Theo nhiều phân tích, sự thành công của dòng sản phẩm này đến từ kết quả ứng dụng những nghiên cứu tâm lý về cơ chế hình thành cảm xúc và khả năng tạo sự hài lòng cho con người. Sự không chắc chắn của hộp mù sẽ khơi dậy sự tò mò của người tiêu dùng, tạo không gian tưởng tượng và từ đó tạo ra những cảm xúc tích cực, phấn khích và kích thích, mang lại sự hứng thú và kết nối trong cộng đồng.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Nhân Dân cuối tuần tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), Tiến sĩ Lee Yong-Kwan (Viện nghiên cứu Văn hóa và Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc), đã đề cập lo ngại về một vấn đề gây tranh cãi nhất trong sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung văn hóa, đó là các nội dung game. Theo ông, các nội dung game càng ngày càng chú ý tích hợp các yếu tố tâm lý để tạo cảm giác đắm chìm cho người chơi, bởi càng đắm chìm thì mới thu hút được người chơi và từ đó càng tạo ra được doanh thu. Trong khi, các nghiên cứu đã chỉ ra là, chính sự đắm chìm đó sẽ gây ảnh hưởng theo nhiều mức độ đến sức khỏe tinh thần, gây nghiện... cho người chơi, nhất là trẻ em và người trẻ. Nhiều chính sách hạn chế trẻ em chơi game đã được Chính phủ Hàn Quốc áp dụng, song, các quy định đó có chiều hướng sẽ được gỡ bỏ. Và điều này gây lo ngại cho nhiều người, nhất là các bậc cha mẹ.
Trở lại với trào lưu bóc túi mù, sự phát triển nhanh chóng và ngày càng lan rộng của xu hướng đó không chỉ phản ánh nhu cầu giải trí và khám phá của giới trẻ, mà còn cho thấy cách mà tâm lý học có thể tác động và đang được sử dụng để tác động đến hành vi tiêu dùng của xã hội.
Cảm xúc, từ những thí dụ vừa kể, đang thật sự trở thành một giá trị có thể đong đếm được.