Song song việc đào tạo đại học hệ chính quy, các trường còn có nhiều chương trình đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học, đào tạo hệ vừa học vừa làm. Ước tính có trên dưới 10 nghìn sinh viên tốt nghiệp bậc đại học trong lĩnh vực này hằng năm, cung cấp một nguồn nhân lực dồi dào cho phát triển công nghiệp văn hóa của đất nước. Tuy nhiên, trước sự phát triển cùng sức ảnh hưởng mạnh mẽ của công nghệ tới hầu như mọi hoạt động của con người trong bối cảnh hiện nay, lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng đang đứng trước nhiều thử thách.
Hạn chế trong chất lượng đào tạo
Mặc dù có sự gia tăng về số lượng các cơ sở đào tạo mỹ thuật ứng dụng nhưng thực tế chất lượng đào tạo, bao gồm từ chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất đến nội dung chương trình đào tạo đều có nhiều hạn chế, bất cập.
Theo Thạc sĩ Lê Văn Duẩn, Khoa Mỹ thuật cơ sở, Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp (Hà Nội), các chương trình đào tạo còn thiếu tính ứng dụng, chưa gắn kết chặt chẽ với thực tiễn; trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động đào tạo còn hạn chế, chưa được đầu tư đầy đủ; đội ngũ giảng viên chưa được đào tạo và cập nhật đầy đủ về các phương pháp giảng dạy hiện đại, sáng tạo. Thực trạng này, cùng với sự hạn chế về trình độ và sự tự tin trong sử dụng ngoại ngữ (tiếng Anh) như một công cụ giao tiếp và trao đổi học thuật, dẫn đến đào tạo mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam nói chung khá khép kín trước khu vực, chưa nói đến thế giới, trong khi đây là một lĩnh vực can dự vào nhiều khâu công việc thuộc các ngành công nghiệp văn hóa, rất giàu tiềm năng cạnh tranh trong một thị trường lao động nội địa ngày càng mở như hiện nay.
Riêng về chương trình đào tạo, Tiến sĩ Phạm Phương Linh, giảng viên Khoa Thiết kế đồ họa, Trường đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, chỉ rõ hạn chế: "Ở nước ta hiện nay, các chương trình đào tạo ít thấy sự chuyên sâu, thiếu đi tư tưởng xây dựng chuyên biệt của từng ngành đào tạo. Thiếu hẳn sự đầu tư xây dựng chương trình đào tạo mới, để thật sự phù hợp nhu cầu việc làm sau ra trường. Một số cơ sở mở mã ngành sau, dựa dẫm vào chương trình đào tạo từ Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã thực hiện trước đây". Cũng theo ông Linh, việc thẩm định chương trình đào tạo nhiều khi "chỉ diễn ra theo quy trình, để đầy đủ hồ sơ" bởi một số thành viên hội đồng thẩm định "không thật sự là những chuyên gia xây dựng chương trình đào tạo, hoặc không phải là người am tường về kiến thức của mã ngành đào tạo".
Ấy thế nhưng, lại có sự chồng chéo và tràn lan việc đào tạo một số ngành được coi là "nóng" về sức thu hút sinh viên. Thông tin công khai từ website chính thức của các trường cho thấy, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội đều có đào tạo Thiết kế thời trang, bên cạnh ngành Công nghệ may/ dệt may trong khi Trường đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cũng đào tạo hệ cử nhân về Công nghệ may, Thiết kế thời trang. Riêng ngành Thiết kế đồ họa hiện được đào tạo phổ biến hơn cả, từ Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp đến các trường chuyên ngành mỹ thuật, kiến trúc khác, kể cả các trường đào tạo đa ngành ở cả khối công lập và tư nhân...
Kết hợp doanh nghiệp như một gợi ý
Trí tuệ nhân tạo (AI) và các chuyên ngành học mới gắn liền với công nghệ số, như Thiết kế đa phương tiện, Thiết kế đồ họa công nghệ số, Đồ họa chuyển động, được đề cập như một xu hướng đào tạo trong mỹ thuật ứng dụng hiện nay. Đây được coi là xu thế không thể đảo ngược trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0, nhằm chuẩn bị "đầu ra" tốt hơn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Tuy nhiên, có lẽ, điều thiết thực giữa bối cảnh mở cửa thị trường lao động trong ngành công nghiệp văn hóa cùng sự phân hóa cao độ về nhân lực trong ngành này như hiện nay là việc nhà trường chủ động hơn nữa kết nối với doanh nghiệp, lắng nghe nhu cầu nhân lực từ họ để có các phương pháp đào tạo phù hợp hơn.
Chẳng hạn, trong xu hướng đô thị hóa và nâng cao thẩm mỹ xã hội như hiện nay, lĩnh vực điêu khắc trang trí đô thị đang tỏ ra "khát" nhân lực trình độ cao. Theo Tiến sĩ Phạm Thái Bình, Trưởng khoa Thiết kế Mỹ thuật, Trường đại học Kiến trúc Hà Nội, việc hợp tác với doanh nghiệp không chỉ đơn thuần dừng lại là nhận sinh viên thực tập, kiến tập, ký các biên bản ghi nhớ hợp tác mà sâu rộng hơn, các cơ sở đào tạo có thể để "doanh nghiệp tham gia hợp tác xây dựng các xưởng thực hành để đầu tư nghiên cứu, sáng tác mẫu sản phẩm, tạo hứng thú giữa học lý thuyết và thực hành. Doanh nghiệp chủ động trong việc đặt hàng thông qua các đồ án chuyên ngành, tổ chức các cuộc thi về thiết kế mẫu mã sản phẩm…".
Mỹ thuật ứng dụng là lĩnh vực cung cấp dịch vụ sáng tạo nên người làm việc trong lĩnh vực này còn cần sự thức thời để đón xu hướng người dùng, dẫn hướng người dùng một cách sáng tạo. Chính vì vậy, một nền tảng đào tạo nhân lực vững chắc hơn nữa cho lĩnh vực này là vô cùng cần thiết, để mỹ thuật ứng dụng sớm có vị trí vững chắc trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
Không chỉ là một bộ phận trực tiếp với ngành Thiết kế, mỹ thuật ứng dụng có vị trí quan trọng trong nhiều phần việc thuộc 11 phân ngành của công nghiệp văn hóa.