụ nhân viên phục vụ lịch sự hơn nên đã kéo khách trở lại”. Theo đà đó, tuyến buýt sông cũng được người tham gia giao thông háo hức đón nhận.

Nhưng nhiều người như ông Long, ông Sáu vẫn thấy giá hơi cao. Buýt sông 15 nghìn đồng/lần đi. Mỗi tháng đi làm từ 24 - 26 ngày, số tiền ở mức khoảng 700 nghìn đồng, chưa tính đến quãng đường ra bến buýt sông. “Rời khỏi buýt sông lên bến, chưa chắc đã đến chỗ làm. Tôi sẽ không lựa chọn”, anh Thái Quang Dũng, giáo viên Anh ngữ, cho biết. Anh Dũng phân tích, đi xe buýt tiện hơn, xe buýt được trợ giá, tiêu tốn không quá cao so với thu nhập của nhiều đối tượng đi học, đi làm. Nói về thói quen giao thông, anh Dũng cho hay: “Đi làm bằng xe máy mình được lựa chọn hàng ăn sáng, hàng cà-phê, gặp bạn bè. Mình có thể tụt tạt vào đâu đó để mua đồ. Đi xe máy, đường vắng mình có thể tăng tốc độ. Tuyến buýt sông có thể sẽ thu hút được lượng khách du lịch, ngắm cảnh. Thu hút người đi chơi nhưng không hẳn đã thu hút người đi làm. Nhưng cũng vui khi có thêm phương tiện mới”.