Diễm, Di và những khán giả quốc tế

Đúng là thực tế cuộc sống bất ngờ hơn cả hư cấu. Tôi đang ngồi ở Bỉ bỗng “gặp” đạo diễn Hà Lệ Diễm. Còn chị Marie và anh Dennis Fenton, những người Bỉ yêu Việt Nam mấy hôm trước nhiệt tình gửi link phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” dự Liên hoan phim Tournai Ramdam 2023, muốn rủ bạn bè gốc Việt đặt vé đi xem, đúng 29 Tết bất ngờ nhận được bốn tấm vé do chính đạo diễn mời.
0:00 / 0:00
0:00
Đạo diễn Hà Lệ Diễm tại LHP Tournai Ramdam 2023. Ảnh: JEANNE-MARIE VANDERWINKEL
Đạo diễn Hà Lệ Diễm tại LHP Tournai Ramdam 2023. Ảnh: JEANNE-MARIE VANDERWINKEL

Diễm, Di và duyên hạnh ngộ

Chuyện thế này. Một tuần trước đó, chị Phạm Quỳnh Châu ở Brussels nhắn tôi “Chị Marie và anh Dennis Fenton vừa gửi thông tin phim “Những đứa trẻ trong sương” (The children in the mist) ra mắt Liên hoan phim (LHP) Tournai Ramdam đấy. Các em có đi xem, đưa tin không?”

Vừa thông báo lên diễn đàn cộng đồng của người Việt ở Bỉ, bỗng nhận tin nhắn của chị Kim Oanh- một người chưa quen “Cần chị giúp đỡ gì không?”. Còn chưa hiểu chị Kim Oanh muốn giúp gì, lát sau chị nhắn “Chị sẽ đi xem phim này ở Tournai và gặp Hà Lệ Diễm. Đạo diễn được LHP mời sang Bỉ mấy hôm. Chị kết nối cho gặp nhau nhé”. Qua tôi, Diễm biết vợ chồng chị Châu, Marie, Dennis đặt vé online mấy lần không được, liền gửi luôn vé mời.

Dường như khuôn mặt tròn xoe, cặp mắt tít và đôi má căng đỏ của Di - nhân vật chính trong phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” ẩn chứa nhiều duyên lành. Nụ cười, sự hồn nhiên trong trẻo của Di qua góc nhìn của Hà Lệ Diễm đã giúp những người đi trong sương mù của khoảng cách địa lý và giới hạn quen biết như chúng tôi tìm ra nhau, gặp được nhau ở phương trời xa xứ này.

Có điều là người H’Mông ở bản làng của Di nói ngôn ngữ khác, đạo diễn Diễm họ Hà người dân tộc Tày nói ngôn ngữ khác. Tôi ngồi vùng Flanders nói tiếng Hà Lan, chị Châu, chị Oanh, chị Marie anh Dennis thuộc vùng nói tiếng Pháp... Gặp nhau đã chẳng dễ, hiểu nhau thế nào cho đúng còn khó hơn.

Trong trích đoạn phim, có cảnh Di nói “Ý mẹ bảo là Di đi chơi Tết, bị ai kéo thì cưới, không cần nói nhiều”, “Di có lấy không?”, “Không!” Dịch ra thì thế, nhưng có phải hiểu hết ngay đâu. Hà Lệ Diễm trước khi trò chuyện còn cẩn thận dặn tôi “Khi viết chị dùng từ “phong tục kéo vợ” nhé, chứ không phải cướp vợ đâu ạ”.

May mà có Di. Và mừng là có mẹ của Di xuất hiện. Câu dặn dò của mẹ Di làm Diễm cảm động mãi “Quay cảnh ở đấy xong thì về nhà mình nhé”. Mẹ Di không bảo đến chơi, mẹ Di bảo Diễm hãy “về nhà”.

Về nhà cũng là cách Diễm thực hành trên phim “Những đứa trẻ trong sương”. Kiểu làm phim tài liệu hiện thực, còn gọi điện ảnh thực tế mà Hà Lệ Diễm sử dụng chính là cách dịch hiểu đẹp nhất về mặt cảm xúc. Diễm không chỉ ngồi cùng nhân vật, cô lên ăn ở với gia đình Di suốt ba năm để chắt lọc ra những thước phim trong trẻo, ngọt ngào, vui vẻ, kịch tính. Diễm nhớ dạo ấy “Trung bình mỗi năm em lên với Di năm hoặc sáu lần, ở bản ngủ ngon, sống vui, thích đến nỗi chẳng muốn về. Có lần ở cả tháng, quay thực chỉ 5-6 ngày, chủ yếu chơi với mọi người, làm nương làm rẫy cùng họ... Quay đời sống thường nhật như vậy thời gian trôi rất chậm. Mỗi năm chỉ nhìn thấy một chút thay đổi thôi, kể cả ngoại hình của Di, đấy mới là thứ khó nhất khi quay”.

Thêm chuyện này nữa. Truyền thông hay xoáy tình tiết “cướp vợ”, “tảo hôn”, “số phận những bé gái vùng sâu vùng xa sẽ đi về đâu”... Nhưng cảm và hiểu thế nào khi xem còn tùy cách nhìn, tùy cảm nhận khán giả từng lứa tuổi, từng nền văn hóa. Ngay thời điểm 2017, Diễm bắt đầu vác máy lên bản quay cũng chỉ muốn “kể về những điều mình thích, lưu lại một phần đời sống trong trẻo của các bé gái ở miền núi phía bắc, chứ đâu lường trước được số phận phim cũng như cuộc đời Di ra sao”.

Đi nhiều LHP quốc tế, Mỹ có, Canada có, rồi Đài Loan (Trung Quốc), Australia, Hà Lan, bây giờ là Bỉ..., Diễm bảo “Người xem là đạo diễn trẻ quan tâm vị trí đứng của đạo diễn kiêm quay phim ra sao, muốn biết em quay thế nào khi không hiểu ngôn ngữ của nhân vật. Còn ở Đài Loan và Australia, khán giả 15-20 tuổi, cùng độ tuổi của Di lại nhìn vào các tình huống hài hước, bật cười nhiều hơn, tâm trạng vui vẻ hơn so với người lớn thấy nhiều lo lắng hơn”.

Diễm, Di và những khán giả quốc tế ảnh 1

Nụ cười trong sáng của Di. Ảnh: ĐẠO DIỄN CUNG CẤP

Về với Di và những chuyện xảy ra dịp Tết

Người lớn bao giờ chẳng vậy. Trải nghiệm càng nhiều càng hay nghĩ ngợi về văn hóa và phong tục, về số phận và tương lai. Đi ra quốc tế, Diễm hay phải trả lời các câu hỏi về Di và cuộc sống hiện tại ra sao, phong tục của người H’Mông cụ thể thế nào, giáo viên miền núi dạy dỗ khác gì giáo viên miền xuôi... Suy cho cùng, một bộ phim hay đến đâu cũng chỉ kể được một phần rất nhỏ của cuộc sống. Đời thực của người H’Mông còn lắm màu sắc thú vị hơn nhiều.

Thì đấy. Tết của mấy năm trước, Di bị kéo về nhà người ta làm vợ theo phong tục thật của người H’Mông. Tình tiết hiện thực đến mức mẹ Di-người từng mời Diễm “về nhà mình nhé”, lại không cho Diễm mang theo máy quay đến nhà người bạn trai đã kéo Di đi. Nhưng khoảnh khắc Di được về nhà, mẹ Di đã gọi Diễm thức dậy từ sớm, bảo “Ra ngoài đường đợi sẵn mà quay”. Phim dừng quay nhưng dư âm và cuộc sống còn tiếp diễn. Di hơn 18 tuổi rồi, nay sống cách nhà bố mẹ chỉ vài cây số, và đang ở tình thế người vợ tự chọn chồng chứ không phải cô vợ bị kéo.

Tết Quý Mão năm nay, Diễm hối hả từ Bỉ bay về Việt Nam một ngày trước giao thừa. Cô ăn Tết với gia đình vài ngày rồi tính chuyện đưa “Những đứa trẻ trong sương” chính thức ra mắt khán giả trong nước đầu xuân này. Sẽ mời Di đến giao lưu. Nghe vậy Di hào hứng lắm, vì được đi chơi nữa.

Đi xa đến mấy rồi cũng mong được về nhà. Mà rạp nhà dịp Tết cũng không phải muốn là vào được ngay. Diễm thận trọng “Chưa biết cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 này họ có cấp rạp cho mình với giá như vậy không nữa. Tình hình kinh tế bây giờ khiến các phim kinh phí đầu tư lớn ra rạp còn khó khăn. Dự kiến “Những đứa trẻ trong sương” phát hành một tuần ở Hà Nội và một tuần tại TP Hồ Chí Minh để Di được đi cùng. Phim ra rạp không cần phải rầm rộ quá, tuyệt vời nhất là tạo được không gian ấm áp để khán giả có thể giao lưu, đoàn phim có thể chia sẻ hậu kỳ phim thế nào, dựng âm thanh ra sao...”.

Trong khi chờ Diễm, Di và khán giả quê nhà gặp gỡ trong đời thực, đạo diễn trẻ vẫn ở cùng hai người bạn trong một phòng trọ tại Hà Nội với giá thuê chỉ 2 triệu đồng/tháng. Sau một năm “ham chơi” như cô tự nhận, năm mới này Diễm vẫn tiếp tục làm phim độc lập, vẫn kiếm thêm một số việc khác để mưu sinh, và muốn học ngoại ngữ tốt hơn.

Còn tại Bỉ, chị Phạm Quỳnh Châu và những người bạn trở về sau buổi xem phim, xúc động “Chúng tôi được sống lại cùng những kỷ niệm về đất nước, con người Việt Nam ở vùng núi hoang sơ mà hùng vĩ. Chỉ mong phim được chiếu rộng rãi ở Việt Nam, đặc biệt vùng miền núi, nông thôn để tiếp sức cho các em gái tự quyết định cuộc đời mình”.